Trong đó, có nhiều loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế, nằm trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp như cá hô, cá he, cá tra dầu, cá ét mọi, cá thát lát cườm, tôm sú, cua biển.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, đối với ngành thủy sản, có ba trụ cột quan trọng là khai thác, nuôi trồng và bảo tồn. Tuy nhiên, nhìn lại những năm qua, việc khai thác quá mức dẫn đến nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt, nếu không thực hiện tốt bảo tồn sẽ không đủ nguồn lợi để khai thác bền vững.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn, tái tạo thủy sản trên biển là một trong những công tác quan trọng góp phần khôi phục nguồn lợi thủy sản, gia tăng mật độ quần thể các loài đã bị khai thác cạn kiệt, nhất là phục hồi, tái tạo các loài thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Hoạt động này cũng góp phần tạo sinh kế cho ngư dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nhân sự kiện thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi các tổ chức, cá nhân, tăng ni, phật tử chung tay bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; không sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản. Nhất là không đánh bắt cá con, hay các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm.
Thứ trưởng cùng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng nhiều hình thức, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Ngành thủy sản địa phương cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, vận động người dân khai thác theo quy định về IUU để phát triển nghề cá bền vững.
Là địa phương có truyền thống nghề cá lâu đời, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng bày tỏ, địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác phục hồi, tái tạo, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và môi trường sống của các loài thủy sản.
Tính riêng trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 5 đợt thả giống thủy sản về tự nhiên để tái tạo nguồn lợi, với trên 6 triệu con tôm sú giống và các loài thủy sản đã được thả về môi trường tự nhiên.
Những năm gần đây, ngành thủy sản của tỉnh Sóc Trăng đang đối diện với nhiều thách thức như nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh do tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động khai thác thiếu trách nhiệm của người dân. Đặc biệt là cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác, xuất khẩu hải sản của địa phương.
Do đó, việc thả giống thủy sản bổ sung và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn thể người dân cùng chung tay, góp sức thực hiện.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, có biện pháp quản lý việc khai thác lâu dài gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy sản, giảm cường lực khai thác ở một số thời điểm nhất định.
10 tháng đầu năm 2023, ngành thủy sản cả nước ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, với tổng sản lượng đạt 7,46 triệu tấn. Trong đó, sản lượng khai thác trên 3,3 triệu tấn, theo đúng chiến lược giảm sản lượng khai thác tăng sản lượng nuôi trồng mà Bộ NN-PTNT đã đề ra.
Kim Anh