Phát triển nuôi biển song hành cùng du lịch
Sáng 21/11, tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác Đại sứ quán Na Uy do bà Karin Isdahl, Tham tán Thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Na Uy làm trưởng đoàn, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Tỉnh có diện tích ngư trường rộng lớn và nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao, Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực và mong muốn Na Uy hỗ trợ, hợp tác phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại”.
Trao đổi với đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết: "Liên minh châu Âu (EU) đã có cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản đánh bắt của Việt Nam và chúng tôi đang nỗi lực để gỡ "thẻ vàng" này. Kiên Giang sẽ đi theo hướng giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng, xem đây là giải pháp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân.
Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi biển truyền thống của ngư dân Kiên Giang công nghệ lạc hậu, chủ yếu là lồng nuôi tự chế, khả năng chống chịu kém. Vì vậy, Kiên Giang mong muốn Na Uy hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển, với những dự án thiết thực, mang lại hiệu quả thiết thực. Trước mắt có thể là hỗ trợ về nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xác định vùng nuôi biển, đối tượng nuôi phù hợp để đầu tư phát triển.
Chiến lược của Kiên Giang là phát triển song hành, vừa phát triển nuôi biển vừa phát triển du lịch. Tức là phải ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển nuôi biển nhưng không làm ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường du lịch biển".
Hợp tác chuyển giao công nghệ nuôi biển
Cùng quan điểm, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng, hiện tỉnh đang có hàng ngàn lồng nuôi cá biển nhưng quy mô nhỏ, sản lượng thấp. Kiên Giang rất mong muốn Na Uy hỗ trợ chuyển giao công nghệ nuôi biển, nhất là về công nghệ lồng nuôi HPDE, có khả năng chống chịu được gió bão, giảm phát thải, ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi biển. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nuôi biển, gắn với phát triển hoạt động du lịch.
Theo ông Toàn, tỉnh Kiên Giang có vị trí trọng điểm đối với nghề cá ĐBSCL và cả nước, có khả năng phát triển ngành kinh tế thủy sản cả trong đất liền, trên biển và hải đảo. Với diện tích ngư trường rộng lớn và nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao, Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Trong 10 tháng năm 2023, tổng diện tích nuôi biển của Kiên Giang đạt 23.168ha, sản lượng thu hoạch 87.214 tấn. Trong đó, nuôi cá biển có 3.837 lồng, sản lượng 2.993 tấn; nuôi nhuyễn thể ven biển, ven đảo diện tích 23.168ha, sản lượng 84.221 tấn; nuôi trai cấy ngọc nhân tạo diện tích 100ha, sản lượng 76.000 viên/năm.
Bà Karin Isdahl, Tham tán Thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Na Uy cho biết, Na Uy có ngành nuôi cá hồi rất phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp của Na Uy rất quan tâm đến Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất giống, công nghệ lồng nuôi đã có mặt ở Việt Nam. Muốn nuôi biển phải đầu tư công nghệ, đảm bảo an toàn sinh học, dịch bệnh đối với đàn cá nuôi.
Tuy nhiên, nuôi biển của Kiên Giang hiện nay là gần bờ, dễ bị ô nhiễm, hiệu quả không cao. Cần phải thay đổi về công nghệ, phương thức nuôi. Một vấn đề nữa là hiện nay Việt Nam chưa có Quy hoạch không gian biển quốc gia và của địa phương, nên việc giao mặt nước biển cho các đơn vị thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, chậm triển khai các dự án. Quy hoạch không gian biển là rất quan trọng, vì liên quan đến nhiều lĩnh vực như du lịch, vận tải, nuôi trồng thủy sản.