Nông sản Việt rộng đường sang Mỹ

Bình luận · 226 Lượt xem

Dư địa xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ là rất lớn, tuy nhiên doanh nghiệp cần xây dựng, quảng bá nông sản mang thương hiệu Việt để vươn tầm thế giới.

Chung tay thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Mỹ

Ngày 4/1, tại TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt, Liên hiệp các Hội KH&KT phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp KH&CN Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị, Hiệp hội trong nước và nước ngoài, tổ chức “Diễn đàn xúc tiến thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ”.

 

Tham dự có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, Ban ngành Trung ương; đại diện các tỉnh thành địa phương và doanh nghiệp.

 

Theo bà Phan Thị Mỹ Yến, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, hiện nay sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam chưa có giá trị cao, tỷ lệ gia công còn cao, chủ yếu là xuất thô. 

 

Vì vậy, cần phải có chiến lược, đầu tư bài bản để xây dựng thương hiệu, quy trình sản xuất một cách khoa học, để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, có thương hiệu uy tín và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. 

 

"Qua khảo sát các siêu thị Hoa Kỳ nhận thấy, nguồn sản phẩm nông sản của Việt Nam có tiềm lực rất lớn, nhưng đa phần mang thương hiệu của nước ngoài. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô", bà Yến nói.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, "Diễn đàn Xúc tiến thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ" là chương trình có ý nghĩa nhất vào thời điểm này khi Việt Nam và Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác thương mại toàn diện, đa phương, song phương, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi trong việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ, phát triển doanh số, gia tăng uy tín doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững.

 

Năm 2023, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, nông sản Việt Nam vươn tầm thế giới. Việt Nam đã phấn đấu khẳng định vị thế của mình khi đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 13 trên thế giới về xuất nhập khẩu.

 

Các sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam ngày càng thâm nhập thị trường quốc tế rộng rãi, năng lực xuất khẩu ngày được nâng cao. Các sản phẩm mang thương hiệu Việt được người tiêu dùng thế giới ngày càng tín nhiệm hơn. Trong đó, Hoa Kỳ là một thị trường lớn mạnh, sức tiêu thụ rất lớn. Tuy nhiên, để thâm nhập vào được thị trường này là vấn đề thử thách đối với doanh nghiệp Việt Nam.

 

Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam năm qua đạt trên 53 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu nông sản đạt trên 23 tỷ USD, thặng dư đạt 12,07 tỷ đôla, tăng 43,7% và có mặt trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng thị trường Mỹ, đạt 10,9 tỷ USD và là thị trường xuất khẩu thứ 2 của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng trên 20%.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản. Tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã đi vào tất cả đời sống, kinh tế, xã hội. Thời gian qua, nhờ đổi mới khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học... ngành nông nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc.

 

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục cùng Hiệp hội doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các hệ thống chính trị địa phương, cùng các doanh nghiệp chung tay thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Mỹ với sản lượng tối đa và giá trị tăng cao hơn trong thời gian tới. Qua đó, đóng góp vào sự tăng trưởng của nông nghiệp, thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế. 

 

2 triệu người Mỹ gốc Việt - bạn hàng thiện chí đối với nông sản Việt Nam

Ở góc độ chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng, cơ hội đối với nông sản Việt Nam là rất lớn. Nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu... nhưng Mỹ không có thế mạnh để sản xuất. Đây là cơ hội. 

 

"Chúng ta phải hết sức cảnh giác, không nên vì dễ dàng, thấy đây là thị trường béo bở, cứ thế xuất sang càng nhiều càng tốt, lấn át thị phần các doanh nghiệp của họ thì sẽ rất dễ bị "tuýt còi", gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Cho nên, phải hết sức cảnh giác, và phải tìm cách chế biến sâu, kết nối với các doanh nghiệp Mỹ, gắn thương hiệu của mình với thương hiệu của họ để chia phần lợi ích đối với họ, thì lúc bấy giờ mình xuất khẩu càng nhiều thì họ càng ủng hộ và không gặp những khó khăn", TS Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

 

Theo TS Lê Đăng Doanh, hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ, đánh thuế 270%, nhưng cũng mặt hàng ấy gắn nhãn mác Việt Nam thuế là 0%. Vì vậy, các cơ quan của Mỹ kiểm tra chặt chẽ, điều tra và có biện pháp trừng phạt đối với việc gian lận trong xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, theo TS Doanh, các doanh nghiệp Việt cần hợp tác thẳng thắn, công khai minh bạch với các doanh nghiệp Mỹ để nâng cao giá trị gia tăng, sẽ có lợi hơn; đồng thời, xem xét kỹ luật pháp, các điều kiện về xanh, sạch, môi trường, tái chế, chất thải, các điều kiện về sở hữu trí tuệ...

 

"Với 2 triệu người Mỹ gốc Việt thì đây sẽ là những bạn hàng hết sức thiện chí đối với hàng hóa nông sản Việt Nam", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

 

 

Dịp này, Hội đồng Doanh nhân Việt - Mỹ cùng Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, cùng ký kết hợp tác phát triển đầu tư, phát triển thị trường và khoa học - công nghệ tại Hoa Kỳ và Việt Nam.

 

 

Nguyễn Thủy

 

Bình luận