Trên đồi Bá Vân [Bài 1]: Nơi bảo tồn nguồn gen gia súc lớn nhất nước

Bình luận · 150 Lượt xem

Nhắc đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi (Viện Chăn nuôi) là nhắc đến đơn vị nghiên cứu, lưu giữ nguồn gen ngựa và trâu lớn nhất trên cả nước.

Bề dày lịch sử 60 năm

Thời kỳ những năm 1960, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt ở miền Nam, nhân dân miền Bắc vừa hăng say lao động, vừa phải làm tròn nghĩa vụ là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam.

 

Trong bối cảnh đó, Trại nhân giống ngựa Bá Vân (nay là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi tại xã Bình Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) được thành lập vào tháng 4/1960 nhằm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ngựa phục vụ cho đời sống, sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.

 

Trong suốt quá trình từ khi thành lập, Trung tâm đã trải qua nhiều thử thách, gian khổ cùng với khó khăn chung của đất nước. Mặc dù nghiên cứu đối tượng vật nuôi đặc thù cho miền núi, đóng trên địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội, giao thông khó khăn, thế nhưng Trung tâm vẫn góp phần lớn vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, đặc biệt là ngành chăn nuôi ngựa và trâu ở khu vực miền núi nói riêng.

 

Giờ đây, nhắc đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi là nhắc đến đơn vị nghiên cứu, lưu giữ nguồn gen ngựa và trâu lớn nhất trên cả nước. Do tiền thân là Trại nhân giống ngựa Bá Vân nên Trung tâm có rất nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển các giống ngựa tại Việt Nam.

 

Trước kia, con ngựa gắn liền với đời sống của bà con các dân tộc miền núi phía Bắc. Trong cuộc sống hàng ngày của người dân, ngựa là phương tiện thồ, tải hàng hóa, là công cụ để cày ruộng, kéo xe. Chính vì vậy nhu cầu các giống ngựa để phục vụ trong đời sống dân sinh là rất lớn.

 

Đặc biệt, lực lượng bộ đội biên phòng cũng sử dụng ngựa như phương tiện để đi tuần tra, canh gác thế nên có thể nói con ngựa cũng có vai trò quan trọng trong công tác quốc phòng, an ninh. Cho đến hiện tại, nhiều đơn vị bộ đội biên phòng nơi biên giới các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng vẫn cưỡi ngựa tuần tra, canh gác nơi biên cương.

 

Tuy hiện nay giao thông đã thuận lợi hơn, phương tiện đã hiện đại hơn nhưng ở những vùng cao biên giới, nơi đường xá còn khó khăn, con ngựa vẫn là tài sản quý giá của người dân miền núi.

 

Chàng kỹ sư trẻ với ngọn lửa nhiệt huyết trong tim

Vào những giai đoạn trước kia, công tác hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi trong quá trình nuôi và chăm sóc ngựa cho người dân rất khó khăn.

 

Lí do đến từ việc hầu hết những hộ gia đình có chăn nuôi ngựa đều sinh sống ở vùng sâu vùng xa, giao thông phương tiện đi lại khó khăn, điện đường trường trạm, cơ sở vật chất thiếu thốn. Thậm chí có những vùng muốn vào được không có cách nào khác ngoài việc phải đi bộ. Ngày đó, mỗi chuyến công tác của cán bộ Trung tâm đều được tính hàng tuần, thậm chí là hàng tháng.

 

 

Nhớ lại những tháng ngày gian khó ấy, ông Tạ Văn Cần, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi, lúc bấy giờ mới chỉ là chàng kỹ sư trẻ tuổi mới “chân ướt, chân ráo” ra trường.

 

Bắt đầu công tác tại Trung tâm từ năm 1998, chàng kỹ sư trẻ ấy mang ngọn lửa nhiệt huyết cũng như sức trẻ đang cháy hừng hực trong lồng ngực, xách ba lô khăn gói lên đường công tác hàng tháng trời để cùng ăn, cùng ngủ, cùng chia sẻ những kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc đàn gia súc với đồng bào vùng cao.

 

Ông Cần chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về một chuyến công tác đáng nhớ của mình, đó là chuyến đi công tác tại huyện Trung Khánh, tỉnh Cao Bằng vào năm 2000, ông được Trung tâm cử đi hỗ trợ, chăm sóc con ngựa của người dân bị ốm.

