FAO: Nhập khẩu thực phẩm toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới trong năm nay

Bình luận · 194 Lượt xem

Trong Food Outlook tháng 11/2023, FAO điều chỉnh tăng dự báo hóa đơn nhập khẩu thực phẩm toàn cầu vào năm 2023, lên mức 2 nghìn tỷ USD năm 2023, cao hơn 35,3 tỷ USD (tương đương 1,8%) so với năm 2022.


 

Theo báo cáo Triển vọng Lương thực (Food Outlook) mới công bố của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), triển vọng sản xuất hầu hết các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều thuận lợi, song các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, căng thẳng địa chính trị gia tăng và những thay đổi chính sách đột ngột gây bất lợi cho hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng cung cầu vốn đã mong manh, cũng như xấu đi triển vọng thương mại và an ninh lương thực toàn cầu.

Food Outlook tháng 11/2023, ấn bản hai năm một lần, đưa ra các dự báo cập nhật về sản xuất, thương mại, tiêu thụ và dự trữ các mặt hàng lương thực thực phẩm chính.

Trong đó, thương mại ngũ cốc thô và gạo được dự báo giảm trong niên vụ 2023/24, ngay cả khi sản lượng ngô toàn cầu được dự báo sẽ tăng đáng kể do diện tích trồng tăng ở Braxin và Hoa Kỳ.

Thương mại thế giới về dầu thực vật và mỡ dự kiến sẽ giảm nhẹ, trong khi sản xuất và tiêu thụ toàn cầu dự báo tăng.

Khối lượng thương mại cũng được dự báo giảm trong năm 2024 đối với đường, các sản phẩm từ sữa, thịt và cá. FAO cũng công bố báo cáo tóm tắt về những phát triển chính sách quan trọng trong lĩnh vực hàng hóa thực phẩm kể từ giữa tháng 5/2023.

Trong Food Outlook tháng 11/2023, FAO điều chỉnh tăng dự báo hóa đơn nhập khẩu thực phẩm toàn cầu vào năm 2023, lên mức 2 nghìn tỷ USD năm 2023, cao hơn 35,3 tỷ USD (tương đương 1,8%) so với năm 2022.

Trái cây và rau quả cùng với đồ uống và đường chiếm phần lớn dự báo tăng, trong đó phần lớn được thúc đẩy bởi các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Ngược lại, các nước có thu nhập thấp dự kiến tổng hóa đơn nhập khẩu thực phẩm  giảm 11%.

Diễn biến này phản ánh xu hướng giá cả thế giới, khi giá trái cây, rau và đường tăng cao trong khi giá mỡ động vật và thực vật lại giảm trong năm. Tuy nhiên, tác động về khối lượng đối với hóa đơn nhập khẩu thực phẩm toàn cầu được dự đoán sẽ vượt quá tác động về giá, mặc dù không ảnh hưởng đến các sản phẩm có giá trị cao hoặc đã qua chế biến như cà phê, chè, ca cao và gia vị.

Nhập khẩu thực phẩm của các nước kém phát triển nhất, các nước đang phát triển nhập khẩu thực phẩm ròng và các quốc gia khu vực châu Phi cận Sahara sẽ suy giảm cho thấy các yếu tố như đồng tiền suy yếu đến mức nợ gia tăng và chi phí vận chuyển hàng hóa cao đang cản trở khả năng tiếp cận thị trường thực phẩm quốc tế.

Báo cáo cũng đưa ra một phần về diễn biến giá nội địa tại các nước đang phát triển nhập khẩu thực phẩm ròng và phân tích xu hướng của Chỉ số giá tiêu thụ thực phẩm toàn cầu, đánh giá sự thay đổi về giá theo lượng calo và lượng protein trung bình tiêu thụ toàn cầu.

MH (Theo FAO)

Bình luận