Mở đường để yến sào Kiên Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Bình luận · 216 Lượt xem

Với gần 3.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng từ 15 - 17 tấn/năm, Kiên Giang đang thực hiện các yêu cầu bắt buộc để mở đường xuất khẩu chính ngạch yến sào sang Trung Quốc.

Với gần 3.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng từ 15-17 tấn/năm, ngành nông nghiệp Kiên Giang đang thực hiện các yêu cầu bắt buộc để mở đường xuất xuất chính ngạch yến sào sang Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh.

Với gần 3.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng từ 15-17 tấn/năm, ngành nông nghiệp Kiên Giang đang thực hiện các yêu cầu bắt buộc để mở đường xuất xuất chính ngạch yến sào sang Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh.

Nghề nuôi chim yến phát triển mạnh

Là tỉnh ven biển, Kiên Giang có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp đa canh trên diện tích 575.000ha, với 4 vùng sinh thái ngập lũ, mặn, ngọt, biển đảo.

Ngoài thế mạnh về cây lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thì khoảng hơn 20 năm trở lại đây, dân Kiên Giang còn mạnh dạn đầu tư xây nhà nuôi chim yến.

Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết, kết quả từ Hội thảo khoa học “Định hướng và phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Kiên Giang” do Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh tổ chức và Diễn đàn “Phát triển bền vững ngành nuôi chim yến hướng tới xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Kiên Giang, đã khẳng định tỉnh Kiên Giang có tiềm năng, lợi thế, hội đủ các yếu tố để chim yến phát triển, năng suất nhà yến đạt hiệu suất cao nhất.

Hiện nay, Kiên Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về nhà yến với số lượng gần 3.000 nhà, có 2.450 hộ đầu tư xây nhà dẫn dụ chim yến, diện tích sàn 730.630m2. Trong đó, 1.721 nhà xây kiên cố, 1.274 nhà ở cải tạo.

Các địa phương có nhà dẫn dụ và nuôi chim yến nhiều là thành phố Rạch Giá với 872 nhà, huyện Hòn Đất 708 nhà, thành phố Hà Tiên 232 nhà. Sản lượng yến sào thu hoạch năm 2022 trên 17,5 tấn và 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 7 tấn.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang đang tiến hành giám sát dịch bệnh tại các nhà nuôi chim yến, để cung cấp yến sào cho các doanh nghiệp đầu mối đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang đang tiến hành giám sát dịch bệnh tại các nhà nuôi chim yến, để cung cấp yến sào cho các doanh nghiệp đầu mối đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh.

Mở đường xuất khẩu chính ngạch yến sào

Vào tháng 11/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị định thư yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo đó, Nghị định thư có 16 Điều, bao gồm các quy định và yêu cầu về an toàn dịch bệnh, bệnh Newcastle, xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm…

Theo ông Nguyễn Đình Xuyên, Nghị định thư có 3 yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng để xuất khẩu chính ngạch. Một là đảm bảo an toàn dịch bệnh trong thời hạn 12 tháng với cúm gia cầm. Hai là không liên quan đến bệnh Newcastle, là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan trên hầu hết các loài gia cầm, nhất là gia cầm nuôi trong trại và chim hoang dã. Ba là an toàn thực phẩm với 19 chỉ tiêu chất lượng và truy xuất nguồn gốc bằng việc cấp mã định danh nhà yến.

Để đảm bảo các yêu cầu trên, từ tháng 3/2023, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang đã tiến hành giám sát dịch bệnh tại các nhà nuôi chim yến. Đến nay, đã có 193 nhà yến ở 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh được giám sát về cúm gia cầm (H5, H7, N1, N6, N9) và Newcastle để cung cấp yến sào cho 9 doanh nghiệp đầu mối đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Kết quả đều âm tính với bệnh được giám sát.

Hiện tỉnh Kiên Giang có 4 doanh nghiệp chế biến tổ yến sào với sản lượng khoảng 2-3 tấn/năm. Sở Công thương, Sở Khoa học - Công nghệ sẽ hỗ trợ nguồn lực, kinh phí để doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc xây dựng, chứng nhận quy trình sản xuất đạt Tiêu chuẩn HACCP, ISO22000... theo yêu cầu. Nếu các điều thuận lợi, dự kiến hết tháng 3/2024, tỉnh Kiên Giang có thể thể xuất khẩu chính ngạch yến sào sang thị trường Trung Quốc.

Một số khó khăn cần tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang, chi phí giám sát dịch bệnh cúm gia cầm, Newcastle nhà yến phục vụ xuất khẩu khá tốn kém. Doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu đòi hỏi phải có nhà xưởng đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm được chứng nhận HACCP, ISO 22000 và cũng phải được giám sát an toàn thực phẩm trong 12 tháng, trong khi chưa được tập huấn, hướng dẫn quy trình kiểm soát mối nguy, hành động ứng phó, khắc phục nên đa số lúng túng.

Ngoài ra, hiện Bộ NN-PTNT chưa ban hành văn bản quy định trình tự, thủ tục để cấp mã định danh nhà yến phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, trong khi một số cơ sở tại Kiên Giang đến tháng 3/2024 là đủ 12 tháng giám sát.

Bình luận