Ngành nghề truyền thống xuất khẩu trên 100 triệu USD
Ngày 2/12, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, dâu tằm là nghề truyền thống tại Việt Nam và hiện nay đang có sự phát triển với tốc độ cao, đứng thứ 5 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thai Lan.
Theo ông Chinh, hiện cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích trên 13 nghìn ha dâu. Những năm gần đây, diện tích dâu và sản lượng kén liên tục tăng. Cụ thể năm 2019, cả nước sản xuất gần 12 nghìn tấn kén các loại (tăng 43% so với năm 2018) và đến năm 2022 đạt gần 17 nghìn tấn kén.
“Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm đóng góp khoảng 2% tổng giá trị nông sản xuất khẩu của nước ta”, ông Tống Xuân Chinh cho biết.
Theo Cục Chăn nuôi, ngành dâu tằm tơ tập trung lớn nhất ở vùng Tây Nguyên với 77% diện tích dâu của cả nước. Các vùng khác như Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ chiếm tỉ lệ từ 3 đến 11%.
Với giá kén vàng từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, kén trắng từ 170.000 – 205.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng dâu nuôi tằm có thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với các cây trồng khác như lúa, chè, mía.
Theo ông Tống Xuân Chinh, giống tằm ở nước ta hiện có hai giống chính gồm tằm dâu và tằm thầu dầu lá sắn. Giống tằm dâu được sử dụng chủ yếu trên diện rộng của cả nước gồm giống đa hệ kén vàng và giống lưỡng hệ kén trắng, riêng giống tằm thầu dầu lá sắn được nuôi ở một số vùng trung du và miền núi.
Phụ thuộc giống tằm Trung Quốc
Hiện nay, Việt Nam có các cơ sở sản xuất trứng tằm và nguồn trứng tằm lưỡng hệ kén trắng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% trứng tằm lưỡng hệ đang nhập từ Trung Quốc.
Theo Cục Chăn nuôi, giống tằm lưỡng hệ rất quan trọng trong sản xuất và việc nhập khẩu hiện nay chủ yếu thực hiện theo đường tiểu ngạch. Điều này dẫn đến mất nhiều thời gian trong khi chất lượng không được kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, dẫn tới rủi ro cao cho người sản xuất.
“Chúng ta vẫn phải nhập giống để phục vụ sản xuất và đây là vấn đề rất quan trọng cần phải bàn giải pháp”, ông Tống Xuân Chinh nói.
Theo đó, ông Chinh cho rằng, cần quy hoạch phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm ở tầm vĩ mô và đầu tư nhân lực, cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho các sản phẩm dâu tằm. Cùng với đó, tập trung nghiên cứu lai tạo các giống dâu, tằm cao sản thế hệ mới…
TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho biết, hiện nay nước ta đã có bộ giống dâu tốt có năng suất 45 tấn/ha và tạo được giống kén tằm. Tuy nhiên, ngành dâu tằm tơ vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó phải kể đến việc chưa có chiến lược, định hướng phát triển; chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm lưỡng hệ kén trắng và phụ thuộc rất lớn nguồn trứng giống nhập từ Trung Quốc. Điều này dẫn đến ngành chăn nuôi tằm phát triển thiếu bền vững.
“Công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu là tự phát, chưa hình thành các liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất dâu tằm tơ còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước cho ngành dâu tằm tơ còn ít, chủ yếu là xã hội hoá, hạ tầng cơ sở còn thấp kém, thiếu đồng bộ”, TS Lê Quang Tú cho hay.
TS Tú kiến nghị: “Cần phải tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Đồng thời đàm phán với Trung Quốc ở tầm cấp quốc gia để nhập trứng tằm bằng con đường chính ngạch, đồng thời từng bước đưa 2 giống tằm nội địa là VH2020, LĐ-09 ra sản xuất…”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, hiện nay diện tích dâu của tỉnh đạt khoảng gần 10 nghìn ha, sản lượng kén đạt khoảng 16 nghìn tấn, sản lượng tơ trên 2 nghìn tấn/năm.
“Mỗi năm, địa phương cần 350.000 - 400.000 hộp trứng tằm lưỡng hệ phục vụ sản xuất. Toàn bộ giống được nhập khẩu Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, không qua kiểm dịch và chất lượng trứng giống tằm không ổn định”, ông Nguyễn Văn Châu nói và kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp được nhập khẩu chính ngạch trứng tằm để đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị có chức năng tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm, hạn chế phụ thuộc vào nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang Lâm (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ, cùng với việc đàm phán với Trung Quốc nhập khẩu trứng giống tằm chính ngạch, cần xây dựng kho lạnh để bảo quản và chủ động nguồn trứng. Đồng thời tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào sản xuất trứng tằm và xây dựng mô hình mẫu lớn nuôi giống tằm lưỡng hệ trong nước...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành dâu tằm tơ là một trong những ngành có giá trị xuất khẩu cao với trên 100 triệu USD. Đây là ngành có những bước thăng trầm và hiện nay đã có chuyển biến tích cực.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện cả nước có khoảng 38 nghìn hộ gia đình tham gia làm dâu tằm và tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Mô hình trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha và nhiều sản phẩm tơ của nước ta đã ra với thị trường. Hiện nay, công nghiệp tơ tằm có sự phát triển, giống dâu cho năng suất cao và giống tằm có sự khởi động bước đầu.
Thứ trưởng Tiến cho rằng, tồn tại lớn nhất hiện nay của ngành dâu tằm tơ là vấn đề giống và đang rất cần tháo gỡ. Cùng với đó là lĩnh vực chế biến và liên kết giữa các bên vẫn còn những khó khăn. Theo đó, Thứ trưởng Tiến đề nghị các đơn vị trước hết cần tập trung xây dựng đề án chiến lược phát triển ngành dâu tằm tơ. Cùng với đó là tổ chức nghiên cứu, phát triển giống, thực hiện các chương trình khoa học về giống.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các đơn vị cần tăng cường về công tác quản lý khoa học công nghệ, các cơ sở phải đảm bảo về năng lực nghiên cứu cũng như sản phẩm phải đáp ứng được các yếu tố về chất lượng, giá thành. Các cơ quan phối hợp, xây dựng chuỗi liên kết, tổ chức xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
Đối với hệ thống khuyến nông, Thứ trưởng Tiến đề nghị tăng cường công tác truyền thông, tập huấn, hội thảo đầu bờ và phối hợp cùng các doanh nghiệp, đơn vị để mở rộng quy mô sản xuất các tiến bộ kỹ thuật mới trong ngành dâu tằm.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay, Lâm Đồng là tỉnh được mệnh danh “thủ phủ” dâu tằm tơ của cả nước. Tỉnh có lợi thế phát triển ngành dâu tằm tơ nhưng việc sản xuất hiện nay đang phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc. Cùng với đó, các chuỗi liên kết sản xuất tại địa phương vẫn còn hạn chế.
Minh Hậu