Cân nhắc sử dụng bột thịt, bột xương thịt trong thức ăn chăn nuôi

Bình luận · 242 Lượt xem

Bột thịt, bột xương thịt trong thức ăn chăn nuôi có nguy cơ lây lan dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, nên cần xem xét việc sử dụng loại nguyên liệu này.

Thức ăn chăn nuôi hiện vẫn đang sử dụng nhiều nguyên liệu có nguồn gốc động vật. Ảnh: Sơn Trang.

Thức ăn chăn nuôi hiện vẫn đang sử dụng nhiều nguyên liệu có nguồn gốc động vật. Ảnh: Sơn Trang.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang sử dụng khá nhiều nguyên liệu có nguồn gốc động vật. Trong đó, bột thịt, bột xương thịt (MBM) có lượng nhập khẩu lớn nhất.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu bột thịt, bột xương thịt đạt 787.000 tấn, trị giá 433 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng gần 33% về trị giá so với năm 2021, chiếm 7,6% về lượng và 7,8% về trị giá trong tổng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam.

Giá nhập khẩu trung bình bột thịt, bột xương thịt trong năm 2022 ở mức 551 USD/tấn, tăng 12% so với năm 2021. Thị trường chính cung cấp bột thịt, bột xương thịt là Mỹ và EU.

GS.TS Lã Văn Kính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, ở các nước phát triển, bột thịt, bột xương thịt được chế biến từ 49% khối lượng sống của trâu bò (phần con người không ăn được), 44% khối lượng sống của heo và 37% khối lượng sống của gà, vịt.

Nguyên liệu sản xuất bột thịt, bột xương thịt có đặc điểm trên 60% là nước, 20% protein và khoáng, 20% chất béo. Nguyên liệu sản xuất MBM dễ hư hỏng, chứa nhiều vi sinh vật có hại và nhiều loại có thể lây lan truyền bệnh cho cả người và động vật.

Hàm lượng vi sinh vật trong nguyên liệu chế biến MBM ở mức cao. Trong một báo cáo khoa học, Clostridium Perfringen có ở 71% mẫu nguyên liệu chế biến bột thịt, bột thịt xương; các chủng Listeria 76,2%; L Monocytogenes 8,3%; Các chủng Campylobacter 29,8%; C. jejuni 20%; Các chủng Salmonella 84,5%.

MBM có nguy cơ lan truyền dịch bệnh bò điên, lở mồm long móng … cho trâu, bò. Với heo, MBM có thể lan truyền bệnh tai xanh, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng, tiêu chảy cấp,…

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho vật nuôi, an toàn thực phẩm cho người, nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng bột thịt, bột thịt xương làm thức ăn chăn nuôi.

Tại Pháp, từ năm 1990 đã cấm sử dụng MBM trong thức ăn cho bò. Trong toàn khối EU, từ năm 1994, đã cấm sử dụng MBM trong thức ăn cho loài nhai lại và từ 2001 cấm sử dụng MBM trong tất cả các loại thức ăn cho động vật.

Ở nhiều nước, bột thịt, bột xương thịt không còn dùng trong thức ăn chăn nuôi mà dùng làm chất đốt, phân bón. Ảnh: Sơn Trang.

Ở nhiều nước, bột thịt, bột xương thịt không còn dùng trong thức ăn chăn nuôi mà dùng làm chất đốt, phân bón. Ảnh: Sơn Trang.

Chính vì vậy, ở nhiều nước, bột thịt, bột xương thịt đang sử dụng làm phân bón, chất đốt với giá rẻ. Chẳng hạn, ở Anh, MBM được sử dụng làm chất đốt cho nhà máy phát điện và sản xuất xi măng. Quá trình đốt cháy MBM sẽ thiêu hủy vi sinh vật có hại và các chất ô nhiễm. Giá trị năng lượng của MBM bằng 2/3 than đá. MBM cũng được sử dụng làm phân bón (bột xương cung cấp canxi và phốt pho, bột thịt cung cấp đạm).

Ở Việt Nam, với bột thịt, bột xương thịt, hiện đã có quy định về hàm lượng asen, cadimi, chì, nitơ amoniac, ethoxyquin, E.coli, Salmonella mà chưa có quy định kiểm tra vi trùng, virus gây bệnh truyền nhiễm trên động vật.

Trước thực tế đó, GS.TS Lã Văn Kính đặt vấn đề, nên chăng, nước ta cần xem xét quy định cấm sử dụng bột thịt, bột xương thịt làm thức ăn chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh trên vật nuôi.

Trong trường hợp chờ đợi thay đổi quy định, rất cần thiết phải quy định không sử dụng bột thịt, bột xương thịt làm thức ăn cho các động vật nhai lại (trâu, bò thịt, bò sữa, dê, cừu). Đồng thời, cần bổ sung yêu cầu kỹ thuật xét nghiệm vi trùng, virus gây bệnh truyền nhiễm trên động vật trong bột thịt, bột xương thịt nhập khẩu.

Bình luận