Gỡ nút thắt nghề nuôi tôm hùm [Bài 5]: Định vị thương hiệu

Bình luận · 191 Lượt xem

Trước những nút thắt nghề nuôi tôm hùm, để phát triển bền vững, việc tổ chức, cơ cấu lại nghề nuôi đang là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay.

Dự kiến vào ngày 15/11/2023, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

 

Nội dung Diễn đàn: Công tác quản lý con giống tôm hùm, giải pháp nuôi tôm hùm bền vững; Truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường; Công tác kiểm soát giống nuôi biển nhập khẩu; Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp, các loại vật tư phục vụ nuôi biển; Tình hình thị trường thủy sản cuối năm và dự kiến 2024.

 

Phải truy xuất nguồn gốc

Theo người nuôi tôm hùm ở khu vực Nam Trung bộ, trước những nút thắt nghề nuôi tôm hùm, bà con đang trông chờ địa phương, cũng như ngành NN-PTNT đưa con tôm hùm vào khuôn khổ.

 

Ông Trần Minh Hiền, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho rằng, việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua, xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch là rất cần thiết.

 

“Khi thành lập chuỗi liên kết đảm bảo đầu vào, đầu ra, bà con nuôi yên tâm hơn thì tốt quá. Chứ nuôi tôm đến ngày thu hoạch mà không bán kịp cũng khiến chúng bị khằn, hao hụt. Do đó, bà con mong muốn đưa con tôm hùm vào khuôn khổ, để tránh tình trạng được mùa mất giá”, ông Hiền bày tỏ.

 

Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, tôm hùm là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên lâu nay thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Hiện phía Trung Quốc hạn chế việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch đối với các mặt hàng nông, lâm và thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm hùm bông. Qua nắm bắt thông tin, việc Trung Quốc hạn chế nhập tôm hùm bông chủ yếu yêu cầu doanh nghiệp cần chứng minh được truy xuất nguồn gốc.

 

Do đó, trước mắt ngành nông nghiệp khuyến cáo người nuôi cần phải tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, để sản phẩm đủ điều kiện xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

 

Về lâu dài, để giúp đầu ra cho tôm hùm được ổn định, không phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, các doanh nghiệp và các hộ nuôi cần phải thực hiện tốt công tác nuôi tôm hùm đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý, đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

 

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng mô hình liên kết và sản xuất tôm hùm trên cơ sở triển khai dự án "Xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tôm hùm" do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chủ trì.

 

 

Theo đó, dự án đang hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Vừa qua, Viện này đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tác nhân tham gia mô hình. Trong thời gian tới, khi mô hình được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu tôm hùm trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong cho biết, HTX có 32 xã viên với gần 4.000 ô lồng chủ yếu nuôi tôm hùm bông. Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đang hỗ trợ cho HTX thí điểm về truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm hùm. Đồng thời nâng cao năng lực cho HTX thông qua đào tạo, tập huấn, hướng dẫn quy trình phòng chống dịch bệnh và quy trình bao gói, vận chuyển. Ngoài ra để thúc đẩy liên kết và tiêu thụ, HTX còn được hướng dẫn nghiên cứu đánh giá thị trường, phát tài liệu hướng dẫn các thủ tục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực.

 

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên các thị trường nhập khẩu tôm hùm nuôi ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện rất khó để truy xuất được nguồn gốc tôm hùm nuôi. Nguyên nhân do các địa phương chưa thực hiện giao khu vực biển để nuôi tôm hùm lồng bè, vì thiếu các căn cứ về quy hoạch. Mặt khác, hầu hết các chủ cơ sở nuôi không kê khai, đăng ký nuôi tôm hùm lồng bè và điều kiện nuôi chưa đáp ứng quy định để cấp phép, giấy chứng nhân.  

 

Để tháo gỡ, tỉnh Phú Yên đang triển khai tích hợp các vùng nuôi tôm hùm vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, để đủ căn cứ thực hiện truy xuất nguồn gốc sau khi quy hoạch được duyệt; phổ biến, hướng dẫn các cơ sở nuôi thực hiện đúng quy định pháp luật; Đồng thời tổ chức sắp xếp lại các vùng nuôi, đi đôi với số hóa để quản lý và truy xuất nguồn gốc thuận lợi, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch tôm hùm.

 

Đa dạng thị trường tiêu thụ

Tại Phú Yên, HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu cũng được Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ tôm hùm.

 

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết thêm, đến nay dự án đang vận động doanh nghiệp cung cấp giống và doanh nghiệp xuất khẩu đã có mã code để hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh trong thời gian tới.

 

 

Bên cạnh đó nhằm tìm kiếm thị trường mới và giảm lệ thuộc vào một thị trường, thời gian tới, tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức lại mùa vụ, sản lượng nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Đồng thời cải tiến công nghệ, hợp lý hóa sản xuất nhằm giảm giá thành tôm hùm nuôi tiến tới giảm giá bán; tăng cường quảng bá tiêu thụ tôm hùm thị trường trong nước. Kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng tôm hùm xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật, châu Âu.

 

Theo ông Nguyễn Tri Phương, để phát triển tôm hùm bền vững, tỉnh Phú Yên đã và đang tập trung rà soát, cập nhật các quy hoạch, đề án nuôi trồng thủy sản hiện có, đồng thời bổ sung một số vùng nuôi công nghệ cao trên bờ, nuôi công nghiệp vùng biển mở để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó căn cứ để sắp xếp lại các vùng nuôi hiện có phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương, sức tải môi trường.

 

Triển khai dự án đầu tư hạ tầng, thu hút các tổ chức, cá nhân nuôi tôm hùm trong bể trên bờ theo mô hình do Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã thực hiện thành công.

 

 

Cùng với đó, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý nuôi tôm hùm; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đặc hữu của tỉnh (tôm hùm bông, tôm hùm xanh); nghiên cứu, phát triển công nghệ trong sản xuất giống, thức ăn cho tôm hùm.

 

Tổ chức vận động thành lập và hỗ trợ các Hợp tác xã tôm hùm ngày càng lớn mạnh. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản triển khai thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất tiêu thụ tôm hùm” qua đó sẽ triển khai xây dựng chuỗi tôm hùm tại tỉnh, đảm bảo chuỗi hoạt động hiệu quả.

 

Trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các vùng nuôi, tỉnh sẽ vận động chuyển đổi từ nuôi lồng truyền thống sang lồng HDPE thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

 

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã khảo sát tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên).

 

Tại đây, Bộ trưởng cho rằng, HTX phải trở thành chuỗi ngành hàng tạo giá trị trong việc giảm chi phí thức ăn, tăng chất lượng, hướng tới xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm. Nếu HTX chỉ đi thu mua rồi bán lại thì chỉ gọi là thương lái tập thể chứ chưa phải HTX… Ngoài ra, trong nuôi trồng thủy sản, môi trường rất quan trọng nên phải bảo vệ, không vứt rác xuống biển, thu gom xử lý đúng quy định và thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường thường xuyên để giúp người dân tránh thiệt hại.

 

 

Kim Sơ

 

 

Bình luận