Cây trồng hiệu quả
Bài liên quan
'Chuyện tình' cây mắc ca với vùng đất Vĩnh Sơn
'Chuyện tình' cây mắc ca với vùng đất Vĩnh Sơn
Từ ông Đặng Văn Khánh, người tiên phong trồng mắc ca thành công với 5ha tại làng K8, xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), đến nay, số người trồng mắc ca trên địa bàn xã này đã tăng đến 51 hộ, với 63ha.
Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Thạnh, hiện nay, trên địa bàn làng K8 có 7 hộ trồng mắc ca với diện tích 13ha, trong đó làng Suối Đá có 14 hộ trồng 15ha; làng K2 có 13 hộ trồng 14ha; làng K3 có 12 hộ trồng 16,5ha; làng K4 có 4 hộ trồng 3,5ha và làng Suối Cát có 1 hộ trồng 1ha.
Trong 63ha mắc ca được trồng tại xã Vĩnh Sơn, có 2ha trồng đầu tiên vào năm 2012, đến nay đã hơn 10 tuổi; 6ha được 8 năm tuổi; 4,5ha được 5 năm tuổi; 15,5ha được 4 năm tuổi; 29,5ha được 3 năm tuổi; 1,5ha được 2 năm tuổi và 4ha mới trồng được 1 năm.
Ông Đặng Văn Khánh là người đầu tiên trồng 2ha mắc ca tại làng K8 (xã Vĩnh Sơn) vào cuối năm 2012 (đến nay đã được hơn 10 tuổi). Năm 2015, ông Khánh trồng thêm 2ha mắc ca, đến nay đã được 8 năm tuổi và 1ha mới trồng được 1 năm. Với 2ha mắc ca ông Khánh trồng vào cuối năm 2012, đến tháng 9/2017, diện tích này bắt đầu cho quả chiến (quả bói), những năm về sau càng ngày năng suất càng tăng dần.
“Hàng năm, từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau mắc ca ra hoa, đậu quả. So với các loại cây ăn quả khác trồng trên đất Vĩnh Sơn thì cây mắc ca rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Thực tế cho thấy, trên đất Vĩnh Sơn bất cứ làng nào cũng trồng được mắc ca. Đầu tư ban đầu cho 1ha mắc ca chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng. Những năm sau đó, nếu đầu tư thâm canh đúng mức, từ năm thứ 6 trở đi mỗi cây cho thu hoạch từ 45 - 50kg quả/năm. Mấy năm nay giá mắc ca ổn định khoảng 90.000đ/kg quả (đã bóc vỏ), cho người trồng khoản thu nhập rất ổn định”, ông Khánh chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), cây mắc ca là cây trồng mới tại địa phương. Đây là loài cây khó tính nhưng lại phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại xã vùng cao Vĩnh Sơn. Đất ở Vĩnh Sơn là đất bazan, rất phù hợp với cây trồng này. Đặc biệt, khí hậu ở Vĩnh Sơn là tiểu vùng khí hậu ôn đới, nhiệt độ trong giai đoạn lúc cây mắc ca ra hoa, đậu quả xuống thấp, rất phù hợp nên cây mắc ca đậu quả sai, cho năng suất khá. Qua theo dõi, những diện tích mắc ca 5 năm tuổi ở Vĩnh Sơn đều ra hoa đậu quả, cho hiệu quả rất khả quan.
Rõ ràng, cây mắc ca mang lại hiệu quả trông thấy trên đất Vĩnh Sơn, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng theo ông Thông, ở xã vùng cao Vĩnh Sơn chưa có loại cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế cao và có đầu ra ổn định như cây mắc ca.
Đến vụ thu hoạch vào khoảng tháng 4 tháng 5 hàng năm, các cơ sở chế biến mắc ca ở huyện Kbang (Gia Lai) đến tận vườn đặt cọc tiền. Khi thu hoạch quả, chủ nhà vườn chỉ cần nhấc điện thoại thông báo là cơ sở chế biến chở máy móc đến tận vườn sạc quả để thu mua.
