Khởi động sản xuất vụ lúa Đông xuân

Bình luận · 172 Lượt xem

Những ngày qua tranh thủ nước rút, nông dân đã dọn đất, bơm thoát nước, chan phẳng mặt ruộng để gieo sạ vụ lúa Đông xuân 2023-2024. Đây là vụ lúa quan trọng quyết định sự thắng lợi cả năm.

Tranh thủ nước rút, người dân dọn đất gieo sạ vụ lúa Đông xuân 2023-2024.

Sản xuất trong điều kiện khó khăn

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trạng thái El Nino khả năng kéo dài đến hết năm 2023 sang đầu năm 2024 với xác suất trên 95%. Mưa từ tháng 12-2023 đến tháng 2-2024 hầu hết xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Nhiệt độ cao hơn TBNN trong tháng 9 đến tháng 11-2023. Từ tháng 12-2023 đến tháng 2-2024 xấp xỉ TBNN.

Do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực Nam bộ cũng như khu vực trung và hạ lưu sông Mekong, đồng thời mức độ sử dụng nước trên khu vực thượng nguồn cũng gia tăng nên khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô 2023-2024 ở ĐBSCL là rất lớn. Do vậy, cần có giải pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn ở khu vực ĐBSCL.

Nông dân ở thành phố Vị Thanh chan phẳng mặt ruộng để gieo sạ lúa Đông xuân.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), căn cứ vào thực tế sản xuất vụ Thu đông 2023 và việc sắp xếp thời vụ sản xuất lúa của năm 2024, căn cứ vào thời gian cung cấp nước ngọt, lượng nước có khả năng phục vụ tưới cho sản xuất lúa, các địa phương chỉ bố trí sản xuất lúa Đông xuân 2023-2024 ở những vùng còn đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, tối thiểu phải đủ 2,5 tháng nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa. Phải có đủ nước ngọt cung cấp cho lúa vào giai đoạn cuối, tối thiểu 1.000m3 nước ngọt/ha từ giai đoạn trổ đến chín, vì nhu cầu nước suốt vụ cho lúa phải đảm bảo tối thiểu 5.000-6.000m3/ha.

Vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến lúa Đông xuân (vùng ven biển ĐBSCL cách biển 20-30km), các tỉnh gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang với khoảng 900.000ha, chiếm khoảng 60% diện tích toàn vùng.

Thời vụ xuống giống sớm từ ngày 10 đến 30-10-2023 những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển Nam bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang); khoảng 375.000ha chiếm khoảng 26% diện tích vụ Đông xuân, đây là những vùng có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xuống giống sớm để né mặn. Xuống giống đợt 1 từ ngày 1-11 đến ngày 30-11-2023 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; khoảng 700.000ha, chiếm khoảng 46% diện tích kế hoạch. Xuống giống đợt 2 từ ngày 1-12 đến ngày 31-12-2023 thời vụ chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển; khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích kế hoạch. Một số vùng xuống giống Đông xuân muộn kết thúc xuống giống trước ngày 10-1-2024.

Cục Trồng trọt yêu cầu, bố trí thời vụ sản xuất lúa năm cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi, đồng thời căn cứ theo bản đồ nguy cơ cho lúa vào những năm cực đoan đã được xây dựng trước đây để làm cơ sở cho bố trí mùa vụ sản xuất. Việc bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Ngoài ra cũng đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, dự báo nguồn nước cho sản xuất lúa Đông xuân sẽ gặp nhiều khó khăn. Xuống giống sớm trong tháng 10 như lịch khuyến cáo sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng đã bị thiệt hại do hạn mặn năm 2015-2016. Việc xuống giống lúa Đông xuân sẽ có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân. Lúa thu hoạch vào tháng 1, 2 và 3 nằm trong thời kỳ khô, nắng sẽ cho chất lượng ổn định. Tuy nhiên, xuống giống lúa Đông xuân trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trổ của cây lúa và thường cho năng suất không cao, nhưng lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn do vậy đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa - 1 màu.

