Chăn nuôi công nghệ cao giúp kiểm soát dịch bệnh

Bình luận · 190 Lượt xem

200 trang trại chăn nuôi gia cầm, hơn 250 trang trại chăn nuôi heo tại tỉnh Bình Dương đã ứng dụng công nghệ cao giúp kiểm soát được dịch bệnh và tối ưu chi phí.

Nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương, đến cuối tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh có tổng đàn heo khoảng 936.000 con, đàn trâu, bò 21.000n con, đàn gia cầm 13 triệu con. Trong đó, chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ trên 70% với gần 200 trang trại chăn nuôi gia cầm và hơn 250 trang trại chăn nuôi heo. Nhìn chung, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua tương đối ổn định, nhưng tổng đàn gia súc và gia cầm có biến động theo chiều hướng giảm.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương, ngày 2/10 trên địa bàn tỉnh xảy ra trường hợp bệnh cúm gia cầm nhưng đã được cơ quan chức năng xử lý, khống chế kịp thời, không để lây lan thành dịch trên diện rộng. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát tốt. Sản phẩm chăn nuôi vẫn luôn đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và một phần cung ứng cho các tỉnh lân cận.

Nhằm đảm bảo kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp trên cơ sở triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật.

Đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành đầy đủ 5 kế hoạch thực hiện các chương trình quốc gia về phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò và bệnh dại.

Bên cạnh đó, HĐND, UBND tỉnh cũng đã ban hành một số chủ trương, chính sách, quy định mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật như: Quy định chế độ hỗ trợ nhân viên thú y cấp xã; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Quy định khu vực không được phép chăn nuôi; Chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi;

Quy định chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vacxin phòng, chống dịch bệnh động vật; Chấp thuận chủ trương cho tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh trong điều kiện chưa có quyết định công bố dịch bằng nguồn ngân sách địa phương; Phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…

 
Bình luận