Lúa gạo Việt Nam đang có thời cơ tốt, nhiều lợi thế

Comments · 126 Views

Nếu chớp được thời cơ hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở rộng được thị phần lúa gạo tại các thị trường truyền thống và kết nối được với các thị trường mới.

Doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều lợi thế

Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các chính sách nhằm điều chỉnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu lúa gạo như Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; Ấn Độ, UAE cấm xuất khẩu khẩu gạo trong một thời gian nhất định. Những điều chỉnh này đã có tác động rất lớn đến thị trường lúa gạo trên toàn thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đánh giá về tình hình và cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đánh giá về tình hình và cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Chi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, trước những diễn biến của tình hình thế giới, Bộ NN-PTNT đã nhanh chóng nắm bắt, tìm hiểu và đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân về những điều chỉnh này của các nước để kịp thời có những chỉ đạo công tác sản xuất và xuất khẩu gạo phù hợp.

Về cơ bản, lý do các nước điều chỉnh chính sách lúa gạo xuất phát từ các nguyên nhân nội tại nhằm khống chế giá cả trong nước leo thang, đảm bảo nguồn cung lương thực. Bên cạnh đó, một số nước chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng El Nino nên hoạt động sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn, sản lượng lúa giảm. Do đó, việc các nước điều chỉnh chính sách liên quan tới lúa gạo là việc rất bình thường.

Đối với Việt Nam, trung bình hàng năm luôn duy trì diện tích sản xuất lúa hơn 7 triệu ha, sản lượng hơn 43 triệu tấn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta cân đối giữa đảm bảo an ninh lương thực trong nước và cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu một cách hài hòa, hiệu quả.

Theo đó, tiêu thụ trong nước khoảng 30 triệu tấn (khoảng 15 triệu tấn phục vụ nhu cầu lương thực hàng ngày, hơn 9 triệu tấn phục vụ cho chế biến, 1 triệu tấn phục vụ làm giống, gần 3 triệu tấn phục vụ công tác dự trữ quốc gia). Chúng ta có khoảng 14 triệu tấn lúa (7 - 7,5 triệu tấn gạo) phục vụ xuất khẩu.

Lúa gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: TL.

Lúa gạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: TL.

Với tình hình như hiện tại, các doanh nghiệp của Việt Nam đang có nhiều lợi thế như giá gạo có chiều hướng tăng lên; chủ động, chiếm lợi thế hơn trong việc thương thảo và ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo để có được giá bán tốt hơn. Khi doanh nghiệp có giá bán sản phẩm cao hơn thì giá thu mua nguyên liệu của người sản xuất cũng sẽ tăng theo. Điều này góp phần không nhỏ trong việc gia tăng thu nhập và kích thích hoạt động sản xuất của người dân.

Quan trọng hơn, nếu chớp được thời cơ này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở rộng được thị phần tại các thị trường truyền thống và kết nối được với các thị trường mới. Đây sẽ là tiền đề tốt để kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, để thuận lợi cho hoạt động của mình, các doanh nghiệp phải xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất với hợp tác xã, hộ sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu. Khi có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp mới có thể chủ động lên phương án tiêu thụ, xuất khẩu phù hợp. Người dân cũng an tâm, chăm lo cho sản xuất vì đã có đầu ra ổn định.

Về phía Bộ NN-PTNT, sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan chuyên ngành xử lý những rào cản kỹ thuật, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu gạo. Tăng cường đàm phán mở rộng thêm các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo của mình.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, với tình hình như hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang có những lợi thế nhất định. Ảnh: Quỳnh Chi.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, với tình hình như hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang có những lợi thế nhất định. Ảnh: Quỳnh Chi.

Xem xét tăng diện tích lúa vụ thu đông

Thứ trưởng Hoàng Trung thông tin thêm, hiện tại, Bộ NN-PTNT đang thực hiện rất tốt Công điện số 610/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, trước những diễn biến của tình hình thế giới, Bộ NN-PTNT đã tham mưu cho Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị mới nhằm tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.

Trong đó, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung vào các nội dung như bám sát tình hình thực tế, nhất là tình hình thời tiết để điều chỉnh khung thời vụ, cơ cấu giống một cách phù hợp nhất. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo ngăn chặn các loại dịch bệnh để không làm ảnh hưởng tới sản lượng lúa.

Bộ NN-PTNT cũng giao Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thủy lợi thành lập đoàn công tác kiểm tra thực tế tình hình hạn mặn, làm việc với các địa phương để đánh giá tình hình, xem xét việc tăng thêm khoảng 50 nghìn ha diện tích gieo cấy trong vụ thu đông sắp tới ở các tỉnh ĐBSCL.

Về giải pháp để tăng diện tích lúa vụ thu đông, các địa phương có thể xem xét đến việc tận dụng những diện tích đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các cây trồng khác hoặc sử dụng cho mục đích khác quay trở lại trồng lúa. Bên cạnh đó, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là xây dựng quy trình sản xuất để giảm vật tư đầu vào mà vẫn đảm bảo được năng suất, chất lượng lúa gạo.

Bộ NN-PTNT cho biết sẽ nghiên cứu tăng diện tích sản xuất lúa vụ thu đông 2023 tại các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: LHV.

Bộ NN-PTNT cho biết sẽ nghiên cứu tăng diện tích sản xuất lúa vụ thu đông 2023 tại các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: LHV.

Đối với vụ đông xuân 2023 - 2024, Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương bám sát tình hình hạn mặn, thời tiết để điều chỉnh khung thời vụ phù hợp, cố gắng xuống giống tập trung vào tháng 10 và kết thúc khung thời vụ vào 31/12/2023 để đảm bảo tránh được hạn mặn và rầy hại lúa, bảo vệ sản xuất...

Tập trung xây dựng thương hiệu gạo

Về xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết Chính phủ đã có Đề án xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các hiệp hội, doanh nghiệp đang đẩy mạnh những hoạt động nhằm xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Nói đến thương hiệu là nói đến chất lượng, uy tín, do đó Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các doanh nghiệp, cùng nhau quán triệt tinh thần thương hiệu gạo là thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp nào sử dụng thương hiệu đó phải là doanh nghiệp có uy tín, có các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí của thương hiệu gạo Việt Nam.

Đến hiện tại, thương hiệu gạo của Việt Nam đã được bảo hộ ở 23 nước trên thế giới và bảo hộ nhãn hiệu ở 17 nước. Điều này bước đầu đã khẳng định được thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bộ NN-PTNT sẽ tập trung triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải. Ảnh: TL.

Bộ NN-PTNT sẽ tập trung triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải. Ảnh: TL.

"Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan hoàn thành Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Nếu làm tốt đề án này, tiến tới nhân rộng ra các vùng chuyên canh lúa sẽ tạo ra một bước tiến mới cho sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

Quan trọng hơn, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính đang là xu thế chung của toàn thế giới, nếu chúng ta làm tốt việc sản xuất lúa giảm phát thải sẽ chứng minh với thế giới Việt Nam đang thực hiện đúng những cam kết với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, khẳng định chất lượng gạo của Việt Nam khi đưa ra thị trường thế giới"

Comments