Chuẩn hóa giết mổ, kiểm soát dịch bệnh

Bình luận · 184 Lượt xem

Giết mổ tập trung là một mắt xích quan trọng kiểm soát dịch bệnh để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh chuẩn quốc tế, Tây Ninh đang có nhiều cách làm hiệu quả.

Vùng an toàn dịch bệnh là một chứng nhận uy tín của Tổ chức Thú y Thế giới để sản xuất bền vững, phục vụ xuất khẩu đối với ngành chăn nuôi.

 

Bên cạnh tập trung chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, Tây Ninh còn đang tích cực thu hút các doanh nghiệp lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến động vật để làm đầu tàu dẫn dắt, điều phối các hoạt động giết mổ nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

 

Chúng tôi đến thăm cơ sở giết mổ gia cầm công nghiệp của Công ty TNHH Thanh Bảo Hân tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, một trong những cơ sở của doanh nghiệp địa phương được đầu tư “bài bản” nhất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Cơ sở được xây dựng trên diện tích 5 ha, cách xa khu dân cư với công suất 5 triệu con gia cầm/năm theo mô hình khép kín, đạt tiêu chuẩn châu Âu.

 

Theo đó, khu vực giết mổ với đầy đủ các phân khu gồm giết mổ, pha lóc, phân loại, xử lý, đóng gói sản phẩm, xử lý chất thải và các công trình phụ trợ khác. Hệ thống giết mổ được thực hiện trên dây chuyền công nghệ tự động hóa tiên tiến nhất, được giám sát vận hành sản xuất bởi các chuyên gia quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018 và HACCP.

 

Ông Vũ Xuân Thành - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bảo Hân cho biết, nguồn nguyên liệu của nhà máy là gà trắng, gà màu, gà thả vườn được thu mua từ các trang trại trong chuỗi liên kết của các đối tác đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn VietGAP được kiểm soát nghiêm ngặt về tất cả các yếu tố đầu vào từ con giống, thức ăn, vacxin, thuốc thú y, môi trường nuôi; đảm bảo sự đồng đều, ổn định và cho ra chất lượng tốt nhất.

 

“Sứ mệnh của Thanh Bảo Hân là đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm của trang trại, giúp cho người chăn nuôi tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, có nguồn thu nhập tốt và ổn định. Đồng thời mang đến cho người tiêu dùng những thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, truy xuất được nguồn gốc. Trong tương lai, Thanh Bảo Hân hy vọng có thể mở rộng thị trường phân phối sản phẩm tại các tỉnh Đông Nam bộ và tiến tới thị trường xuất khẩu...”, ông Vũ Xuân Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bảo Hân chia sẻ.

 

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 52 cơ sở giết mổ, trong đó có 35 cơ sở giết mổ tập trung và 17 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Các cơ sở đều có cán bộ trực kiểm soát giết mổ, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm.

 

Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã cùng với bà con nông dân các địa phương trên cả nước đã xây dựng được nhiều nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến. Ngoài nhà máy của Công ty TNHH MTV Thanh Bảo Hân, mới đây UBND tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh.

 

Theo đó, Tập đoàn Hùng Nhơn dự kiến đầu tư xây dựng các dự án về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng tại địa phương. Trong đó, có tổ hợp nhà máy giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi.

 

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Chiến lược Phát triển chăn nuôi trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045. Trong đó, tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 40 cơ sở giết mổ tập trung.

 

Chiến lược nhằm nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung các loại vật nuôi theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Phát triển thêm công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi.

 

 

 

Trần Trung - Trần Phi

 

 

Bình luận