Lợi ích ‘kép’ nhờ trồng mây nước dưới tán rừng

Bình luận · 191 Lượt xem

Trồng mây dưới tán rừng phòng hộ không chỉ giải quyết sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn chung tay cùng ngành chức năng thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Cây mây nước dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và thích hợp với nhiều chân đất ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: K.H.

Cây mây nước dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và thích hợp với nhiều chân đất ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: K.H.

Năm 2012, người dân các xã Ba Trang và Ba Khâm (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ thực hiện dự án “Trồng mây nước dưới tán rừng phòng hộ”. Dự án có tổng quy mô đầu tư 80ha với 40 hộ tham gia. Sau hơn 10 năm, kết quả cho thấy, mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con mà còn góp phần bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng.

Là một trong những hộ dân tham gia dự án, ông Phạm Văn Thót (thôn Nước Đang, xã Ba Trang) cho biết, nhiều năm trước, cây mây nước mọc hoang ở địa phương rất nhiều. Người dân địa phương kéo nhau vào rừng khai thác để bán cho các đại lý thu mua. Sau một thời gian dài, mây tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, nhu cầu thị trường càng ngày càng lớn nên người dân mới bắt đầu thực hiện trồng mây nước dưới tán rừng.

Ngoài hỗ trợ giống, các hộ dân tham gia còn được đơn vị chức năng tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mây. Vốn là cây trồng bản địa nên cây mây nước cho thấy sự phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt, sau 5 năm có thể thu hoạch. Theo ông Mót, qua theo dõi, cây mây đẻ nhánh rất nhanh, trồng càng lâu năm năng suất càng cao.

“Ngoài trồng và thu hoạch mây nước, tôi cũng thu mua từ các hộ dân để cung cấp cho các đại lý lớn. Hiện tại, giá mây nước được các đại lý thu mua từ người dân là 4.200 đồng/kg, có thời điểm, giá mây nước có thể lên đến hơn 7.000 đồng/kg. Trung mình, mỗi ha mây nước trồng dưới tán rừng có thể mang lại nguồn thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/năm”, ông Mót nói.

Ngoài ra, cây mây nước trồng dưới tán rừng còn tận dụng được diện tích đất, không ảnh hưởng đến cây lâm nghiệp, giúp giảm lượng cỏ dại, tăng độ ẩm cho đất, giảm đáng kể vấn đề xói mòn đất, tăng lượng dinh dưỡng cho cây lâm nghiệp. Đến nay, riêng tại xã Ba Trang có gần 300ha mây nước được trồng dưới tán rừng. Nhiều hộ gia đình gia tăng thêm thu nhập, kinh tế được cải thiện từ loại cây này.

Hộ gia đình anh Đinh Văn Gối (trú thôn Cây Múi, xã Ba Trang) hiện có khoảng hơn 1ha diện tích trồng mây nước. Nhờ chăm sóc tốt, trung bình mỗi năm, anh Gói thu về từ 40 - 50 tấn mây thương phẩm mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng. “Mây nước của tôi được cung ứng cho các doanh nghiệp chuyên đan lát mây tre ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhìn chung, đầu ra của cây mây nước cũng rất ổn định, có bao nhiêu thương lái thu mua bấy nhiêu”, anh Gối tâm sự.

Mây nước hiện nay có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/ha/năm cho người dân. Ảnh: K.H.

Mây nước hiện nay có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/ha/năm cho người dân. Ảnh: K.H.

Theo người dân địa phương, cây mây nước trồng đơn giản, ít tốn công chăm sóc. Mỗi ha đất rừng có thể trồng xen từ 600 - 800 gốc mây nước. Trong trường hợp tự đầu tư, mỗi ha trồng mây tốn khoảng 20 triệu đồng gồm tiền giống, cây trồng dặm, phân bón, vật từ và công lao động.

Nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì loài cây này sẽ nhanh cho thu hoạch hơn và thời gian thu hoạch có thể kéo dài liên tục từ 18 – 20 năm. Đối với năm đầu tiên chỉ thu được khoảng 5 triệu đồng, đến năm thứ 2 thu được khoảng 20 triệu đồng sau đó tăng dần qua các năm. Đặc biệt, một lợi thế của cây mây nữa là hầu như không bị ngã đổ khi có mưa bão xảy ra, giúp người trồng ít gặp rủi ro, thiệt hại so với các loại cây rừng khác.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Trang, ông Phạm Văn Mon cho rằng, ngoài lợi ích kinh tế mang lại, việc người dân trồng mây nước dưới tán rừng còn góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng. “Từ ngày thực hiện dự án trồng mây nước dưới tán rừng, người dân ra vào rừng nhiều và thường xuyên hơn. Nhờ đó, các đối tượng không dám vào khai thác gỗ trong khu vực rừng giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, trước đây, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để trồng sắn, trồng keo diễn ra thường xuyên. Hiện nay, tình trạng này hầu như không còn. Có được điều này không chỉ nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tiền hỗ trợ từ việc nhận khoán bảo vệ rừng mà người dân còn có được một khoản thu nhập khá từ cây mây nước trồng dưới tán rừng”, ông Mon nói.

Thực tế những năm qua cho thấy, cây mây nước cũng có sức sống rất khỏe, thích hợp với nhiều loại chân đất khác nhau và không đòi hỏi đầu tư chăm sóc công phu như những loại cây khác. Do đó, thời gian qua, loại cây này đã phát triển khá nhanh ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000ha cây mây nước, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng...

Ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, mô hình trồng mây nước dưới tán rừng ở địa phương là hướng đi phù hợp nhằm góp phần phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao thu nhập cho người nông dân từ nghề rừng, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với rừng. Do đó, trong thời gian tới, ngành kiểm lâm sẽ tham mưu với Sở NN-PTNT và các cơ quan chuyên môn mở rộng diện tích trồng cây mây nước và một số loại cây dược liệu để khai thác hiệu quả kinh tế rừng một cách bền vững.

“Ngành kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các địa phương và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các dự án, mô hình trồng mây nước dưới tán rừng. Việc trồng mây nước dưới tán rừng đã góp phần chuyển đổi tư duy từ phát triển, sản xuất lâm nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế lâm nghiệp đang là mục tiêu kép, hướng đến ổn định sinh kế cho người dân”, ông Hưng khẳng định.

Bình luận