Do nằm trên độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển nên Vĩnh Sơn có khí hậu tương tự Đà Lạt, trước đây, người dân Vĩnh Sơn đã trồng thành công rau an toàn gồm các loại rau ôn đới, nhưng do giao thông trắc trở nên đầu ra rất khó khăn. Tuy nhiên với cây mắc ca, việc thu hoạch, tiêu thụ hiện nay rất dễ dàng, thuận lợi.
Bà con chỉ “ưng bụng” cây mắc ca
Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh và xã Vĩnh Sơn nhận ra hiệu quả của cây mắc ca trên đất Vĩnh Sơn, thế nhưng để cây trồng này không lâm vào cảnh “sớm nở tối tàn”, những người có chức trách đang tính đến chuyện phát triển bền vững cho cây mắc ca.
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, hiện ở xã Vĩnh Sơn có rất nhiều diện tích đang trồng các loại cây kém hiệu quả như mì (sắn) và cây lâm nghiệp. Trước hiệu quả trông thấy của cây mắc ca, lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh muốn lấy cây trồng này làm cây giảm nghèo cho người dân vùng cao Vĩnh Sơn, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng để phát triển cây trồng này, dù chỉ ở xã Vĩnh Sơn - vùng đất vốn đã khẳng định phù hợp với cây mắc ca vẫn gặp nhiều vướng mắc.
“Những diện tích mắc ca hiện có ở xã Vĩnh Sơn hầu hết đều do người dân trồng tự phát. Nhận thấy hiệu quả của cây trồng này, chúng tôi muốn nhân rộng trên đất Vĩnh Sơn, nhưng cây mắc ca lại không nằm trong danh mục những loại cây trồng được khuyến khích nhân rộng của ngành nông nghiệp tỉnh. Ở huyện thì cây mắc ca cũng không có tên trong danh mục các loại cây trồng nằm trong lộ trình phát triển kinh tế.
Do đó, muốn hỗ trợ kinh phí cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Sơn trồng mắc ca theo Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ cũng không được”, ông Lê Minh Thông chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trước đây, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao UBND huyện Vĩnh Thạnh chủ động rà soát diện tích phù hợp để trồng mắc ca. Tuy nhiên, điều bà Trân boăn khoăn là diện tích còn có thể phát triển cây mắc ca ở Vĩnh Sơn có đủ hình thành vùng nguyên liệu để xây dựng nhà máy chế biến nhằm đảm bảo đầu ra cho bà con hay không.
Nếu không thì với diện tích 63ha mắc ca hiện nay, liệu các cơ sở chế biến ở Gia Lai có đảm bảo tiêu thụ lâu dài hay không cũng là điều còn bỏ ngỏ. “Bây giờ trồng cây gì vấn đề đặt ra là không phải có trồng được hay không mà phải tính tới chuyện trồng rồi tiêu thụ như thế nào”, bà Trân bộc bạch.
Về diện tích có thể nhân rộng cây mắc ca trên địa bàn Vĩnh Sơn, ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: Hiện ở Vĩnh Sơn có khoảng 200ha bà con đang trồng mì và khoảng 200ha bà con chưa biết trồng gì tốt hơn nên đang trồng keo. Các loại cây trồng này giá trị kinh tế không cao, giá cả cũng rất bấp bênh.
"Vừa rồi xã triển khai trồng bưởi da xanh theo chương trình mục tiêu quốc gia nhưng bà con không ai hưởng ứng, họ chỉ ưng bụng cây mắc ca nên không ai đăng ký. Thế nhưng cây mắc ca không có trong danh mục cây trồng phát triển sản xuất nên xã không hỗ trợ được”.
Để mở hướng cho cây mắc ca Vĩnh Sơn, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho rằng, chính quyền địa phương phải xác định diện tích có thể nhân rộng là bao nhiêu, chất lượng sản phẩm như thế nào, có đủ điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu hay không. Với diện tích hơn 60ha mắc ca hiện nay ở Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh có thể định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP, xây dựng cơ sở sơ chế để tiêu thụ nội địa gắn với phát triển du lịch.
Vũ Đình Thung