Những năm gần đây, nguồn sức kéo động vật dần được thay thế bằng máy móc, tuy nhiên chăn nuôi đại gia súc ở Yên Bái vẫn tiếp tục được mở rộng để cung cấp sản phẩm thịt ra thị trường. Mặt khác, có thể tận dụng tối đa các nguồn lợi tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình chị Sầm Thị Tuyến ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình bắt đầu nuôi bò từ năm 2020. Hơn 10 sào đất vườn đồi trước kia trồng ngô và cây màu được chị Tuyến chuyển đổi sang trồng cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi, gia đình chị được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phòng dịch bệnh, sơ chế, bảo quản nguồn thức ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng theo lứa tuổi và trọng lượng vật nuôi. Mô hình nuôi bò của gia đình luôn duy trì ổn định đầu đàn từ 10 - 15 con.
Theo chị Tuyến, gia đình chị nuôi 5 con bò cái sinh sản để cấp giống cho trang trại của mình. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương và phòng dịch bệnh tốt, mỗi con bò thịt khi xuất bán thu lãi khoảng 10 triệu đồng, từ đó đã mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 60 - 80 triệu đồng/năm.
Gia đình anh Trần Xuân Định ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên là hộ dân có thu nhập ổn định từ chăn nuôi trâu. Trước đây, anh Định chỉ nuôi 1 - 2 con trâu để lấy sức kéo, hiện đàn trâu của anh duy trì từ 10 -12 con, áp dụng phương thức chăn nuôi bán chăn thả.
Anh Định chia sẻ, gia đình bắt đầu nuôi trâu quy mô hàng hóa 10 con/lứa từ năm 2019. Để chăn nuôi đạt hiệu quả, phải luôn chú trọng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn, xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Ngoài ra, gia đình anh cũng tận dụng các diện tích đất bờ bãi trồng hơn 1 mẫu cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn xanh thường xuyên cho đàn trâu. Để giúp đàn trâu có sức đề kháng tốt, hạn chế dịch bệnh, anh định kỳ tiêm các loại vacxin phòng dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Trong mùa giá rét bổ sung các loại thức ăn tinh bột như ngô, sắn. Mỗi năm, thu nhập từ mô hình nuôi trâu đạt hơn 100 triệu đồng.
Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Yên Bái cho biết, thời gian qua tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp khuyến khích, hỗ trợ các mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung theo hướng bán công nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa.
Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có trên 1.000 cơ sở chăn nuôi tập trung, tổng đàn gia súc chính hơn 820.000 con, trong đó, đàn trâu đạt gần 100.000 con, đàn bò trên 40.000 con.
Từ thực tế cho thấy, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chăn nuôi đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả phát triển chăn nuôi gia súc tập trung. Tạo động lực giúp người dân chuyển dần tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, chăn nuôi hàng hóa.
Để đàn gia súc tăng ổn định về số lượng, nâng cao chất lượng và sản lượng thịt, ngành nông nghiệp tỉnh đã chú trọng việc cải tạo, phục tráng giống vật nuôi bản địa, nhằm nâng cao chất lượng con giống và phòng chống dịch bệnh.
Quy mô chăn nuôi đại gia súc ở Yên Bái đang ngày càng tăng, phương pháp chăn thả tự nhiên dần được thay thế bằng nuôi bán công nghiệp, người dân đã có sự chú trọng vào nguồn thức ăn, khâu phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi từ đó đã hình thành nhiều mô hình quy mô theo hướng hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.
Phát huy lợi thế của địa phương, tỉnh Yên Bái xác định đến năm 2025 tập trung phát triển chăn nuôi đàn gia súc chính theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung đẩy mạnh công tác lai tạo đàn bò thịt, phục tráng đàn trâu để nâng cao chất lượng con giống. Chuyển đổi triệt để phương thức chăn nuôi thả rông sang nuôi bán chăn thả và nuôi nhốt với quy mô nông hộ từ 5 trâu, bò cái trở lên.
Thanh Tiến