Giải pháp phòng trừ 'bệnh nan y' trên cây rau

Bình luận · 192 Lượt xem

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp kỹ thuật phòng ngừa bệnh hại nguy hiểm trên cây rau.

Hóc búa xử lý nấm bệnh từ đất

Nhiều nhà vườn trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao bị thất thu bởi bệnh hại sinh ra từ đất như các bệnh héo xanh do vi khuẩn Ralstoria solanacearum gây nên, héo vàng do nấm Fusarium oxysporum. Ngoài ra còn có bệnh xoăn lá, chùn ngọn, cây và quả bị còi cọc do virus gây hại.

 

Các bệnh này không có thuốc trừ đặc hiệu, nhưng nhiều nhà nông vẫn mua thuốc bảo vệ thực vật được quảng cáo quá mức trên mạng để phòng trừ, vừa không hiệu quả, vừa tốn tiền, gây ô nhiễm môi trường và tổn hại sức khỏe không đáng có cho những người lao động trực tiếp.

 

Một bộ phận nông dân có hiểu biết hơn vẫn áp dụng giải pháp thu dọn và tiêu hủy sạch tàn dư thực vật, cày phơi ải đất, luân canh rau với lúa nước hoặc cây trồng khác họ, bón vôi bột hoặc ngâm ruộng với nước vôi trước khi xuống giống. Cách làm này mang lại hiệu quả khá tốt với cây rau màu ngắn ngày, ít mẫn cảm với sâu bệnh nguy hiểm, riêng với những cây rau có thời gian sinh trưởng dài, cho giá trị kinh tế cao và mẫn cảm với nấm bệnh vẫn bị thất thu vượt ngưỡng kinh tế, nhất là với các vùng trồng rau truyền thống.

 

Gần đây, một số vùng rau thâm canh cao còn sử dụng nấm đối kháng Trichoderma để lót/ủ trong đất, bón phân hữu cơ hoặc tưới cho cây trồng. Đồng thời khử trùng đất bằng nhiệt mặt trời theo công nghệ Nhật Bản với quy trình cày ruộng phơi ải kiệt, làm nhỏ đất, rải phân chuồng hoai mục, trộn đều phân với đất, tưới ẩm, san bằng rồi tủ kín đất bằng màng nilon trong suốt, sau 1 - 2 tháng, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, phân hữu cơ sẽ sinh nhiệt, diệt nấm, khuẩn và tuyến trùng trong tầng canh tác. Lúc đó mới dọn bỏ nilon bao phủ để gieo trồng.

 

Nhược điểm của các phương pháp này là yêu cầu thời tiết phải có nắng, tốn màng nilon che phủ, nấm Trichoderma có thể bị hủy diệt dễ dàng khi phơi dưới ánh nắng kéo dài liên tục 2 giờ hoặc khi trời có mưa nhiều ngày.

 

Một số hộ ở tỉnh Lạng Sơn còn dùng ngọn lửa khí gas từ đèn khò đốt nóng đất để diệt nấm, khuẩn và tuyến trùng. Cách làm này tuy có mang lại hiệu quả nhất định, nhưng mất nhiều thời gian, chi phí và công sức, đôi khi còn gây hại cả các vi khuẩn có ích, làm biến tính các vi lượng quý hiếm trong đất.

 

Nhiều giải pháp phòng ngừa "bệnh nan y” trên cây rau

Nhằm khắc phục căn bản những "bệnh nan y" trên cây rau, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp, kỹ thuật canh tác và phòng ngừa dịch hại, bước đầu đã đạt được hiệu quả cao. Trong đó, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã hoàn thiện quy trình trồng cà chua, dưa lưới, dưa chuột và ớt ngọt trên các bầu giá thể xơ dừa hoặc hỗn hợp xơ dừa, trấu hun, xỉ than trong nhà kính giúp khắc phục hoàn toàn các bệnh hại sinh ra từ đất (tuy nhiên vẫn chưa ngăn ngừa hiệu quả các bệnh hại do virus).

 

Để phòng trừ hiệu quả bệnh do virus gây ra, Viện Bảo vệ thực vật đã vào cuộc, nhân nuôi các thiên địch (nhện và bọ xít) của một số loài côn trùng nhỏ thả vào nhà kính trồng rau cho bắt bọ phấn, bọ trĩ, giúp phòng trừ khá tốt các bệnh do virus gây hại. Vì bọ phấn, bọ trĩ là đối tượng chính truyền virus gây bệnh khảm lá, xoăn lá, chùn ngọn, quả còi cọc trên cây dưa leo, ớt ngọt và cà chua.

 

Theo Viện Bảo vệ thực vật, Công ty Hafarm Đà Lạt (Lâm Đồng) đang rất thành công trong phòng bệnh virus bằng thiên địch. Bọ phấn và bọ trĩ là 2 loài côn trùng sinh sản rất nhanh, gây hại rất nghiêm trọng và rất khó phòng trừ vì chúng có khả năng kháng thuốc rất cao. Do vậy, sử dụng thiên địch phòng trừ các đối tượng này là giải pháp tốt nhất. Viện cũng đã có đủ con giống nhện và bọ xít bắt mồi, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất rau của các nhà vườn ở miền Bắc.

 

 

Ở một hướng nghiên cứu khác, Viện Nghiên cứu Rau quả cũng xây dựng thành công quy trình ghép ngọn cà chua giống trên gốc cà chua hoặc cà tím chuyên dùng nhằm tạo ra các cây rau giống có khả năng chống chịu tốt các bệnh do nấm, virus, vi khuẩn hoặc tuyến trùng gây hại.

 

Cách làm này được coi là dễ áp dụng nhất, vừa đơn giản, dễ phổ cập ra sản xuất đại trà, vừa giảm chi phí sản xuất, song đòi hỏi các nhà khoa học phải thường xuyên nghiên cứu, tạo ra nhiều giống rau gieo làm cây gốc ghép chuyên dụng có khả năng chống chịu cao không chỉ với nấm bệnh hại, mà còn thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

 

TS Ngô Thị Hạnh, Trưởng bộ môn Rau và Cây gia vị (Viện Nghiên cứu Rau quả) chia sẻ, hiện nay, Bộ môn đang khẩn trương chọn lọc để thời gian tới sẽ "trình làng" một số giống rau gieo lấy gốc ghép cho một số cây rau ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu, thiết kế nhà ghép rau chuyên dùng đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu cây giống rau ghép cho sản xuất đại trà của các địa phương trong nước. Cùng với đó, Bộ môn còn nghiên cứu thành công giải pháp dùng màng phủ vải không dệt để phòng ngừa côn trùng gây hại một số cây rau ăn lá, ngắn ngày.

 

Có rất nhiều giải pháp để khống chế hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên cây rau sản xuất trong nước. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm nhất định, tùy theo thực tế sản xuất, khả năng đầu tư và tùy loại cây trồng cụ thể. Nhà nông cần kết hợp nhiều giải pháp kỹ thuật nêu trên hoặc chỉ cần sử dụng một trong các biện pháp kỹ thuật đó để phòng ngừa các bệnh hại khó trị trên cây rau nói chung, các loại rau ăn quả có giá trị kinh tế cao nói riêng.

 

 

Nguyễn Hải Tiến

 

 

Bình luận