 

Trớ trêu thay, hồi còn học chuyên ngành Chăn nuôi - Thú y trên giảng đường trường Đại học Nông nghiệp III (nay là trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), chàng kỹ sư trẻ ấy lại chưa hề được đào tạo những kiến thức liên quan đến ngựa. Với một cán bộ trẻ, tất cả kinh nghiệm, hiểu biết vốn có chỉ nằm trên những trang sách vở trong khi đối với bà con đồng bào, con ngựa là món tài sản lớn và vô cùng quý giá.

 

Anh kỹ sư trẻ không tránh khỏi lo lắng nên trước khi lên đường công tác đã phải tìm đọc rất nhiều tài liệu để có thể hiểu hơn về con ngựa và có thể truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm ấy cho bà con, đặc biệt là những kinh nghiệm dân gian, những mẹo nhỏ để chữa bệnh cho ngựa.

 

“Lần đó gặp một ca bệnh con ngựa của người dân bị đau bụng. Lần đầu tiên tiếp xúc và phải khống chế 1 con ngựa, tôi rất run và lo lắng do 1 con ngựa trưởng thành rất khỏe, nếu không biết cách khống chế sẽ không thể giữ được nó”, ông Tạ Văn Cần bồi hồi nhớ lại.

 

Vận dụng những kiến thức đã đọc được, cuối cùng anh kỹ sư đã có thể khống chế được con ngựa để dễ dàng hơn trong việc chăm sóc. Đồng thời, anh cũng chia sẻ những kinh nghiệm ấy cho người dân. Thứ nhất, muốn khống chế ngựa phải treo 1 chân ngựa lên, ngựa sẽ mất thăng bằng và chịu đứng yên. Thứ hai, phải xoắn chặt môi trên của ngựa để khống chế ngựa vì đó là khu vực tập trung nhiều đầu dây thần kinh. Với 2 bước đó, con ngựa sẽ hoàn toàn đứng yên để người chủ có thể chăm sóc sức khỏe cho.

 

Cứ thế, anh kỹ sư Tạ Văn Cần vừa thực hành, vừa hướng dẫn cho bà con. Tuy công việc diễn ra khá thuận lợi nhưng phải 2 ngày sau, anh mới thể thở phào nhẹ nhõm. Lúc bấy giờ, người chủ nhà rất vui mừng và phấn khởi vì nếu không biết cách, việc khống chế ngựa sẽ trở nên rất vất vả, thậm chí còn phải trói ngựa lại trong khi đó là việc không hề đơn giản.

 

“Lúc đấy, nếu bà con vui 1 tôi vui 10 vì cảm thấy những kiến thức mình đã học có thể áp dụng vào thực tế và công việc của mình có thể giúp ích cho bà con. Đặc biệt hơn, dưới vai trò của một cán bộ, đại diện cho Trung tâm, được xem như cái nôi của trại ngựa, tôi cảm thấy không chỉ hãnh diện cho bản thân mà còn cho cả đơn vị vì tâm thế của trại ngựa Bá Vân trong mắt bà con đã được nâng cao hơn. Công việc tuy vất vả nhưng tôi đã được đền đáp bằng tấm trân tình, niềm tin quý mến của bà con”, ông Cần xúc động chia sẻ.

 

Đã hơn 20 năm kể từ chuyến công tác đáng nhớ ấy, thế nhưng trong mắt của vị lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi vẫn ánh lên sự bồi hồi đầy cảm xúc. Dường như ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu với nghề nghiệp của chàng kỹ sư trẻ năm nào vẫn mãi cháy bập bùng trong trái tim ông.

 

Năm 2020, đất nước Mông Cổ đã tặng đàn ngựa 100 con cho Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh của Việt Nam. Bộ Công an quyết định chọn khu vực đất nằm trên đồi Bá Vân thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền núi làm “trụ sở chính” cho Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh.

 

Ở đây, đoàn nhận được sự hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm và kiến thức từ các chuyên gia của Trung tâm, nơi có lịch sử hơn 60 năm chăn nuôi và nghiên cứu đại gia súc cho mục đích y học và thú y, trong đó chủ yếu nuôi 2 loài trâu và ngựa.

 

Trung tâm và Đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh đã có thỏa thuận ghi nhớ hợp tác trao đổi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi ngựa, để đàn ngựa Mông Cổ có thể thích nghi được khí hậu, điều kiện sống tại Việt Nam. Cho đến nay, đàn ngựa Mông Cổ đều đã phát triển khỏe mạnh, to đẹp, sẵn sàng phục vụ cho chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

 

 

Phạm Hiếu

 

 

Bình luận