Nuôi con đặc sản, thị trường ngách tiềm năng [Bài 4]: Bảo tồn giống gà Mã Đà đẹp như chim

Comments · 74 Views

Ở Đồng Nai, ít ai còn biết về con gà Mã Đà đẹp như chim. Sau thời gian bảo tồn, giống gà được kỳ vọng sẽ trở thành vật nuôi đặc sản của địa phương.

Trong lần đến thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA (Trung tâm Vigova), chúng tôi ấn tượng khá mạnh với hình ảnh con gà Mã Đà bản địa lông trắng, da đen. Nếu không được giới thiệu trước, chắc chắn sẽ nhiều người nhầm rằng đây là loài chim nào đó.

 

Theo TS Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm Vigova, giống gà Mã Đà được phát hiện và tiến hành bảo tồn gen từ năm 2018. Đây là giống gà bản địa tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, chỉ còn được nuôi rất ít trong nông hộ.

 

Báo động, giống gà quý này đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nhận thấy nguồn gen quý và có nhiều tiềm năng phát triển, Trung tâm Vigova đã xin phép người dân địa phương mua lại nguồn giống bố mẹ và nghiên cứu bảo tồn.

 

“Gà Mã Đà là giống gà nội, có ngoại hình đẹp, rất dễ nuôi, chất lượng thịt, trứng thơm ngon, ít dịch bệnh và thích nghi tốt với các điều kiện sinh thái. Đây là một trong những nguồn gen gia cầm quý, cần nghiên cứu sâu để bảo tồn”, TS Hoàng Tuấn Thành thông tin.

 

Theo chân lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Vigova, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tận mắt chiêm ngưỡng và tiếp xúc với đàn gà Mã Đà tại huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Trong trang trại nông hộ thuộc Trung tâm Vigova, có hơn 200 con gà Mã Đà đang được nuôi nhốt, nghiên cứu.

 

Với đặc trưng toàn thân lông màu trắng, hầu hết lông ở phần cổ, gốc cánh và đùi đều trụi. Ngoài ra, phần da, cẳng chân và mỏ đều có màu đen. Đây là giống gà thuốc, có giá trị dinh dưỡng rất cao. Vì thế, đây là giống gà rất có tiềm năng về kinh tế và tạo thành điểm nhấn cho chăn nuôi nông hộ tại Đồng Nai.

 

Sau nhiều năm nuôi bảo tồn con gà Mã Đà, anh Trần Văn Dũng, chủ cơ sở chăn nuôi gia cầm cho hay, đây là vật nuôi tiêu tốn rất ít thức ăn, khả năng chống chịu bệnh tật tốt. “Một con trưởng thành chỉ tiêu tốn khoảng 30 gram thức ăn mỗi ngày, thấp bằng 1/3 so với những loài gà khác. Còn về dịch bệnh, dường như chúng rất ít mắc bệnh thông thường”, anh Dũng thông tin.

 

Xuất phát từ việc nuôi bảo tồn nguồn gen gà quý, bản địa địa của Đồng Nai nên mong muốn của Trung tâm Vigova sẽ nhân rộng mô hình nuôi con Mã Đà trong cộng đồng. Việc bảo tồn giống gà quý song hành với đem lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương là điều mà Vigova đang hướng đến.

 

“Nếu được nuôi đại trà tại các nông hộ thì ngoài việc giúp bảo tồn nguồn gen của giống gà Mã Đà, duy trì đa dạng sinh học lại vừa góp phần an sinh xã hội và cải thiện sinh kế của người dân địa phương. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của Đồng Nai”, TS Hoàng Tuấn Thành chia sẻ.

 

Trong tương lai gần, con gà Mã Đà có thể được nuôi đại trà tại Đồng Nai theo hai hướng: nuôi sinh vật cảnh hoặc bán gà thương phẩm lấy thịt. 

 

Ông Nguyễn Chí Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đồng Nai cũng đặt kỳ vọng lớn vào giống gà Mã Đà tưởng chừng đã tuyệt chủng từ lâu. Đây là giống vật nuôi có nhiều tiềm năng để phát triển cho mô hình chăn nuôi nông hộ và đạt giá trị kinh tế cao.

 

“Để phát triển bền vững, chúng tôi đã hướng dẫn phía Trung tâm Vigova tiến hành làm đề tài nghiên cứu khoa học, đăng kí nhãn hiệu hàng hóa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, theo như gợi ý, gà Mã Đà cũng sẽ được đăng kí sản phẩm OCOP đặc trưng của Đồng Nai. Hy vọng thời gian gần, con gà Mã Đà sẽ được nuôi nhân rộng và sớm bán ra thị trường”, ông Nguyễn Chí Hiền chia sẻ.

 

 

Lê Bình - Trần Phi

 

Comments