Đưa Vườn quốc gia Phước Bình lên bản đồ du lịch

Bình luận · 273 Lượt xem

Trong những năm qua, Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái…

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phước Bình, đơn vị này được UBND tỉnh Ninh Thuận giao quản lý tổng diện tích tự nhiên là hơn 25.000 ha; trong đó đất rừng đặc dụng là gần 19.608 ha; đất rừng phòng hộ gần 5.282 ha; đất rừng sản xuất gần 111 ha.

Trong thời gian qua, Ban quản lý VQG Phước Bình đã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn vùng đệm, lực lượng vũ trang, phát triển du lịch sinh thái…

Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Đặc biệt, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đã được Ban quản lý VQG Phước Bình quan tâm, cùng với VQG Bi Duop-Núi Bà (Lâm Đồng), VQG Chư Yang Sin (Đăk Lắk), Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa) tạo thành vùng liên hoàn với khoảng 150.000 ha, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ giá trị tự nhiên và văn hoá lịch sử của đồng bào các dân tộc trong khu vực.

Năm 2020, Ban quản lý VQG Phước Bình được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý để Ban quản lý VQG Phước Bình triển khai các hoạt động đến năm 2030. Đơn vị này đã phối hợp với các sở, ngành, viện, trường đại học, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học. Trong năm 2023, VQG Phước Bình đang thực hiện 2 đề tài, gồm: Đề tài “Bảo tồn và phát triển nguồn gen ấm Quế linh chi (Humphreya endertii) có nguồn gốc từ VQG Phước Bình”.

Đến nay, VQG Phước Bình, đã thực hiện bảo tồn nguồn gen bằng phương pháp bảo tồn âm sâu và phát tán hệ sợi, bào tử nấm ra ngoài tự nhiên; phối hợp với Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. HCM phân tích độc tính, dược chất quan trọng có trong nấm, đang thực nghiệm các mô hình trồng nấm hiện đại và thân thiện với môi trường.

Đề tài “Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà (Bos taurus) và bò tót đực (Bos gaurus) giai đoạn 2021-2025” cũng được đơn vị này thực hiện theo đúng tiến độ đề ra, đàn bò tót lai sinh trưởng tốt.

Nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình đi tuần tra rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình đi tuần tra rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, VQG Phước Bình còn phối hợp với Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số nguồn gen thanh thiên quỳ (Nervilia spp.) hiện có tại tỉnh Ninh Thuận”; Viện Sinh thái học miền Nam thực hiện đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu và đề xuất các giải pháp quản lý các loài động vật và thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm tại VQG Phước Bình; Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) thực hiện điều tra, khảo sát bảo tồn quần thể loài rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) tại VQG Phước Bình; Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga thực hiện hợp tác nghiên cứu đa dạng sinh học, sinh thái tại VQG Phước Bình…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Minh, công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Các nghiên cứu mới chỉ tập trung điều tra, kiểm kê về thành phần loài, chưa chuyên sâu về tập tính sinh thái, tình trạng, phân bố, cấu trúc, mật độ và số lượng cá thể, quần thể để làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn.

“Hợp tác nghiên cứu khoa học còn hạn chế do nguồn lực còn chưa đủ mạnh. Nhân lực nghiên cứu còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, việc tiếp cận huy động nguồn lực bên ngoài chưa đủ mạnh. Hoạt động nghiên cứu còn thiếu tính liên tục, chuyên sâu; chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực này”, ông Minh chia sẻ.

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Vườn quốc gia Phước Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch với các loại hình như: Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm, mạo hiểm; du lịch thực nghiệm, nghiên cứu, hội nghị, hội thảo…

Vườn quốc gia Phước Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Ảnh: V.Đ.T.

Vườn quốc gia Phước Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Ảnh: V.Đ.T.

Dựa vào những lợi thế trên, trong những năm qua, VQG Phước Bình đã xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và đã được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt. Hiện nay, đơn vị này đang tiến hành các thủ tục cần thiết để rà soát, điều chỉnh, bổ sung đề án theo hướng dẫn của Cục Lâm nghiệp tại văn bản số 1183/TCLN-ĐDPH ngày 31/8/2021 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, VQG Phước Bình còn tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch địa phương đến các công ty lữ hành, các trường học trong và ngoài tỉnh; khai thác các tuyến du lịch theo đề án. Hiện nay, đơn vị chức năng đã và đang khai thác tuyến du lịch Suối Gia Nhông bước đầu đạt hiệu quả, lượng du khách đến tham quan VQG Phước Bình tăng đều qua các năm.

Theo ông Minh, bên cạnh những nỗ lực, VQG Phước Bình còn gặp nhiều ngáng trở trong phát triển du lịch sinh thái do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, cơ sở hạ tầng hiện có mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Bên cạnh đó, nguồn lực để phát triển du lịch cũng còn hạn chế; thiếu các quy định và hướng dẫn cụ thể để triển khai hợp tác, liên kết kinh doanh du lịch, hoặc cho thuê môi trường rừng khiến đơn vị gặp khó khăn trong quá trình kêu gọi đầu tư và hợp tác với khối tư nhân.

Từ nay đến năm 2025, Vườn quốc gia Phước Bình sẽ tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Ảnh: V.Đ.T.

Từ nay đến năm 2025, Vườn quốc gia Phước Bình sẽ tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Ảnh: V.Đ.T.

Một khó khăn khác trong phát triển du lịch là nhận thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường và về hợp tác cộng đồng trong hoạt động du lịch còn hạn chế. Dù bước đầu VQG Phước Bình đã hình thành các điểm tham quan du lịch, homestay, ẩm thực nhưng chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.

Từ nay đến năm 2025, chúng tôi sẽ tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các sản phẩm du lịch như: Khám phá thiên nhiên; trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tập quán của dân tộc Raglai; du lịch về nguồn, tham quan di tích lịch sử; tham quan trại bò tót lai; giải trí, thể thao; du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thiền, yoga và du lịch thực nghiệm hiện trường, nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo… để đẩy mạnh phát triển”, ông Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ.

Bình luận