Quản lý khai thác thủy sản tại cảng cá: ‘Điểm mặt’ hạn chế phải khắc phục sớm

Bình luận · 263 Lượt xem

Là trung tâm việc gỡ ‘thẻ vàng’ của Ủy ban Châu Âu (EC), nhưng hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá hiện còn nhiều tồn tại và hạn chế.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Cục Thủy sản và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị về quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cả. Ảnh: KS.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Cục Thủy sản và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị về quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cả. Ảnh: KS.

Nhiều tồn tại, hạn chế

Chiều 25/11, tại TP Nha Trang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cùng ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị về quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá.

Báo cáo công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá, ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Cục Thủy sản) cho biết, đến tháng 10/2023, cả nước có tổng số tàu cá với chiều dài từ 6m trở lên khoảng 83.427 tàu. Số tàu đã được đăng ký và cập nhật trên cơ sở dữ liệu VNFisbase là 72.217 chiếc, trong đó 29.341 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên. Hiện còn khoảng 11.210 tàu chưa đăng ký, cập nhật trên VNFisbase, giảm 3.393 chiếc so với tháng 12/2022 do hư hỏng, không còn tồn tại trên thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.125 giấy phép.

Tàu cá cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Tàu cá cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, năm 2023, Bộ NN-PTNT đã tổng hợp và công bố 76 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển. Trong đó, 19 khu neo đậu cấp vùng; 57 khu neo đậu cấp tỉnh; với sức chứa khoảng 50.000 tàu cá. So với chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt trong Quyết định 1976 ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì số khu neo đậu xây dựng mới đạt 56,85%, công suất neo đậu tàu thuyền mới đạt 52,56% quy hoạch và 53,48% tổng số tàu cá.

Đối với số khu neo đậu tránh trú bão công bố mới đạt 48,63% quy hoạch, công suất các khu neo đậu mới đạt 43% quy hoạch và 43,76% tổng số tàu cá của cả nước. Điều đó cho thấy tiến độ đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão chậm hơn mục tiêu quy hoạch, làm tăng nguy cơ thiệt hại tàu thuyền và người mỗi khi có bão...

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trung, dù số lượng tàu khai thác thủy sản đã giảm rõ rệt theo định hướng phát triển; cơ sở hạ tầng bước đầu được quan tâm đầu tư khi hàng loạt dự án đầu tư công trung hạn cho cảng cá, khu neo đậu được phê duyệt, khởi công năm 2023. Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, cũng như sản lượng thủy sản qua cảng và thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU đã có tiến bộ, đi vào nề nếp…

Tuy nhiên hiện vẫn còn một số tồn tại như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch.

Đa số các cảng cá được đầu tư xây dựng từ rất lâu nên so với các tiêu chí quy định tại điều 78 Luật Thủy sản 2017 thiếu nhiều hạng mục không đáp ứng được yêu cầu quản lý, thực hiện các nhiệm vụ tại cảng cá. Việc duy tu, sửa chữa định kỳ còn hạn chế, một số cảng cá có luồng lạch bị bồi lắng, song chưa được nạo vét kịp thời làm cho tàu cá ra, vào bốc dỡ hàng hóa, neo đậu gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn.

Hình thức tổ chức, bộ máy quản lý cảng cá tại các địa phương không thống nhất. Nhưng mô hình tổ chức quản lý cảng cá trực thuộc Sở NN-PTNT là đáp ứng được yêu cầu quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng cá và phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý, tổ chức giám sát sản lượng bốc dỡ, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản tại cảng và xác nhận nguồn gốc thủy sản. Đặc biệt nguồn nhân lực của các tổ chức quản lý cảng cá hiện cũng rất thiếu và chưa được đào tạo về chuyên môn...

Ngoài vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Cục Kiểm ngư) cho biết, hiện việc kết nối chuỗi giữa các cảng cá với doanh nghiệp thu mua, chế biến chưa được chặt chẽ. Bên cạnh đó, Văn phòng kiểm soát IUU tại cảng cá cũng không có sự kết nối về số liệu với các bộ phận khác ở tại cảng.

Ngư dân đánh bắt cá ngừ cập cảng Hòn Rớ để cân bán cho đầu mối tiêu thụ. Ảnh: KS.

