Sơn La là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích gieo trồng và sản lượng ngô hàng năm. Những năm qua, việc người dân đẩy mạnh sử dụng các giống ngô lai thay thế cho giống bản địa đã giúp gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Với đặc tính nhu cầu sử dụng nước tưới không cao, ít công chăm sóc, phù hợp với địa hình đồi núi có độ dốc lớn, cây ngô đang thực sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy giúp nông dân Sơn La nói riêng, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc nói chung thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, năm 2023, thời tiết diễn biến thất thường đã khiến hoạt động sản xuất ngô của người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La gặp nhiều khó khăn. Theo đó, đầu vụ nắng nóng, khô hạn kéo dài; đến giữa và cuối vụ xuất hiện mưa lớn kéo dài dẫn tới hiện tượng bắp ngô nhỏ, kết hạt kém, năng suất giảm so với bình quân mọi năm.
Ghi nhận tại địa bàn các huyện Bắc Yên, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, hiện tượng bắp ngô nhỏ, kết hạt kém không xẩy ra đại trà trên diện rộng mà chỉ cục bộ tại một số ruộng, trên nhiều giống ngô khác nhau.
Anh Và Bả Ty ở bản Túp Phạ, xã Huổi Một (huyện Sông Mã) cho biết vụ ngô năm nay, gia đình anh gieo trồng 1,5 tạ ngô giống (gồm 1 tạ giống ngô lai NK6253 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam; 50kg giống C.P. 511 và C.P. 311 của Công ty TNHH Hạt giống C.P. Việt Nam. Gia đình anh bắt đầu xuống giống vào khoảng cuối tháng 5 (dương lịch). Anh Ty cho biết khi vừa bón thúc lần 1 đã gặp mưa kéo dài nên phân bón bị rửa trôi, gia đình phải tiến hành bón lại sau đó.
Theo anh Ty, qua theo dõi thực tế trên ruộng cho thấy, tất cả các diện tích trồng 3 giống ngô đều có hiện tượng một số cây bắp bé, tỷ lệ kết hạt kém. Hiện tại, gia đình anh đã thu hoạch xong diện tích gieo 50kg hạt giống C.P. 511 và C.P. 311, thu được hơn 10 tấn ngô bắp. Diện tích trồng giống ngô NK6253 hiện chưa thu hoạch nhưng dự kiến năng suất cũng giảm so với các vụ trước đây.
“Những năm trước, gia đình gieo trồng 3 giống ngô này đều cho năng suất cao, trung bình 10kg giống thu được 7 - 8 tấn bắp. Năm nay, mưa nhiều vào những giai đoạn cây ngô cần bổ sung dinh dưỡng nhất nên phân bón bị rửa trôi, cây ngô không hấp thụ được dinh dưỡng nên phát triển kém, đây có thể là nguyên nhân dẫn tới năng suất giảm. Hi vọng giá bán ngô sẽ tăng để có thêm thu nhập bù đắp phần nào thiệt hại”, anh Ty nói.
Anh Lù A Bảy ở bản Pá Nó, xã Chiềng Cang (huyện Sông Mã) trồng 80kg các giống ngô C.P. 511, C.P. 311, C.P. 519 và NK6253 cũng chia sẻ: Gia đình anh xuống giống vào thời điểm cuối tháng 5 (dương lịch), khi ngô bước vào giai đoạn trổ cờ, tung phấn, phun râu thì gặp thời tiết mưa kéo dài. Sau thời điểm đó, nhiều cây ngô có hiện tượng bắp kết hạt kém. Hiện gia đình anh đã thu hoạch xong diện tích trồng tương đương 30kg giống nhưng chỉ thu được hơn 10 tấn bắp. Số diện tích còn lại năng suất dự kiến cũng sẽ thấp hơn so với mọi năm.
“Những năm trước, tôi trồng 80kg giống trung bình thu được hơn 50 tấn bắp. Tuy nhiên do năm nay thời tiết bất lợi nên ngô mất mùa, sản lượng chắc chắn không đạt được như năm trước. Các giống ngô này gia đình đã gieo trồng trong nhiều năm, kỹ thuật, quy trình canh tác không thay đổi, việc mất mùa là do ảnh hưởng của thời tiết mưa kéo dài”, anh Bảy phân tích.
Ông Vàng A Tĩnh, Trưởng bản Nhọt Có, xã Chiềng Cang thông tin: Tổng diện trồng ngô của bản hơn 54ha, được bà con gieo trồng gồm nhiều giống của các đơn vị cung cấp như C.P, Syngenta, Bayer... Mọi năm, trên tất cả các giống, hiện tượng một số cây ngô bắp kết hạt kém vẫn xảy ra nhưng chỉ lác đác trên ruộng, năm nay tỷ lệ này cao hơn.
