Hồi sinh vùng bưởi tiến vua nhờ kỹ thuật thụ phấn chéo

Bình luận · 69 Lượt xem

YÊN BÁI Nhờ áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo, vùng bưởi đặc sản Đại Minh đã được hồi sinh, năng suất, chất lượng ngày càng được cải thiện.

Nhân rộng giống bưởi tiến vua trăm tuổi

Từ lâu, xã Đại Minh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc với đặc sản bưởi “tiến vua”. Các cụ cao tuổi ở thôn Khả Lĩnh (xã Đại Minh) cho biết, cây bưởi tổ ở gần đình làng đã gần 300 tuổi vẫn tươi tốt và cho quả mỗi năm. Nơi đây cũng chính là vùng đất gốc của giống bưởi đặc sản này, hiện nay cả thôn còn hơn 70 cây bưởi cổ hơn 200 năm tuổi, mỗi mùa vẫn đều đặn đơm hoa, kết trái.

Những cây bưởi Đại Minh cổ thụ có chất lượng thơm ngon nhất được người dân chiết, ghép để nhân rộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Những cây bưởi Đại Minh cổ thụ có chất lượng thơm ngon nhất được người dân chiết, ghép để nhân rộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Chị Tạ Thị Hồng Tuyết ở thôn Khả Lĩnh cho biết, từ cây bưởi cổ thụ trong làng, người dân đã chiết, ghép nhân giống ra khắp vùng, hình thành vùng trồng bưởi rộng lớn. Hiện nay, trong vườn bưởi của gia đình chị có gần 200 cây bưởi có tuổi đời trên 100 năm, được trồng từ đời cụ, đến chị Tuyết là đời thứ tư. Qua nhiều năm, diện tích vườn bưởi của gia đình chị đã mở rộng lên gần 5ha với hơn 1.000 gốc bưởi ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Theo chị Tuyết, toàn bộ diện tích bưởi đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cây bưởi được tưới đủ lượng nước cần thiết, bón phân chuồng ủ hoai mục kết hợp với phân vi sinh theo đúng chu kỳ sinh trưởng để cho chất lượng quả thơm ngon nhất. Tùy theo giá bưởi hàng năm, vườn bưởi cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm, nếu giá cao có thể thu được gần 800 triệu đồng.

Du khách có thể tham quan, trải nghiệm và thưởng thức những quả bưởi tiến vua ngay tại vườn cùng người dân địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Du khách có thể tham quan, trải nghiệm và thưởng thức những quả bưởi tiến vua ngay tại vườn cùng người dân địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Văn Định cũng là hộ dân trồng bưởi lâu năm ở xã Đại Minh, vườn bưởi của gia đình ông có hơn 100 gốc gần 70 năm tuổi được truyền lại từ đời cha ông. Gần 40 năm trước, ông Định đã trồng thêm 150 gốc, hiện nay diện tích bưởi của gia đình ông đã có hơn 1ha, mỗi năm cho thu nhập gần 150 triệu đồng.

Ông Định phấn khởi cho biết, vườn bưởi của ông vừa đạt giải nhất cuộc thi vườn bưởi đẹp trong Lễ hội bưởi Đại Minh năm 2023. Để có vườn bưởi mẫu, ông đã áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa, tạo tán, giới hạn số lượng quả trên mỗi cây.

Trong vườn bưởi, ông còn trồng thêm một số cây bưởi Diễn, bưởi Cát Quế, khi đến mùa hoa, gia đình sẽ lấy phấn từ hoa bưởi Diễn thụ phấn chéo cho bưởi Đại Minh, bởi nếu để tự nhiên cây bưởi Đại Minh sẽ đậu ít quả, chất lượng kém thơm ngon.

Thời kỳ quả non, ông Định tiếp tục tỉa quả, mỗi cây chỉ để từ 200 – 300 quả tùy theo tán lá, độ tuổi giúp các quả bưởi lớn đều, trọng lượng quả khi thu hoạch đạt từ 1 - 1,2kg. Vừa qua, vườn bưởi của ông Định và một số hộ dân đã được gắn mã truy xuất nguồn gốc để thuận tiện quảng bá thương hiệu, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu các thông tin về sản phẩm như độ tuổi, tọa độ địa lý, nguồn gốc…

Khách hàng có thể quét mã truy xuất nguồn gốc khi mua sản phẩm bưởi Đại Minh. Ảnh: Thanh Tiến.

Khách hàng có thể quét mã truy xuất nguồn gốc khi mua sản phẩm bưởi Đại Minh. Ảnh: Thanh Tiến.

