Tỉnh có đàn heo 300.000 con e ngại tái đàn vì dịch bệnh

Bình luận · 202 Lượt xem

Do ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi cùng giá cả bấp bênh nên người nuôi heo vẫn còn e ngại trong việc tái đàn phục vụ thị trường Tết.

Sau thời gian lắng dịu, mấy ngày gần đây dịch tả heo Châu Phi tái phát tại một số địa phương ở tỉnh Tiền Giang, chính quyền và người chăn nuôi đang khẩn trương ứng phó.

 

Tại xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) đã có gần 10 hộ chăn nuôi heo trang trại bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi. Qua đó, có gần 100 con heo với trọng lượng hơn 3.000kg đã được tiêu hủy khẩn trương để khống chế mầm bệnh.

 

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, khoảng hơn tuần nay dịch tả heo Châu Phi bùng phát trở lại ấp Tân Thuận sau lan sang các ấp khác. Giải pháp của xã đưa ra là tuyên truyền, vận động người dân phun khử trùng chuồng trại. Vận động các trại không được bán chạy heo bệnh, nếu bán heo phải test kiểm tra kỹ lưỡng.

 

Những ngày qua, giá heo hơi có xu hướng giảm, chưa kể dịch tả heo Châu Phi vẫn còn xảy ra khiến người chăn nuôi có tâm lý ngại tái đàn. Ghi nhận tại “thủ phủ” nuôi heo xã Xuân Đông, thời điểm này người chăn nuôi đang tập trung bước vào vụ tết.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (ấp Tân Ninh, xã Xuân Đông) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi đã giảm so với trước đây. Hiện giá thức ăn cho heo ở mức khoảng 320.000 đồng/bao 25kg, với giá heo hơi hiện tại nếu không bị dịch bệnh người nuôi heo cũng chỉ hòa vốn.

 

 

Tuy nhiên, thời điểm này dịch tả heo Châu Phi đang xảy ra nhiều trên địa bàn nên người nuôi heo lo lắng. “Tôi đang chuẩn bị chuồng trại đợi ít bữa nữa dịch bệnh lắng xuống mới thả nuôi lứa heo tết. Dự kiến bước đầu lứa tết này gia đình thả nuôi khoảng 100 con heo thịt", ông Tuấn chia sẻ.

 

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười, thời điểm này đàn heo trên địa bàn xã giảm rất mạnh so với trước khi xảy ra dịch tả heo Châu Phi. Hiện tại, tổng đàn heo của xã chỉ còn khoảng 10.000 con, khi dịch bệnh xảy ra người dân tái đàn khó khăn. Thời điểm này đang bước vào giai đoạn tái đàn phục vụ thị trường tết, nhưng những hộ vừa xảy ra dịch bệnh thì còn e ngại.

 

Ông Nguyễn Văn Mười cho biết thêm: “Xã Xuân Đông có những trang trại lớn và công tác phòng ngừa bệnh tốt nên vẫn tái đàn bình thường. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì có tâm lý e ngại tái đàn, nhưng số hộ này còn rất ít”.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, từ năm 2019 đến nay, dịch tả heo Châu Phi đã gây thiệt hại nặng về kinh tế. Là cửa ngõ của ĐBSCL, Tiền Giang luôn có nguy cơ tái bùng phát dịch tả heo Châu Phi bởi nhiều phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo quá cảnh trên địa bàn. Quan trọng hơn là đàn heo của tỉnh chưa được tiêm phòng vacxin, trong khi đó điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học chưa triệt để.

 

Ở thời điểm này, toàn tỉnh Tiền Giang có đàn heo gần 300.000 con, tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Cái Bè. Giá heo đang ở mức trên dưới 5 triệu đồng/tạ nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương.

 

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục Trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, diễn biến dịch bệnh trên động vật ngày càng phức tạp, tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi làm phát sinh những biến động lớn của thị trường. Trong đó, dịch tả heo Châu Phi là mối lo ngại lớn nhất của người chăn nuôi hiện nay.

 

Cũng theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, ba yếu tố dẫn đến sự lây truyền dịch tả heo Châu Phi gồm: Nguồn lây nhiễm, đường lây truyền và động vật mẫn cảm. Hiện nay, chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dịch tả heo Châu Phi tập trung vào nghiên cứu vacxin, thuốc, heo kháng virus gây bệnh, tẩy rửa sát trùng hiệu quả và chăn nuôi heo an toàn sinh học.

 

“Qua phân tích cho thấy, để nâng cao công tác quản lý nhằm ngăn chặn sự rủi ro trong chăn nuôi bởi dịch tả heo Châu Phi cần phải có vacxin tốt và áp dụng triệt để chăn nuôi an toàn sinh học”, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu cho biết thêm.

 

 

 

Minh Đảm

 

Bình luận