Ngư dân đánh bắt cá ngừ cập cảng Hòn Rớ để cân bán cho đầu mối tiêu thụ. Ảnh: KS.

Còn ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, chẳng hạn như châu Âu thì phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu. Theo đó, ngoài các vấn đề về IUU thì vấn đề an toàn thực phẩm đòi hỏi rất khắt khe. Bên cạnh đó, nhiệt độ bảo quản đối với thủy sản trên tàu cũng phải được chú trọng. Thế nhưng hầu như tất cả tàu cá của chúng ta bảo quản sản phẩm bằng phương pháp ướp đá, điều này chỉ đảm bảo chất lượng con cá trong thời gian từ 10 - 15 ngày. Tuy nhiên thực tế các tàu vươn khơi khai thác thủy sản dài hơn 15 ngày rất nhiều.

Một điểm nữa là khi đoàn thanh tra EC kiểm tra họ có phỏng vấn cán bộ tại cảng cá để xem có nắm bắt cũng như hiểu biết về quy chuẩn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

Do đó, tại hội nghị này ông mong các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý cảng cá quan tâm hơn đến góc độ đảm bảo an toàn thực phẩm tại cảng cá theo quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho cảng cả cũng phải đảm bảo rằng, khi phát hiện sai lỗi thì phải giám sát, yêu cầu khắc phục.

Cảng cá là trung tâm vấn đề gỡ “thẻ vàng”

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, thời gian qua trong điều kiện còn nhiều hạn chế về nhân lực, cơ sở hạ tầng, các cơ quan quản lý cảng cá đã cố gắng để triển khai các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại cảng cá. Từ đó kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng lên bến theo quy định. Tuy nhiên ông Luân cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề  tồn tại đã được chỉ ra qua các đợt kiểm tra, nhất là đợt kiểm tra của Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4 vừa qua.

Theo ông Trần Đình Luân, để làm tốt công tác quản lý tại cảng cá, bên cạnh việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, cần phải ổn định tổ chức bộ máy tại các cảng cá, ưu tiên đào tạo bồi dưỡng các cán bộ làm việc tại cảng cá để có đủ trình độ chuyên môn, thực hiện tốt công tác giám sát sản lượng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng.

Bên cạnh đó cần phải rà soát lại quy trình phối hợp giữa cảng cá và các Văn phòng đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá đặt tại các cảng cá để khi phát hiện các vấn đề tồn tại có biện pháp xử lý kịp thời.

Ngoài ra, các thuyền trưởng, chủ tàu cũng có trách nhiệm khi cho tàu vươn khơi và cập cảng phải thông báo, ghi chép nhật ký khai thác, bật thiết bị giám sát hành trình, thực hiện đúng các quy định… Có như vậy mới có thể giám sát được toàn bộ hoạt động của tàu cá theo đúng quy định, cũng như công khai, minh bạch về nguồn gốc của các sản phẩm hải sản khai thác của ngư dân cung cấp đến các nhà máy chế biến; đảm bảo một ngành khai thác thủy sản bền vững, trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cảng cá là trung tâm của việc gỡ 'thẻ vàng'. Ảnh: KS.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cảng cá là trung tâm của việc gỡ "thẻ vàng". Ảnh: KS.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cảng cá là trung tâm của việc gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu (EC). Vì vậy, các cảng cá phải quản lý đội tàu, giám sát đội tàu chặt qua hệ thống thiết bị hành trình (VMS). Bởi thời gian qua các tàu vi phạm chủ yếu là các tàu mất kết nối VMS. Bên cạnh đó việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhật ký khai thác thủy sản, giám sát sản lượng hải sản quả cảng và xử lý vi phạm hành chính cũng phải thực nghiêm túc, không làm theo hình thức đối phó.

Đối với trang thiết bị, nguồn nhân lực thiếu tại các cảng cá, các địa phương cần phải bổ sung để đáp ứng yêu cầu. Thứ trưởng mong muốn tất cả đã cố gắng rồi thì tiếp tục cố gắng hơn nữa.

“Yêu cầu cấp bách là chúng ta vượt lên phía trước, bắt tay thi đua và nhất định sang năm 2024, chúng ta phải gỡ thẻ vàng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bình luận