Xa vời Bình Định

Bình luận · 197 Lượt xem

Những năm qua, nuôi trồng thủy sản ở Bình Định không ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên, việc cấp mã số vùng nuôi, ao nuôi thủy sản nước lợ và nước mặn còn nhiều vướng mắc.

Cấp mã số ao nuôi thủy sản nước lợ chỉ đạt 24%

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, toàn tỉnh này hiện có hơn 3.400ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi thủy sản nước lợ hơn 2.000ha; nuôi thủy sản nước ngọt hơn 1.000ha, chủ yếu là nuôi lồng bè ở các hồ chứa thủy lợi; còn lại khoảng 60ha nuôi thủy sản nước mặn, tập trung tại các vùng biển gần bờ ở thành phố Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ.

Nuôi trồng thủy sản ở Bình Định chủ yếu tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm hùm và cá biển. Diện tích nuôi trồng thủy sản ở Bình Định hàng năm đạt khoảng 3.500ha, sản lượng bình quân đạt khoảng  11.800 tấn/năm, riêng năm 2022 đạt 13.183 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, đến nay, ngành chức năng tỉnh này đã cấp được 600 giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản cho những đối tượng nuôi chủ lực. Trong đó, có 599 giấy xác nhận đối với cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú thương phẩm, chiếm 24,3% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh và 1 giấy xác nhận đối với cơ sở nuôi cá lồng trong hồ chứa với thể tích là 21.600m3, chiếm 35% tổng thể tích nuôi lồng nước ngọt cả tỉnh.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay, theo quy định của Luật Thủy sản 2017, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Sau đó, ngành chức năng mới tiến hành cấp giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản cho các cơ sở, hộ nuôi. Cùng với giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Bình Định cấp luôn mã số vùng nuôi, ao nuôi cho các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản để ngành chức năng quản lý.

Hiện ngành chức năng Bình Định mới chỉ cấp được 600 giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản cho những đối tượng nuôi chủ lực, chỉ chiếm 24,3% tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện ngành chức năng Bình Định mới chỉ cấp được 600 giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản cho những đối tượng nuôi chủ lực, chỉ chiếm 24,3% tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Định), mã số vùng nuôi, ao nuôi thủy sản cũng giống như “thẻ căn cước”. Khi sản phẩm được tiêu thụ trong hoặc ngoài nước, người mua căn cứ mã số vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vùng nuôi, ao nuôi trồng thủy sản nào đã được cấp mã số thì sẽ có lợi thế lớn khi xuất bán sản phẩm, nhất là khi xuất khẩu.

Cũng theo ông Nhân, để được cấp mã số vùng nuôi, ao nuôi, đất nuôi trồng thủy sản của cơ sở, hộ nuôi ấy phải có sổ đỏ. Nếu trong sổ đỏ thể hiện là đất nuôi trồng thủy sản thì càng thuận lợi, nếu không thì diện tích đất ấy phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương và ngành chức năng. Thứ đến, cơ sở hoặc hộ nuôi phải đó đơn xin kèm với sơ đồ vùng nuôi, ao nuôi thì sẽ được cơ quan chức năng tiến hành cấp mã số vùng nuôi, ao nuôi.

Riêng nuôi thủy sản ven đầm, chủ yếu là đối tượng tôm thẻ chân trắng, được Bình Định triển khai khá tốt vấn đề cấp giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản và mã số ao nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ nuôi chưa ý thức đầy đủ lợi ích khi vùng nuôi, ao nuôi của mình được cấp mã số sẽ được thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là bán sang thị trường nước ngoài.

“Ngoài ra, còn có những trường hợp hộ nuôi đã có ý thức, nhưng sổ đỏ diện tích đất nuôi trồng thủy sản của mình đang bị ngân hàng “cột” chưa lấy ra được. Nghề nuôi trồng thủy sản ở Bình Định đã trải qua nhiều thăng trầm, có giai đoạn nhiều năm liền người nuôi tôm thất bại liên hoàn, phải cầm cố sổ đỏ vay tiền để đầu tư tái sản xuất, giờ chưa có tiền trả nợ vay nên chủ nuôi chưa lấy sổ đỏ ra khỏi ngân hàng được nên không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản và mã số ao nuôi”, ông Phạm Thanh Nhân cho hay.

