Khoa học công nghệ đưa chăn nuôi Việt Nam nhanh chóng bứt tốc

Bình luận · 274 Lượt xem

Cơ giới hóa, tự động hóa đã góp phần quan trọng làm thay đổi ngành chăn nuôi Việt Nam, giúp các sản phẩm chăn nuôi vươn ra thị trường thế giới.

Chăn nuôi Việt Nam đang có sự phát triển tương đối nhanh. Theo Cục Chăn nuôi, giai đoạn 2010 - 2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần, trứng tăng 2,7 lần, sữa tươi tăng 4 lần, qua đó cơ bản đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu người dân và hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm.

Trong sự tăng trưởng ấn tượng ấy của ngành chăn nuôi, có yếu tố quan trọng từ việc đầu tư, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, nhất là ở khu vực chăn nuôi công nghiệp. Nhờ vậy, nhiều cơ sở chăn nuôi không chỉ giảm mạnh chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng mà còn đáp ứng tốt yêu cầu an toàn dịch bệnh để cung cấp sản phẩm xuất khẩu.

Chăn nuôi nước ta những năm qua tăng trưởng nhanh nhờ cơ giới hóa, tự động hóa. Ảnh: Lê Bình.

Chăn nuôi nước ta những năm qua tăng trưởng nhanh nhờ cơ giới hóa, tự động hóa. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ: “Cách đây 30 năm, năng suất chăn nuôi ở Đồng Nai còn rất thấp. Chẳng hạn về sản xuất heo giống, thời điểm đó, năng suất trung bình chỉ đạt 8 - 9 con/lứa, bình quân 14 - 16 con/nái/năm. Đối với gà công nghiệp, năng suất chỉ bằng hơn một nửa năng suất của thế giới. Nhưng gần đây, khi đi tham quan ngành chăn nuôi ở các nước có nền chăn nuôi tiên tiến như Pháp, Canada, Mỹ…, chúng tôi nhận thấy điều kiện sản xuất con giống của họ vẫn tốt hơn so với ngành chăn nuôi Việt Nam, nhưng về năng suất, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn và các thiết bị, công nghệ trong chuồng trại chúng ta đã gần như tiệm cận, thậm chí là ngang ngửa với họ”.

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) cho biết, ông tham gia vào chăn nuôi gà công nghiệp đến nay đã tròn 21 năm. Ông Quyết nhận thấy 21 năm qua, trong ngành chăn nuôi gà công nghiệp trên thế giới, thiết bị, công nghệ thường xuyên thay đổi theo hướng mỗi ngày một hiện đại và quy chuẩn hơn. Hiện nay, nhiều thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại đã có mặt tại nhiều trang trại nuôi gà công nghiệp quy mô lớn ở Việt Nam.

Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong ngành chăn nuôi đã giúp cải thiện đáng kể về năng suất, bảo đảm an toàn dịch bệnh, qua đó góp phần quan trọng giúp ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển cả về quy mô và sản lượng trong thời gian qua.

Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh đầu tư, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, cùng các thiết bị, công nghệ hiện đại khác trong chuồng trại, nhiều cơ sở chăn nuôi Việt Nam đã sản xuất được các sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính và đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi các nước khác.

Một trang trại chăn nuôi gà của Long Thành Phát. Ảnh: Sơn Trang.

Một trang trại chăn nuôi gà của Long Thành Phát. Ảnh: Sơn Trang.

Một trong những cơ sở chăn nuôi điển hình về đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại là HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát. Gà công nghiệp của Hợp tác xã đều được nuôi trong chuồng lạnh. Tất cả các thiết bị, công nghệ ở các trang trại đều rất hiện đại, đạt mức độ tự động hóa cao, từ cho gà ăn, uống tới làm mát, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm…

Ông Lê Văn Quyết chia sẻ, là một trong những đơn vị chăn nuôi hướng tới xuất khẩu, việc chọn thiết bị hiện đại cho trang trại chăn nuôi là điều rất quan trọng đối với Long Thành Phát. Bởi để sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trước hết phải đảm bảo về môi trường chăn nuôi. Tiếp đó sản phẩm phải an toàn, đảm bảo các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời phải có năng suất thật cao để giảm giá thành nhằm tạo ra sức cạnh tranh.

Việc đầu tư các thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại tại tất cả các trang trại đã giúp Long Thành Phát giải quyết được những vấn đề nói trên. Nhờ vậy, gà công nghiệp của Long Thành Phát đang được xuất khẩu sang Nhật Bản và được nhiều công ty đặt hàng để tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Bình luận