Gạo Việt Nam được đón nhận tại thị trường châu Âu

Bình luận · 226 Lượt xem

Trong 2 năm vừa qua, tất cả các lô hàng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU) đều được đón nhận và chưa bị bất kỳ cảnh báo nào về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Trọng Linh.

Gạo Việt được thị trường châu Âu đón nhận

Văn Phòng SPS Việt Nam phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau vừa tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết: Đến nay, Việt Nam có hơn 16 năm tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia 19 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và có 16 Hiệp định đã được ký kết chính thức. Trong đó, có nhiều Hiệp định Thương mại được coi là Hiệp định Thương mại thế hệ mới.

Sau khi các Hiệp định này được ký kết đã thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên. Nhiều năm qua giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn đạt cột mốc khá cao, đặc biệt trong 2 năm vừa qua giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD và năm 2023 dự kiến đạt trên 54 tỷ USD.

Đặc biệt, tháng 8/2020 Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam với 27 nước Liên minh Châu Âu (EU) đã thúc đẩy xuất khẩu nông sản 2 chiều giữa Việt Nam và các nước trong khối EU đã tăng lên. Trong đó, những ngành hàng lớn như: thủy sản, gạo, trái cây và một số mặt hàng thực phẩm… được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU. Ngược lại, Việt Nam cũng đã nhập một số mặt hàng có nguồn gốc động, thực vật từ thị trường EU.

Hiện nay, đối với thị trường EU thì Việt Nam có những cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường này. Đối với thị trường EU trong 10 tháng đầu năm 2023, các thành viên EU có đến 103 thông báo, dự thảo lấy ý kiến về các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật phục vụ cho việc kiểm soát nông sản, thực phẩm khi nhập khẩu sang thị trường EU.

Gạo Lộc Trời Việt Nam lần đầu vào thị trường Áo, bà Đinh Thị Hoàng Yến, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Áo cho biết. Những thương hiệu gạo của doanh nghiệp dần định hình và làm nên thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Gạo Lộc Trời Việt Nam lần đầu vào thị trường Áo, bà Đinh Thị Hoàng Yến, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Áo cho biết. Những thương hiệu gạo của doanh nghiệp dần định hình và làm nên thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo ông Nam, đối với sản phẩm gạo của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU, trong nhiều năm trở lại đây dưới dự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT cùng với sự chỉ đạo của địa phương, đặc biệt là nông dân trực tiếp canh tác thì trong 2 năm vừa qua không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo về tồn dư thuốc BVTV. Như vậy, chất lượng gạo của chúng ta đều đáp ứng hoàn toàn yêu cầu từ thị trường khó tính này. Đặc biệt, thị trường EU là một trong những thị trường đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn rất cao nhưng chúng ta vẫn đáp ứng được.

Tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng tôm

Tại Hội nghị, diễn giả đã chia sẻ những quy định một số thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản tại các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc hay Hàn Quốc… Đồng thời, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ngành xuất khẩu nông sản phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Võ Quốc Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Vùng 6, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT): Việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU đang gặp một số khó khăn do các nước trong khối này có quy định cao về an toàn thực phẩm, trong đó có thủy sản nhập khẩu. Các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo hóa chất kháng sinh có xu hướng tăng. 

Xuất khẩu thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới. Ảnh: Trọng Linh.

Xuất khẩu thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới. Ảnh: Trọng Linh.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa khắc phục “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Hiện nay, chỉ có một số cơ sở chế biến xuất khẩu được EU công nhận có danh sách, đối với các cơ sở còn lại chưa đáp ứng đầy đủ quy định của EU về điều kiện đảm bảo ATTP.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau là tỉnh thuần nông, có thế mạnh về sản xuất thủy sản. Nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh luôn đạt trên 1 tỷ USD và thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này chủ yếu là Châu Âu. Với diện tích nuôi tôm lớn của cả nước với gần 300.000ha, sản lượng hàng năm đạt trên 220.000 tấn, chiếm gần 1/3 về tích cũng như kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Những năm qua, Văn phòng SPS đã cung cấp những thông tin liên quan đến các điều kiện quy định xuất khẩu sang thị trường châu Âu về vệ sinh ATTP, kiểm dịch động, thực vật. Nếu không nắm rõ những quy định, điều kiện nhập khẩu của các thị trường thì khó tiếp cận được các thị trường này.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Bằng, đối với xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau, hiện còn nhiều khó khăn vướng mắc. Thời gian qua Sở NN-PTNT Cà Mau đã phối hợp với Trung tâm Vùng 5 xử lý nhiều trường hợp vi phạm và ra quyết định xử phạt. 

Những tháng đầu năm 2023, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, đến nay đã dần phục hồi tương đối nhưng vẫn còn khá thấp so với trước đó đã tác động trực tiếp đến người nuôi tôm. Theo ông Bằng, thời điểm năm 2020 - 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tình hình xuất khẩu tôm vẫn tăng. Tuy nhiên, khi tình dịch bệnh đã được kiểm soát thì việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản lại gặp khó. Giá tôm giảm là do kinh tế thế giới gặp khó khăn và phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ chính như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…

Điển hình như ngành tôm của Ecuador, hiện nay quốc gia năm ở khu vực Nam Mỹ này sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thuốc, thức ăn tới nuôi và chế biến nên chi phí thấp do không phải qua khâu trung gian. Trong khi đó, tại nước ta việc sản xuất phải qua nhiều khâu trung gian nên chi phí thường cao hơn khoảng 20% so với các nước trên.

Nhận định tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay, hậu dịch bệnh Covid-19 và tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine đã khiến kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Ngành chức năng cần tính toán câu chuyện quản lý, tổ chức canh tác, kiểm soát chất lượng bởi những mặt hàng bán được nhiều hôm nay nhưng thời gian tới cũng có nguy cơ giảm. Điều quan trọng đầu tiên là chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong bối cảnh khó khăn trên nhưng tình hình xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng là một tín hiệu đáng mừng.

Theo Tiến sỹ Ngô Xuân Nam, EU là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nhiều loại nông lâm thủy sản Việt Nam thời gian tới nhờ quy mô thị trường hơn 500 triệu dân và nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm ngày càng tăng cùng với cam kết cắt giảm hầu hết thuế quan trong lộ trình ngắn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với EU. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường khó tính nhất với những quy định về kiểm dịch động thực vật rất cao và kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt với hàng nông lâm thủy sản.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, xu hướng của thị trường EU là tăng rào cản kỹ thuật khi giảm hàng rào thuế quan. Minh chứng là ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã có nhiều thông báo liên quan đến các quy tắc đối với các cơ sở nuôi trồng và vận chuyển động vật thủy sản. Quy định về yêu cầu sức khỏe động vật đối với các hoạt động di chuyển đối với động vật trên cạn và trứng ấp; quy tắc giám sát, chương trình loại trừ và tình trạng sạch bệnh đối với một số bệnh đã được liệt kê và bệnh mới nổi.

Ngoài các quy định của chính quyền, thị trường EU còn đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chứng nhận của các hiệp hội người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ, nhà bán lẻ mà doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải tuân theo như tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội Bán lẻ Anh thiết lập (BRC), nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP).

Bình luận