Từ lâu, dong riềng là cây trồng quen thuộc với nông dân, đi cùng là nghề sản xuất miến dong đã trở thành nghề truyền thống ở Bình Liêu (Quảng Ninh). Trải qua bao thăng trầm, đến nay, sản phẩm miến dong Bình Liêu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, được ưa chuộng trên thị trường. Cây dong riềng cũng giúp không ít hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Do hợp khí hậu thổ nhưỡng, củ dong riềng trồng tại Bình Liêu cho chất lượng khá tốt, ít xơ, nhiều bột, vị ngọt dịu, thơm nhẹ. Để củ dong riềng đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, từ nhiều năm nay, người dân ở Bình Liêu đều trồng dong riềng theo hướng hữu cơ.
Trước đây, người dân thường tráng miến bằng tay, sản xuất miến theo kiểu hộ gia đình. Do đó, sản lượng cũng như chất lượng miến không cao. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đến nay, toàn huyện Bình Liêu đã có 8 cơ sở lớn chế biến miến dong tại xã Đồng Tâm, xã Húc Động và thị trấn Bình Liêu.
Các cơ sở chế biến đã đầu tư đưa một số máy móc, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống, bởi vậy sản phẩm vẫn giữ được chất lượng đặc trưng, tăng thêm giá trị thẩm mỹ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm 2016, anh Trần Văn Hoàng (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) thành lập HTX Nông, lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động, tạo mặt bằng, lắp đặt thiết bị sản xuất miến dong. Anh Hoàng cho biết, quy trình sản xuất miến dong phải qua nhiều bước, gồm làm sạch củ dong, nghiền bột dong, lọc bột dong, tráng miến, phơi miến, thái miến.
Miến dong Bình Liêu có vị thơm, ngọt dịu đặc trưng bởi được làm hoàn toàn từ củ dong riềng, không có phụ gia, hoá chất. Những năm qua, HTX cũng như các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn Bình Liêu đã được tỉnh, huyện hỗ trợ đầu tư thiết bị dây chuyền sản xuất để sản phẩm miến dong có chất lượng cao và đồng đều hơn.
Nhận thức rất rõ yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm miến dong ngày càng cao, trong quá trình sản xuất, HTX đặc biệt coi trọng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo anh Hoàng, sản xuất miến dong hiện nay dù đã áp dụng công nghệ máy móc, tuy nhiên, trong một số khâu nhất định vẫn cần phải thực hiện thủ công và phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, như việc phơi bánh tráng để phục vụ cắt thành sợi miến.
Theo đó, HTX tạo không gian phơi bánh tráng tại khu vực rộng, thoáng, đón được gió, ánh sáng mặt trời, giảm tối thiểu lượng bụi phát sinh cũng như sử dụng nguồn nước đảm bảo, dẫn về từ trên đầu nguồn khe núi đã được xử lý lắng lọc trước đó để sản xuất. HTX của anh Hoàng chỉ nhập củ dong đã được thẩm định trong quá trình người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch, đảm bảo đúng quy trình về thời vụ, liều lượng phân bón, thời gian thu hoạch.
Cùng với đó, HTX đa dạng hóa sản phẩm, đóng gói sản phẩm với nhiều khối lượng, kích thước khác nhau, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt, anh Hoàng hướng đến phát triển dòng sản phẩm miến nhúng, miến ăn liền, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu nhấn mạnh, miến dong Bình Liêu hiện đang là sản phẩm OCOP 4 sao của Quảng Ninh. Thị trường miến dong Bình Liêu ngày càng được mở rộng.
Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng cũng như duy trì chất lượng, thương hiệu, thời gian tới huyện tiếp tục duy trì và mở rộng vùng nguyên liệu trồng dong riềng. Đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; kiểm soát chặt chẽ đầu vào nhằm quản lý nhãn hiệu miến dong Bình Liêu bền vững.
Là một trong 12 sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, miến dong Bình Liêu hiện có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn với giá dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg.
Sản phẩm miến dong Bình Liêu được đóng gói, có tem nhãn với đầy đủ thông tin về xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.