Bình Định còn nhiều diện tích nuôi tôm chưa được cấp mã số ao nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định còn nhiều diện tích nuôi tôm chưa được cấp mã số ao nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc Châu, người đang sở hữu 8,2ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) nhưng đến nay diện tích nuôi tôm nói trên của ông Châu vẫn chưa được cấp mã số ao nuôi. Đối với ông Châu, vấn đề ao nuôi của ông chưa được cấp mã số cũng không gây khó cho việc tiêu thụ sản phẩm là mấy, bởi tôm của ông chỉ bán cho thương lái bên ngoài chứ không bán cho các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu.

“Hiện trên địa bàn huyện Phù Cát chưa có công ty nào đứng ra thu mua tôm, người nuôi chủ yếu bán cho đầu nậu. Nếu sản phẩm tôm nuôi của mình bán cho các công ty thì mới cần đến mã số ao nuôi, nhưng hiện giá cả công ty đang thu mua rất bấp bênh, do xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài không được hanh thông nên công ty ép giá khi thu mua tôm nguyên liệu”, ông Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ.

Chưa giao mặt nước, nuôi biển bị ngáng trở

Theo ông Trần Văn Vinh, nuôi thủy sản nước mặn ở tỉnh này hiện vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình nuôi tự phát với hệ thống lồng bè đơn giản theo kiểu truyền thống, đối tượng nuôi chủ yếu là cá chẽm, tôm hùm, cá bớp, cá hồng, cá mú, mực lá…

Hiện trên địa bàn Bình Định có khoảng 60ha diện tích mặt nước nuôi biển bằng lồng bè tập trung tại phường Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) gồm 114 hộ nuôi với khoảng 1.515 lồng (40.920m3); số lượng giống thả nuôi khoảng 469.800 con gồm các các đối tượng cá bớp, cá chẽm, cá hồng. Nuôi tôm hùm thương phẩm tập trung tại xã Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng và xã Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn) gồm 126 hộ với khoảng 1.360 lồng (14.700m3), số lượng giống thả nuôi khoảng 200.000 con. Số lồng nuôi mực lá khoảng 90 lồng (1.350 m3) chủ yếu tại xã Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn).

Bình Định hiện chỉ có khoảng 60ha diện tích mặt nước nuôi biển bằng lồng bè ở những vùng biển gần bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định hiện chỉ có khoảng 60ha diện tích mặt nước nuôi biển bằng lồng bè ở những vùng biển gần bờ. Ảnh: V.Đ.T.

Công tác cấp mã số vùng nuôi cho những hộ nuôi biển ở Bình Định hiện nay hầu như “còn trắng”, chưa thể thực hiện được, vì chưa có khu vực nuôi biển nào được cấp mã số vùng nuôi vì hộ nuôi chưa được ngành chức năng và chính quyền địa phương giao mặt nước biển. Nguyên nhân, theo giải thích của ông Phạm Thanh Nhân, là do các hộ nuôi biển bằng lồng bè chưa thực hiện đăng ký và chưa được ngành chức năng cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè theo quy định. Bởi, diện tích nuôi biển của các hộ nuôi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê đất hoặc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy định.

Theo ông Nhân, trình tự thủ tục đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực thực hiện theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, hồ sơ gồm: Đơn đăng ký; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản, hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hay quyết định giao khu vực biển, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; sơ đồ mặt bằng vị trí ao, lồng nuôi có xác nhận của chủ cơ sở.

Nuôi biển tại Hải Minh, phường Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nuôi biển tại Hải Minh, phường Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Tuy nhiên, hiện nay các hộ nuôi trồng thủy sản bằng hình thức lồng bè trên biển chưa được cấp đầy đủ những thủ tục, giấy tờ nêu trên nên hiện nay Bình Định chưa triển khai thực hiện việc đăng ký, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản trên biển bằng lồng bè, cấp mã số vùng nuôi biển theo quy định”, ông Phạm Thanh Nhân chia sẻ.

“Trong lộ trình chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang công nghiệp, trong thời gian tới đây, Bình Định sẽ tổ chức thực hiện việc giao khu vực biển theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ cho tổ chức, cá nhân nuôi biển để cơ sở, hộ nuôi thực hiện đăng ký, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè để ngành chức năng quản lý theo quy đinh và tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất khẩu sản phẩm nuôi biển trong thời gian tới đây”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Bình luận