Mùa sầu riêng hỗn loạn: [Bài 3] Làm gì để hết cảnh tranh mua, tranh bán?

Bình luận · 171 Lượt xem

Nhận thấy tiềm năng, giá trị kinh tế của cây sầu riêng mang lại, Đắk Lắk đang xây dựng đề án để giúp ngành hàng tỷ đô này phát triển bền vững.

Năm 2023 là năm thứ 2 tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu sầu riêng chính ngạch quả tươi sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tranh mua, tranh bán đã gây ra nhiều hệ lụy cho ngành hàng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk.

 

Ông đánh giá như thế nào về vụ sầu riêng vừa qua của tỉnh Đắk Lắk?

 

Diện tích sầu riêng toàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay đạt 22.500ha, trong năm 2023 sản lượng đạt trên 214.000 tấn. Trong đó sản lượng xuất khẩu ước đạt trên 160.000 tấn, giá trị mang lại trên 15.000 tỷ đồng. Có thể khẳng định là nông dân trồng sầu riêng có thu hoạch thì thắng lợi rất lớn.

 

Vụ thu hoạch vừa qua đã bộc lộ những bất cập, những lỗ hổng gì đối với ngành sầu riêng Đắk Lắk, thưa ông?

 

Sầu riêng của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng trong năm nay được mùa, được giá và được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên giá trị kinh tế mang lại rất cao cho người dân. Tuy nhiên, vụ mùa vừa ra đã gặp những khó khăn, bất cập như: Việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, chưa bền. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng.

 

Nhiều cơ sở sau khi được cấp mã số vùng trồng, đóng gói thiếu sự duy trì chất lượng; tình trạng mạo danh mã số vùng trồng và vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến nước nhập khẩu phải cảnh báo.

 

Chưa có Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn cụ thể về công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng; chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm… Công tác ứng dụng thông tin chưa được thông suốt quá trình từ sản xuất, đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói và xuất khẩu. Việc mua bán đa phần là sự thỏa thuận giữa thương lái và người dân nên khó kiểm soát về giá, dẫn đến có tình trạng thương lái bỏ cọc khi chốt giá cao đến lúc thu hoạch thì giá giảm, gây loạn giá và thiệt hại cho người trồng.

 

Ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung chưa có cơ quan kiểm dịch đối với trái cây tươi, trong đó có quả sầu riêng nên doanh nghiệp xuất khẩu phải vận chuyển đến các tỉnh thành khác để kiểm dịch. Mặt khác, khi vào cao điểm vụ mùa thu hoạch thường xảy ra tình trạng quá tải tại cửa khẩu dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

 

Ông đánh giá việc tranh mua, tranh bán ảnh hưởng như thế nào đến ngành hàng sầu riêng?

 

Qua nắm bắt tình hình, trong những ngày đầu vụ mùa sầu riêng đa phần các thương lái đều liên hệ trực tiếp đến vườn các hộ dân để đặt cọc mua trước, mùa vụ năm nay giá sầu riêng lên cao so với năm trước. Từ đó xuất hiện việc tranh mua của các thương lái.

 

Ngoài ra, do lợi nhuận cao từ việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mặt khác một số chủ vườn có tư tưởng trông chờ giá sầu riêng sẽ tiếp tục lên, vì vậy dẫn đến tranh giành mua bán của các thương lái.

 

 

Việc mua bán đa phần là sự thỏa thuận riêng giữa chủ vườn và thương lái nên công tác kiểm soát hoặc đề nghị thương lái mua sản phẩm cho chủ vườn theo một giá là rất khó (có thời điểm giá sầu riêng lên theo buổi, theo ngày). Việc này ảnh hưởng khá lớn đến giá thị trường, gây loạn giá, giá bong bóng, gây hoang mang cho người trồng, mặt khác ảnh hưởng đến việc thu mua của các doanh nghiệp hoạt động bền vững.

 

Để ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững thì Sở cũng như Hiệp hội có đề xuất gì. Trong thời gian tới sẽ triển khai những công việc gì để giúp ngành hàng phát triển ổn định?

 

Cơ quan chức năng cũng như Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk sẽ tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác có vườn sầu riêng nên chọn những doanh nghiệp có uy tín để ký hợp đồng liên kết tiêu thụ cho ổn định, không chạy theo giá của các thương lái (có thể giá cao nhưng nhiều trường hợp thương lái bỏ cọc dẫn đến việc vườn đến ngày thu hoạch nhưng không có người hái, rồi bị thương lái khác ép giá thấp).

 

Sở, Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương các huyện quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

 

Đề nghị với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu và các hộ sản xuất trong vùng trồng được cấp mã số về việc tuân thủ các biện pháp như: Quản lý dịch hại, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp tục kiến nghị Bộ NN-PTNT (Cục Bảo vệ thực vật) sớm hỗ trợ cho tỉnh có trụ sở kiểm dịch thực vật nhằm giải quyết nhanh cho doanh nghiệp khi làm thủ tục kiểm dịch xuất khẩu.

 

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã giao cho Sở NN-PTNT xây dựng đề án phát triển ngành hàng sầu riêng của địa phương. Từ đó, Sở đã đề nghị Hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề án trong thời gian tới. Tôi hy vọng với đề án này sẽ giúp cho ngành sầu riêng Đắk Lắk được phát triển ổn định.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 

Minh Quý

 

(thực hiện)

 

Bình luận