Nhiều cơ sở chưa đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản
Để phục vụ nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản, hiện cả nước có 764 cơ sở sản xuất, cung ứng thức ăn, trong đó có 645 cơ sở trong nước và 119 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, có 8.100 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Tuy nhiên, ngày 17/11, tại Hội nghị tập huấn “Nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất và ương dưỡng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản” do Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức ở TP Cần Thơ, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định, hiện vẫn còn nhiều cơ sở chưa được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống. Điều này khiến người dân không nắm được những cơ sở giống nào uy tín, chất lượng.
Nguyên nhân của thực trạng xuất phát từ vấn đề, Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019, sau 1 năm triển khai lại gặp phải một số khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế. Dẫn đến quá trình áp dụng, triển khai ở các địa phương còn hạn chế, vướng mắc, chưa thống nhất trong công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Thông tin từ Phòng Giống và Thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản), 10 tháng năm 2023, cả nước chỉ có trên 2.000 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Số lượng sản phẩm thức ăn thủy sản đăng ký mã số là 36.414.
Từ những số liệu này, ông Luân đặt câu hỏi về nguồn gốc đăng ký và chất lượng của trên 36.400 mã sản phẩm thức ăn thủy sản được thống kê ở trên.
Để không xảy ra thực trạng buông lỏng quản lý, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy sản, năm 2024, Cục Thủy sản sẽ tăng cường thanh tra và siết chặt hoạt động sản xuất, cung ứng thức ăn, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành thủy sản khẳng định, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lấy mẫu kiểm tra, xem xét, đánh giá, giám sát quá trình hậu kiểm sản phẩm và những doanh nghiệp đủ điều kiện.
Việc cung cấp và làm rõ các thông tin, vướng mắc liên quan đến vấn đề kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất và ương dưỡng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản rất quan trọng. Qua đó, giúp các địa phương, doanh nghiệp hiểu và thống nhất cách làm.
Trước yêu cầu siết chặt quản lý về nuôi trồng thủy sản, thông qua chương trình tập huấn lần này, các đơn vị chuyên môn có liên quan ở các địa phương, doanh nghiệp, HTX sẽ được cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình phát triển nuôi trồng thủy sản, công tác quản lý giống, thức ăn thủy sản. Đồng thời, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, những nội dung, quy định mới trong việc quản lý sản xuất giống, sản xuất thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Từ đó, tạo ra kênh dữ liệu công khai, minh bạch cho người dân và các cơ sở sản xuất thức ăn, cơ sở nuôi trồng thủy sản, tránh bị vi phạm. Bên cạnh đó, các cán bộ địa phương cũng nắm rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, hướng dẫn doanh nghiệp làm đúng, minh bạch sản phẩm giúp hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao nhất.
Sản xuất an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc
Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, về phân công quản lý giống thủy sản, Cục Thủy sản sẽ quản lý điều kiện, chất lượng sản xuất giống tôm bố mẹ, cơ sở sản xuất thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài.
Về phía các địa phương sẽ quản lý về điều kiện, chất lượng giống; chất lượng sản xuất thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Tuy nhiên, sau khi Phòng Giống và Thức ăn thủy sản tiến hành khảo sát, kiểm tra ở 18 tỉnh, thành phố, vẫn còn nhiều vấn đề còn thiếu trong công tác quản lý giống và thức ăn thủy sản. Điển hình, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản, trong khi đây là trong những khâu quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề xuất khẩu sản phẩm thủy sản.
Hay trong khâu sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản, phải thực hiện chứng nhận cơ sở sản xuất và kiểm tra quy trình. Vấn đề này được các địa phương thực hiện khá tốt trên những đối tượng nuôi chủ lực, tuy nhiên với những đối tượng khác lại khá hiếm, thậm chí là chưa thực hiện.
Ngoài ra, hiện nay tại một số địa phương xuất hiện tình trạng các cơ sở mua đi bán lại tôm giống, nguồn gốc nhập từ nhiều nguồn khác nhau, gây khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt làm tăng nguy cơ chất lượng tôm giống không đảm bảo cung cấp ra thị trường.
“Nếu không để ý và cho rằng sản phẩm thủy sản xuất ra đã đảm bảo, nhưng khi truy xuất lại nguyên liệu lại có những vấn đề phức tạp, như lô nguyên liệu nhập lậu, sản xuất từ cơ sở không đủ điều kiện sẽ rất khó khăn”, ông Khôi nhấn mạnh.
Một số điều kiện sản xuất thủy sản cơ bản được Cục Thủy sản đưa ra là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phải phù hợp với từng loài thủy sản, có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập.
Khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp. Khu sinh hoạt bảo đảm tách biệt với khu sản xuất, ương dưỡng.
Về trang thiết bị sản xuất cần bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học, có thiết bị thu gom và xử lý chất thải không để ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học cho từng loại sản phẩm thủy sản. Mỗi loại sản phẩm có chế độ kiểm soát khác nhau, bao gồm: nước; nguyên liệu bao bì thành phẩm; quá trình sản xuất; tái chế, lưu mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị; kiểm soát động vật gây hại; vệ sinh nhà xưởng, thu gom và xử lý chất thải
Trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước phấn đấu đạt 9,8 triệu tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản là 7 triệu tấn và sản lượng khai thác thủy sản là 2,8 triệu tấn vào năm 2030.
Do đó, việc chấn chỉnh, kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản cùng với các hoạt động giám sát điều kiện cơ sở hạ tầng, quy chuẩn, tiêu chuẩn… phải được thực hiện nghiêm ngặt.
“Thà làm 1 - 2 sản phẩm tốt, chất lượng để phát triển thị trường. Nếu làm tràn lan, không kiểm soát được chất lượng sẽ khiến người dân hoang mang, không biết lựa chọn sản phẩm nào. Tôi đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra để minh bạch, công khai, chuẩn hóa để người dân không bị hệ lụy”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Theo ông Luân, trước đây xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc được đánh giá dễ tính, nhưng hiện nay hoạt động này trở nên rất khó khăn. Quốc gia này thường xuyên bắt buộc đàm phán về thủy sản được nuôi và khai thác. Vì thế, thời gian tới, nếu những cơ sở sản xuất thức ăn, con giống hay vùng nuôi không tuân thủ quy định hoặc thiếu công khai, minh bạch sẽ rất khó khăn khi đàm phán xuất khẩu thủy sản.
Thống kê của Cục Thủy sản, 10 tháng năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng trên 4,33 triệu tấn, tăng hơn 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, diện tích nuôi cá tra đạt gần 5.600ha cho sản lượng trên 1,38 triệu tấn. Khoảng 735.000ha nuôi tôm nước lợ, với sản lượng hơn 972.600 tấn.
Kim Anh