Hậu Giang: Phát triển du lịch nông thôn giúp xây dựng nông thôn mới bền vững

Bình luận · 99 Lượt xem

Tỉnh Hậu Giang thực hiện phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái c??

Tăng cường hoạt động trải nghiệm du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP

 

Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều loại hình du lịch nông thôn như: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề… Những loại hình du lịch này ở nông thôn đang mang lại nhiều ý nghĩa, hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có hơn 20 điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP. Có thể kể đến một số điểm du lịch như: vườn dâu Thiên Ân (TP. Ngã Bảy), trang trại sữa dê Ngọc Đào, Homestay Mương Đình (huyện Châu Thành A), khu du lịch sinh thái Mùa Xuân (huyện Phụng Hiệp)…

 

Trước đây, trang trại sữa dê Ngọc Đào (ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A) chủ yếu nuôi dê lấy sữa thương phẩm, nhưng với sự cần cù, sáng tạo, nhiều sản phẩm được chế biến từ sữa dê ra đời, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, như sữa dê, sữa chua dê sấy khô, phô mai sữa dê, sữa chua dê và mít sấy, sầu riêng sấy thăng hoa… Ngoài ra, trang trại này còn phát triển thành điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm.

 

Ông Nguyễn Văn Đua, chủ trang trại sữa dê Ngọc Đào chia sẻ, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, địa phương, gia đình tôi đăng ký và đã có nhiều sản phẩm chế biến từ sữa dê được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Thông qua nhiều kênh thông tin, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng về việc muốn tham quan và trải nghiệm quy trình nuôi dê và lấy sữa dê, cũng như việc chế biến các sản phẩm từ sữa dê, nên gia đình tôi đã mạnh dạn làm điểm du lịch nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP của mình.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hoà cho biết, tỉnh thực hiện phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025 nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững.

 

Theo đó, Hậu Giang phấn đấu đến năm 2025 có từ 3-5 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

 

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn có ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; 70% số lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Bổ sung chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hoà cho biết, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các sở, ngành liên quan sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn, nguồn nhân lực du lịch nông thôn; lựa chọn, hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn.

 

Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho hoạt động này. Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế của địa phương; tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến, thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch nông thôn gắn với NTM để tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; định hướng cơ chế phối hợp, quan tâm phân bổ vốn, lồng ghép các nguồn lực đáp ứng cơ bản nhu cầu theo thứ tự ưu tiên, không dàn trải.

 

Trong đánh giá công nhận xã NTM, cần hạn chế, tiến tới không công nhận khi thiếu tiêu chí, tiêu chí yếu, tiêu chí chưa bền vững; thường xuyên duy trì, nâng chất các tiêu chí. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các tiêu chí NTM phải định hướng cho tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; rà soát, điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, lộ trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phù hợp thực tiễn của tỉnh và từng đơn vị.

Bình luận