Xuất ngoại học nghề, nông dân Đà Lạt đưa rau đến Nhật Bản, Hàn Quốc

Bình luận · 245 Lượt xem

Từ Đà Lạt, anh Tô Quang Dũng (nông dân Đà Lạt) tìm đến những trang trại tại Thái Lan, Malaysia học nghề và sau đó xuất khẩu nông sản đến Nhật Bản, Hàn Quốc.

 

 

Nông dân Tô Quang Dũng tự tay kiểm tra lô xà lách thủy canh được trồng trong trang trại của mình - Ảnh: T.L

Nông dân Tô Quang Dũng tự tay kiểm tra lô xà lách thủy canh được trồng trong trang trại của mình - Ảnh: T.L

 
 
 

Rau thủy canh Đà Lạt đến Nhật Bản, Hàn Quốc

Với kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm được đúc rút nhiều năm, anh Tô Quang Dũng (44 tuổi, ngụ TP Đà Lạt) đã trồng và xuất khẩu hàng trăm tấn rau xà lách thủy canh đến Hàn Quốc, Nhật Bản. Anh Dũng hiện đang là chủ Trang trại Trường Phúc.

Công nhân trong trang trại của anh Dũng thu hoạch xà lách thủy canh, chuẩn bị xuất khẩu sang Hàn Quốc - Ảnh: T.L

Công nhân trong trang trại của anh Dũng thu hoạch xà lách thủy canh, chuẩn bị xuất khẩu sang Hàn Quốc - Ảnh: T.L

Gặp anh Dũng đúng dịp trang trại của anh tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) đang hối hả thu hoạch, đóng gói, dán tem lô xà lách thủy canh để xuất đi Hàn Quốc. Những hàng rau xà lách thủy canh thẳng tắp, tiếng nước chảy róc rách trong các ống dẫn thuộc khu vườn rộng hàng hecta. 

"Trước đây, tôi được theo học Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Lâm Đồng ngành phay, tiện, bào. Sau khi ra trường, tôi không xin được việc nên đã về nhà làm nông nghiệp. Thời điểm đó, công nghệ cao mới khởi động tại Đà Lạt", anh Dũng nhớ lại.

Khi bắt đầu làm nông nghiệp (2014), anh loay hoay. Để chấm dứt điều này, anh đi tham quan mô hình làm nông nghiệp tại Thái Lan, Malaysia. Cách làm nông nghiệp công nghệ cao của các nước này lúc ấy cao hơn của Việt Nam. Chính vì vậy, sản phẩm nông nghiệp của họ đã chinh phục được thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc...

Xà lách thủy canh trong trang trại của anh Dũng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP - Ảnh: T.L

Xà lách thủy canh trong trang trại của anh Dũng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP - Ảnh: T.L

Cầm cây rau thủy canh vừa cắt tại trang trại, anh Dũng cho hay: "Sau khi được đi tham quan, học hỏi về, tôi thấy khí hậu các nước Thái Lan, Malaysia có nhiều điểm giống với Đà Lạt, Lạc Dương. Vì vậy, năm 2015 tôi đã vay mượn tiền để đầu tư hệ thống trồng rau thủy canh. 

Thời gian đầu tôi chỉ tiêu thụ được khoảng 100kg rau mỗi ngày. Sau đó, tôi được tham gia các hội chợ thương mại tại TP.HCM, Hà Nội, đây cũng là thời điểm tôi gặp các khách hàng, nhà cung cấp vật tư nông nghiệp để làm nông nghiệp theo hướng mà mình đã chọn".

Chính nhờ có cơ hội được tiếp xúc với các nhà cung cấp vật tư, khách hàng có nhu cầu nông sản nên anh Dũng đã chọn được thời cơ để tung các sản phẩm trong trang trại của mình ra thị trường. Đầu năm 2016, anh Dũng đã xuất khẩu được những container rau thủy canh đầu tiên cho đối tác tại Hàn Quốc. Đến thời điểm hiện tại, anh Dũng vẫn duy trì và gia tăng sản lượng xuất khẩu rau cho thị trường trên, định hướng trong thời gian tới mở rộng ra thị trường khác như Nhật Bản, Singapore.

Làm lạnh xuyên tâm

Theo anh Dũng, các thị trường mà anh đang xuất khẩu rau đều là những nước khó tính, chính vì vậy việc sản xuất rau theo hướng chuyên môn hóa là cần thiết. Với số lượng lớn rau xuất khẩu định kỳ, chất lượng phải đảm bảo thì việc chuyên môn hóa sẽ giúp tạo được lợi thế cạnh tranh, giảm chi phí đầu vào…

Trung bình, mỗi lứa xà lách trồng theo phương pháp thủy canh sẽ mất từ 30-35 ngày - Ảnh: T.L

Trung bình, mỗi lứa xà lách trồng theo phương pháp thủy canh sẽ mất từ 30-35 ngày - Ảnh: T.L

Toàn bộ rau của anh Dũng hiện nay đều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đảm bảo cung cấp hàng cho đối tác, anh Dũng hiện còn liên kết với khoảng 20 hộ dân tại địa phương trồng các loại rau, củ, quả khác như cà rốt baby, súp lơ xanh baby, các loại rau xanh ăn lá...

Không chỉ xuất khẩu ra nước ngoài, hiện anh Dũng còn đang cung cấp nông sản cho chuỗi các siêu thị lớn trong cả nước. Để sản phẩm nông sản giữ được chất lượng, trang trại của anh Dũng đang sử dụng công nghệ làm lạnh xuyên tâm. Đây là cách làm giúp cho rau có thể được bảo quản lâu, xanh tốt qua quá trình di chuyển với hải trình từ 10-12 ngày.

"Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2023, chúng tôi đã xuất khẩu sang Hàn Quốc hơn 100 tấn rau xà lách thủy canh sau thời gian gián đoạn năm 2022. Hiện hai bên cũng đã có kế hoạch xuất khẩu rau năm 2024, nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ tiếp tục xuất khẩu sang Hàn Quốc thêm 200 tấn rau nữa.

Xà lách sau khi thu hoạch được đưa vào thùng giấy có màng bọc nano, màng bọc này sẽ hút khí O2, đẩy CO2 và H2O ra ngoài, giúp rau tươi lâu hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng - Ảnh: T.L

Xà lách sau khi thu hoạch được đưa vào thùng giấy có màng bọc nano, màng bọc này sẽ hút khí O2, đẩy CO2 và H2O ra ngoài, giúp rau tươi lâu hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng - Ảnh: T.L

Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã gửi mẫu cho các đối tác tại Nhật Bản, Singapore và đang chờ phản hồi. Trong khi đó, chúng tôi vẫn tiếp tục xúc tiến đưa nông sản vào các thị trường đã có chỗ đứng trước đó như Hàn Quốc, các nước Đông Bắc Á. Đây đều là những đối tác quan trọng, "khó tính" nên chúng tôi phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Đây cũng là một cách để khẳng định chất lượng của nông sản Việt Nam", anh Dũng chia sẻ. 

Bình luận