Tôm nuôi vụ đông dễ mất trắng nếu chủ quan

Bình luận · 211 Lượt xem

Tôm nuôi vụ đông có giá trị kinh tế cao, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh kể cả khi ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng.

Cơ sở nuôi tôm vụ đông của anh Dương Viết Lynh ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Huy Bình. 

Cơ sở nuôi tôm vụ đông của anh Dương Viết Lynh ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Huy Bình. 

Tôm vụ động (tôm vụ 3) có giá trị kinh tế rất cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ trắng tay hơn nhiều so với các vụ khác. Ngoài ra, điều kiện thời tiết miền Bắc giai đoạn này cũng khắc nghiệt hơn nên người nuôi tôm thường ví nuôi tôm vụ đông như đánh bạc với trời.

Thời gian qua, người nuôi tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh miền Bắc đã ứng dụng khoa học công nghệ nuôi tôm vụ đông theo hướng thâm canh trong nhà bạt. Điều này đã phần nào giảm thiểu các yếu tố bất lợi của thời tiết, đảm bảo điều kiện cho tôm sinh trưởng tốt.

Tuy nhiên, đây lại là điều kiện lý tưởng cho dịch bệnh bùng phát khi môi trường nuôi khép kín, bể nuôi thâm canh được tăng công suất, nhiệt độ, điều kiện nước cấp có nhiều thay đổi. Trong đó, nguy hiểm nhất là bệnh đốm trắng do virus trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

Bệnh đốm trắng trên do virus trên tôm được liệt vào danh sách những dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản phải công bố dịch theo quy định tại Thông tư 04/2016 ngày 10/5/2016 của Bộ NN-PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Tôm bị bệnh đốm trắng do virus. Ảnh: HB.

Tôm bị bệnh đốm trắng do virus. Ảnh: HB.

Ông Dương Viết Lynh, một trong những hộ tiên phong nuôi tôm vụ đông tại khu vực Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết, công nghệ dù có tốt đến mấy nếu chủ quan lơ là, không sát sao với đàn tôm là mất trắng, nuôi tôm vụ đông dễ phát sinh dịch bệnh mà phần nhiều là do môi trường nuôi.

Nhiều khi nước để cả tháng không sao nhưng chỉ cần một trận mưa là pH thay đổi, một đợt gió mùa về chất lượng nước cũng thay đổi mà mùa đông thời tiết cứ liên tục như vậy. Khi tôm yếu, cần phải thay nước ngay nhưng nhiệt độ giữa bể trữ và bể nuôi khác nhau nếu thay không cẩn thận gây sốc nhiệt, sốc môi trường lại thành ra mất luôn vụ tôm.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, bệnh đốm trắng trên tôm do virus gây ra là dịch bệnh vô cùng nguy hiểm gây tỷ lệ chết lên tới 90-100% chỉ sau từ 3-10 ngày nhiễm. Bệnh này xuất hiện chủ yếu vào mùa lạnh khi nhiệt độ xuống thấp. Bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển của tôm, nhưng tỉ lệ chết cao nhất thường xuất hiện từ 1-2 tháng sau thả giống, khi môi trường nuôi xấu đi và nhất là khi độ mặn thay đổi, nhiệt độ nước giảm thấp.

Bệnh đốm trắng do virus gây ra chưa có phương pháp điều trị mà chỉ có thể phòng bệnh bằng các phương pháp tổng hợp. Trong đó, là biện pháp quản lý ao nuôi và đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Kiên Trung.  

Bệnh đốm trắng do virus gây ra chưa có phương pháp điều trị mà chỉ có thể phòng bệnh bằng các phương pháp tổng hợp. Trong đó, là biện pháp quản lý ao nuôi và đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Kiên Trung.  

Virus gây hội chứng đốm trắng trên tôm có độc lực rất mạnh, tấn công nhiều mô tế bào khác nhau, thường trên tế bào biểu mô da, gây chết trên mọi giai đoạn phát triển từ ấu trùng đến tôm giống và tôm trưởng thành.

Mầm bệnh có trong tôm hoặc xâm nhập từ bến ngoài thông qua nguồn nước, các ký chủ trung gian. Khi lượng chất thải nuôi tôm nhiều, môi trường nuôi bị ô nhiễm hay thời tiết thay đổi, tôm bị yếu sẽ tạo điều kiện cho các loại virus bùng phát gây dịch bệnh cho tôm.

Tôm bị bệnh đốm trắng do virus có một số biểu hiện bệnh lý như có hiện tượng dạt vào bờ, giảm ăn, xuất hiện nhiều đốm trắng khoảng 0,5 - 3mm xuất hiện bên trong vỏ, nhất là vỏ đầu ngực và đốt bụng thứ 5 và thứ 6 sau đó lan ra khắp cơ thể tôm. Phụ bộ bị gãy hoặc mất.

Tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ năm 2023 tại Ninh Thuận, Cục Thú y cho biết, năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là trên 23,4 nghìn ha tại 21 tỉnh, thành phố. Con số này tăng 15,5% so với năm 2021. Diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại là 8.552 ha. Trong đó, bệnh đốm trắng do virus là một trong những bệnh phổ biến gây thiệt hại không nhỏ đối với ngành nuôi tôm.

Theo Cục Thú y, hiện nay, trên thế giới chưa có vacxin để chủ động phòng bệnh cho tôm, vì vậy các biện pháp phòng bệnh chủ yếu phải dựa vào các biện pháp an toàn sinh học và quản lý ao nuôi. Cùng với đó là xây dựng quy trình nuôi phù hợp với từng vùng nuôi, đặc biệt là xử lý nguồn nước ao nuôi, kiểm soát nguồn tôm giống, điều chỉnh quy trình chăm sóc ao nuôi.

Ngành nuôi tôm đang phải đối diện vấn đề thời tiết có diễn biến cực đoan, tiêu cực, khó dự đoán. Nguồn nước cấp ở cuối nguồn thường bị thiếu và ô nhiễm và các mô hình nuôi tôm không kiểm soát. Điều này gây thiệt hại cho người nuôi tôm và thường trực nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh, kể cả các bệnh thông thường.

 
Bình luận