Chủ động ứng phó

Theo Cục Trồng trọt, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra. Bố trí nguồn lực để nạo vét kênh mương, tuần tra, kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời. Xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô. Tiếp tục thực hiện giải pháp chỉ đạo gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch khuyến cáo của Cục Trồng trọt. Tăng cường hệ thống bẫy đèn, dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại như: chuột, rầy nâu bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, rầy phấn trắng trên lúa. Nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như: “cánh đồng lớn”; “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”, “quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoán lá”... Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Vụ lúa Đông xuân 2023-2024 toàn tỉnh Hậu Giang dự kiến xuống giống 74.200ha, năng suất 7,6 tấn/ha; sản lượng đạt 565.000 tấn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã đưa ra khung lịch xuống giống vụ lúa Đông xuân đợt 1 từ ngày 21 đến 27-11-2023, đối với các khu vực có đê bao khép kín và hệ thống bơm thoát nước hoàn chỉnh nhằm đảm bảo tránh được ảnh hưởng của triều cường vào các tháng cuối năm và các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn, mặn, thiếu nước tưới ở cuối vụ lúa. Đợt 2 từ ngày 19 đến 25-12-2023 đối với trà lúa Đông xuân chính vụ trên địa bàn tỉnh. Đợt 3 từ ngày 17 đến 23-1-2024, đối với vùng trũng thấp, nước lũ rút chậm hàng năm gieo sạ trễ.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố xây dựng lịch xuống giống riêng cho đơn vị phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương theo nguyên tắc “né rầy”, né hạn mặn. Khuyến cáo nông dân cần trục vùi rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng sớm ngay khi thu hoạch lúa Thu đông để hạn chế ốc bươu vàng đẻ trứng, nguồn sâu hại lây lan và ngộ độc hữu cơ cho lúa Đông xuân. Sử dụng lúa giống cấp xác nhận sạ hàng, sạ thưa với lượng giống dưới 100kg/ha hoặc cấy. Có thể sử dụng một số giống lúa như RVT, OM 18, OM 5451, ST 24, ST 25, Jasmin 85, OM 4900, Đài Thơm 8,... xuống giống tập trung đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch “né rầy” để hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây thiệt hại.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, đề nghị các địa phương có nguy cơ cao về xâm nhập mặn chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên cây trồng nhằm bảo vệ sản xuất khi được cảnh báo nguy cơ từ các ngành chức năng và chuyên môn. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân chủ động trong các giải pháp phòng, chống hạn và xâm nhập mặn có hiệu quả với nguồn lực thực hiện có nhằm bảo vệ sản xuất. Đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra các đê bao, cống đập công cộng, đảm bảo nhu cầu lấy nước và tích trữ nước khi cần thiết. Hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật và chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn, mặn cũng như bón bổ sung dinh dưỡng để tăng tính chống chịu đối với các vùng có nguy cơ nhiễm mặn. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân xuống giống vụ lúa Đông xuân đúng theo khuyến cáo từng vùng sản xuất của các địa phương.

Theo Cục Trồng trọt, Sở NN&PTNT các tỉnh xây dựng và triển khai chi tiết kế hoạch sản xuất trồng trọt vụ Đông xuân 2023-2024; xây dựng các phương án và huy động lực lượng ứng phó khi có các tình trạng tiêu cực xảy ra đối với sản xuất. Phương châm sản xuất an toàn được chú trọng bên cạnh việc linh hoạt triển khai các giải pháp phục vụ sản xuất một cách đồng bộ, kiên quyết, không để xảy ra tình trạng thiệt hại do chủ quan đối với tình hình hạn mặn hiện nay. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin trên các phương tiện truyền thông đến tận huyện, xã và những vùng có nguy cơ thiệt hại do hạn mặn. Thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ, ngành để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra trong sản xuất.

Bên cạnh đó, tổ chức nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ, trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng. Tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo và chú ý đến bố trí thời vụ, tiếp tục thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. Từng địa phương có kế hoạch xuống giống trong khung thời vụ chung của Cục Trồng trọt, trong đó lưu ý thông báo rầy di trú tại chỗ của cơ quan bảo vệ thực vật. Khuyến cáo việc sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn vào cuối vụ.

Vụ lúa Đông xuân 2023-2024, toàn vùng ĐBSCL dự kiến gieo sạ 1,475 triệu héc-ta, giảm 3.690ha; năng suất ước đạt 7,22 tấn/ha, sản lượng 10,655 triệu tấn, giảm 20.000 tấn so với vụ Đông xuân 2022-2023.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Bình luận