Thanh Hóa cần sớm thành lập lực lượng kiểm ngư

Bình luận · 209 Lượt xem

Việc chưa có lực lượng kiểm ngư gây khó khăn không nhỏ cho địa phương trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản.

Chiều 17/11, Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, UBND thành phố Sầm Sơn tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo cho ngư dân địa phương; hệ thống quy phạm pháp luật về biển đảo, thủy sản; chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển; chống khai thác IUU. Tại buổi tập huấn, các học viên được xem các thước phim tư liệu về lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam; thực trạng về khai thác thủy sản nói chung, khai thác thủy sản tại Thanh Hóa nói riêng.

Bên lề lớp tập huấn, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Tạ Minh Phương, Chánh Văn phòng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) một số vấn đề về chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản tại tỉnh Thanh Hóa.

Ông Tạ Minh Phương, Chánh Văn phòng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT).

Ông Tạ Minh Phương, Chánh Văn phòng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT).

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân

Thưa ông, vì sao Cục Kiểm ngư lựa chọn Sầm Sơn, Thanh Hóa để tổ chức tập huấn tuyên truyền biển đảo?

Công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục Kiểm ngư nhằm nâng cao hiểu biết cho bà con ngư dân trong khai thác thủy sản trên biển, đặc biệt là vấn đề tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài; các hoạt động khai thác thủy sản bị cấm.

Thanh Hóa có 102km đường bờ biển, với nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ. Lực lượng lao động Thanh Hóa có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố và ngư trường khai thác thủy sản trong cả nước. Riêng thành phố Sầm Sơn có hơn 1.700 phương tiện nghề cá, trong đó có hơn 200 phương tiện khai thác thủy sản ở vùng khơi. Những năm qua, kinh tế thủy sản của tỉnh Thanh Hóa có bước phát triển vượt bậc, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp.

Thông qua lớp tập huấn, Cục Kiểm ngư mong muốn nâng cao nhận thức cho ngư dân về chủ quyền biển đảo, cũng như quy định về đánh bắt thủy sản tại vùng biển có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp nói riêng, kinh tế xã hội nói chung của tỉnh.

Ông Tạ Minh Phương (áo xanh, bên trái), Chánh Văn phòng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) trao đổi với phóng viên.

Ông Tạ Minh Phương (áo xanh, bên trái), Chánh Văn phòng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) trao đổi với phóng viên.

Theo ông, làm thế nào để công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, thực thi pháp luật thủy sản đi vào thực chất, hiệu quả?

Để việc tuyên truyền có hiệu quả, Cục Kiểm ngư chú trọng tuyên truyền quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, do trình độ, văn hóa, khả năng tiếp thu kiến thức pháp luật của mỗi người dân có sự khác nhau, nên Cục Kiểm ngư lựa chọn cách thức truyền tải phù hợp hợp nhất, thông qua hình ảnh, clip, tạo nên tính sinh động trong bài giảng giúp ngư dân, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Ngoài ra, qua khảo sát thực tế, Cục Kiểm ngư thấy rằng, vẫn còn trường ngư dân chưa tuân thủ quy định trong khai thác thủy sản (mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, nhật ký khai thác…) ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của mình.

Do đó, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của ngư dân trong khai thác thủy sản, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác thủy sản bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn, giảm thiểu, tiến đến chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Cục Kiểm ngư mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương, chủ tàu cá và ngư dân.

Thanh Hóa có hơn 6.000 tàu khai thác thủy sản, trong đó chủ yếu là tàu khai thác gần bờ. 

Thanh Hóa có hơn 6.000 tàu khai thác thủy sản, trong đó chủ yếu là tàu khai thác gần bờ. 

Ông đánh giá như thế nào về việc chấp hành pháp luật về chống khai thác IUU tại Thanh Hóa thời gian qua?

Với mục tiêu cùng cả nước chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, Thanh Hóa là địa phương chấp hành tốt các quy định về khai thác thủy sản, tình trạng tàu cá vi phạm cơ bản được khắc phục.

Điều đó cho thấy việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân trong thời gian tại địa phương đã đi vào thực chất và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu mất kết nối, hoặc không ghi nhật ký khai thác. Còn tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU…

Để khắc phục một số hạn chế nêu trên, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cấp xã, nhằm quán triệt cho ngư dân về tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản trên biển.

Để nâng cao năng lực chống khai thác IUU tại địa phương, theo ông, cần thực hiện các giải pháp gì?

Hiện nay, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đều vào cuộc quyết liệt nhằm mục tiêu gỡ "thẻ vàng" của EC. Thời gian qua, Cục Kiểm ngư đã phát động nhiều phong trào, trong đó có phong trào thi đua nâng cao chất lượng công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực. Tôi cho rằng, mỗi địa phương tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh nên phát động phong trào thi đua về việc tuyên truyền, thực thi pháp luật thủy sản, đặc biệt là đối với địa phương có số lượng ngư dân và tàu cá nhiều.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật; đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời động viên, khen thưởng tấm gương điển hình.

Thanh Hóa vẫn chưa có lực lượng kiểm ngư

Thưa ông, tỉnh Thanh Hóa hiện nay vẫn chưa thành lập được lực lượng kiểm ngư, ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

Luật Thủy sản năm 2017 chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2019 quy định tổ chức của lực lượng kiểm ngư gồm kiểm ngư Trung ương và kiểm ngư địa phương. Hiện nay, Cục Kiểm ngư đang xây dựng đề án phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung về thành lập, kiện toàn lực lượng kiểm ngư địa phương.

Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng khai thác thủy sản đồng thời đây cũng là thế mạnh của tỉnh trong những năm qua. Việc chưa có lực lượng kiểm ngư sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện tuần tra, kiểm soát, thanh tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật…

Cục Kiểm ngư cho rằng, Thanh Hóa cần sớm thành lập được lực lượng kiểm ngư nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng kiểm ngư hiện nay?

Hiện nay, việc thành lập lực lượng kiểm ngư tại các địa phương chưa có đồng nhất về tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ chính sách cho lực lượng kiểm ngư. Công tác kiểm ngư tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trang bị thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho lực lượng kiểm ngư còn ít. Ngoài ra, kinh phí cấp cho việc tuần tra, kiểm soát trên biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong thực tế.

Do vậy, để lực lượng kiểm ngư hoàn thành nhiệm vụ được giao, đề nghị các địa phương quan tâm tới việc kiện toàn, thành lập lực lượng kiểm ngư chuyên trách tại địa phương, hoạt động đúng theo chức năng nhiệm vụ được giao theo Luật Thủy sản năm 2017.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Bình luận