Hiện tại, các cơ quan chuyên môn đang xác định nguyên nhân, tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người dân thì nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết bất lợi. Bởi giai đoạn đầu vụ các giống ngô đều có tỷ lệ nảy mầm cao, cây non phát triển tốt. Đến giai đoạn trổ cờ, tung phấn, phun râu thì mưa liên tục. Đây là giai đoạn quan trọng của ngô, nếu gặp mưa thì khả năng thụ phấn sẽ kém, bắp có nguy cơ kết hạt kém.
Không nên vội vàng "đổ tội" do giống
TS Phan Xuân Hào, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô (Bộ NN-PTNT) đánh giá, khi xảy ra sự cố ngô kết hạt kém, bà con nông dân thường đổ lỗi do hạt giống kém chất lượng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế đồng ruộng tại các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La, có thể khẳng định ngô bắp bé hoặc kết hạt kém không phải do giống mà chủ yếu do yếu tố thời tiết và kỹ thuật canh tác.
TS Hào phân tích, hiện tượng cây ngô ra bắp bé, hoặc bắp kết hạt kém có thể do các nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, trước khi ngô trổ cờ, phun râu khoảng 2 tuần và trong suốt thời gian trổ cờ, ngô gặp nhiệt độ không khí trên 35 độ C hoặc ẩm độ không khí dưới 50%, hoặc kết hợp cả hai yếu tố này. Điều kiện thời tiết như thế sẽ gây ra tình trạng chết hạt phấn, ngô không tung phấn và quá trình thụ phấn không xảy ra.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, nhiệt độ không khí trung bình 9 tháng đầu năm 2023 ở các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu là từ 22,9 - 25,2 độ C. Tại trạm Sông Mã, nhiệt độ cao nhất là 33,6 độ C (tháng 5), thấp nhất là 12,9 độ C (tháng 1). Tại Trạm Mai Sơn, nhiệt độ cao nhất là 31 độ C (tháng 5), thấp nhất là 9,3 độ C (tháng 1). Tại Trạm Yên Châu, nhiệt độ cao nhất là 32,4 độ C (tháng 5), thấp nhất là 12,6 độ C (tháng 1). Như vậy, có thể loại trừ nguyên nhân về nhiệt độ ảnh hưởng tới cây ngô.
- Thứ hai, nguyên nhân thời tiết rét đậm (nhiệt độ dưới 15 độ C) ở thời kỳ trổ cờ và hình thành bắp cũng không thể xảy ra vì ngô ở Sơn La gieo trồng vào vụ hè thu.
- Thứ ba, đất canh tác chua, phèn hoặc mặn kết hợp với chế độ bón phân không hợp lý, đất bị bạc màu sẽ dẫn đến hiện tượng ngô không hạt. Bởi lẽ, dinh dưỡng giữ vai trò chủ lực trong quá trình thụ phấn, kết hạt. Cây, bắp thiếu lân lá sẽ xuất hiện sọc tím, thân - lá chuyển sang đỏ, cây nhỏ, rễ phát triển kém dẫn tới bắp nhỏ, đầu bắp không hạt, hạt nhỏ, năng suất kém. Tuy nhiên, người dân Sơn La có truyền thống canh tác ngô và có sự đầu tư bài bản nên đất được cải tạo thường xuyên. Do đó, nguyên nhân này cũng có thể được loại trừ.
- Thứ tư, mưa nhiều vào thời kỳ tung phấn, khiến phấn không tung được, đồng thời nhựa ở râu ngô cũng trôi đi dẫn đến kết hạt kém. Đây được đánh giá là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều diện tích ngô tại Sơn La vụ này bắp bé, bắp kết hạt kém.
Theo thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, từ tháng 1 - 9 có 3 đợt mưa vừa, mưa to đến rất to xảy ra trên 3 huyện Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn. Đợt 1 từ ngày 1 - 8/8 với tổng lượng mưa phổ biến từ 122-190mm. Đợt 2 từ ngày 9 - 13/9 với tổng lượng mưa phổ biến từ 37 - 199mm. Đợt 3 từ ngày 27 - 28/9 với tổng lượng mưa phổ biến từ 50 - 60mm.
Như vậy, nếu người dân xuống giống ngô vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 thì giai đoạn ngô trổ cờ, phun râu trùng với các đợt mưa lớn kéo dài, khiến hoạt động thụ phấn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới hiện tượng bắp ngô kết hạt kém, thậm chí không có hạt.
“Yếu tố đầu tiên để đánh giá chất lượng hạt giống là tỷ lệ nảy mầm. Thực tế trên đồng ruộng tại Sơn La cho thấy, người dân gieo 2 - 3 hạt/hốc, giai đoạn đầu sức nảy mầm và sức sống của cây con tốt, cây ngô phát triển tốt và đều cho bắp. Đây là minh chứng cho việc hạt giống hoàn toàn đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, không có hiện tượng lẫn giống trên ruộng nên độ đúng giống tuyệt đối. Như vậy, không thể vội vàng kết luận hiện tượng ngô mất mùa do kết hạt kém bất thường là do hạt giống”, TS Phan Xuân Hào đánh giá.
Trung Quân