Hồi sinh vùng bưởi quý nhờ kỹ thuật thụ phấn chéo

Bưởi Đại Minh được coi là đặc sản tiến vua vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều vitamin và khoáng chất ở dạng vi lượng có lợi cho sức khỏe con người. Quả bưởi có vị ngọt mát, hàm lượng axit thấp, mùi vị đặc trưng, vỏ mỏng, khi chín màu vàng nhạt, mỗi quả bưởi chỉ nặng từ 0,8 - 1,2kg, sau thu hoạch bảo quản để được vài tháng nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Trước đây, bưởi ở Đại Minh chỉ phục vụ nhu cầu tại địa phương, là cây ăn trái trong vườn nhà của mỗi hộ dân. Vì vậy, việc chăm sóc, mở rộng diện tích chưa được quan tâm. Bưởi tự lớn lên, ra hoa kết trái, tỷ lệ đậu quả thấp, múi bưởi khô, kém mọng nước, làm giảm năng suất và chất lượng. Giá trị thu nhập thấp nên nhiều diện tích bưởi từng bị người dân bỏ mặc, không đầu tư chăm sóc, có hộ chặt bỏ chuyển đổi sang trồng chè và cây lâm nghiệp khác.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm bưởi đặc sản Đại Minh. Ảnh: Thanh Tiến.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm bưởi đặc sản Đại Minh. Ảnh: Thanh Tiến.

Trước thực trạng có thể đánh mất vùng bưởi đặc sản, huyện Yên Bình đã phối hợp với các ngành chức năng và các cơ quan chuyên môn tập trung tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Năm 2012, đề tài khoa học của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã nghiên cứu về nguyên nhân suy giảm chất lượng, năng suất giống bưởi Đại Minh, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất và chất lượng bưởi; khai thác, phát triển nguồn gen bưởi Đại Minh.

Kết quả nghiên cứu đã xác định các yếu tố làm suy giảm năng suất, chất lượng vùng bưởi. Từ đó đưa ra giải pháp áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo để tăng tỷ lệ đậu quả, nâng cao năng suất.

Bà Đào Thị Thanh Hiền – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình cho biết, chính kỹ thuật thụ phấn chéo đã góp phần giúp "hồi sinh" vùng bưởi quý Đại Minh. Phương pháp này đơn giản nhưng phải tỉ mỉ, hoa bưởi để thụ phấn phải lấy từ cây bưởi khác dòng như bưởi chua, bưởi hạt, bưởi Diễn… sau đó chấm vào từng đài của hoa cái cây bưởi Đại Minh. Cách làm này mang lại hiệu quả rõ ràng qua từng năm, quả bưởi mọng hơn, vị ngọt mát, thơm ngon nên bà con chăm chút đầu tư và coi đây là loại cây làm giàu.

Những quả bưởi đạt chuẩn có trọng lượng từ 1 - 1,2kg. Ảnh: Thanh Tiến.

Những quả bưởi đạt chuẩn có trọng lượng từ 1 - 1,2kg. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh phổ biến kỹ thuật thụ phấn chéo cho bà con, hàng năm, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các xã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến lựa chọn cây giống chất lượng cao, sạch bệnh để nhân ra diện rộng.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bưởi Đại Minh”. Hiện nay, 2 sản phẩm bưởi của HTX Bưởi VietGAP Đại Minh và HTX đặc sản Bưởi Đại Minh đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. Từ đây, đã xây dựng được thương hiệu, giúp cho sản phẩm tiếp cận được thị trường rộng hơn.  

Ông Nguyễn Trường Giang – Giám đốc HTX đặc sản bưởi Đại Minh cho biết: Diện tích bưởi của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các thành viên trong HTX thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau xác định đúng tỷ lệ phân bón cho cây bưởi theo từng giai đoạn phát triển. Năng suất, chất lượng bưởi tăng lên rõ rệt, quả mọng, hàm lượng vitamin C cao.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm bưởi ngày càng được mở rộng nhờ các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại. Ảnh: Thanh Tiến.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm bưởi ngày càng được mở rộng nhờ các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2021, bưởi của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái. Thông qua các gian hàng trưng bày, lễ hội, chương trình xúc tiến thương mại, bưởi Đại Minh đã tiếp cận được khách hàng nhiều nơi trên cả nước.

Hiện nay, huyện Yên Bình có trên 1.000ha bưởi, tập trung chủ yếu ở xã Đại Minh và Hán Đà. Năng suất loại bưởi đặc sản này đạt hơn 9 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt gần 10.000 tấn, doanh thu đạt hơn 80 tỷ đồng/năm. Huyện Yên Bình đang tiếp tục triển khai liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá trên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần tăng thu nhập cho người dân và tạo chỗ đứng ổn định trên thị trường.

Bình luận