Xoài Đồng Tháp xuất đi hơn 10 nước

Bình luận · 191 Lượt xem

Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất vùng ĐBSCL, sản lượng bình quân đạt trên 115.000 tấn quả/năm và được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới.

Trồng xoài VietGAP

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực chọn để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, bao gồm lúa, cá tra, xoài, hoa kiểng và sen. Đặc biệt những năm gần đây ngành hàng xoài ở Đồng Tháp được ứng dụng công nghệ vào sản xuất như rải vụ, thụ phấn bông xoài 70% diện tích, bao trái xoài gần 90% diện tích nhằm giúp xoài ra trái quanh năm.

 

Tính đến nay diện tích trồng xoài của Đồng Tháp đạt hơn 14.000ha gồm 3 giống chủ lực như Cát Chu, Tượng da xanh và Cát Hòa Lộc. Xoài được trồng ở 12/12 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Tháp, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Cao Lãnh là 4.100ha và TP Cao Lãnh là 3.400ha, huyện Thanh Bình 1.700ha và huyện Lấp Vò 1.300ha… Sản lượng bình quân đạt trên 115.000 tấn/năm và được xuất khẩu đi hơn 10 nước trên thế giới.

 

Những ngày đầu tháng 11 này, chúng tôi đến HTX xoài Mỹ Xương, ở huyện Cao Lãnh - hiện nay là thời điểm nhà vườn bắt đầu thu hoạch xoài nghịch vụ để cung cấp cho thị trường. Hầu hết các hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn đã tập tành mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

 

Ông Võ Việt Hưng, giám đốc HTX xoài Mỹ Xương cho biết: Nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc BVTV, phân hóa học và các chất kích thích thì ngày nay, việc trồng xoài phải dựa vào quy trình sản xuất an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu để có đầu ra ổn định.

 

Sở hữu vườn xoài rộng 1,5ha đang cho trái, ông Võ Hữu Hiền, xã viên HTX xoài Mỹ Xương cho biết, từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP gia đình ông đã giảm được khoảng 80% các loại phân thuốc hóa học. Trước đây thông thường mỗi vụ ông phải tốn từ 8 - 10 lần phun thuốc BVTV mà sản lượng chỉ đạt từ 15 - 16 tấn/ha thì hiện tại, chỉ cần 1 - 2 lần nhưng sản lượng lại đạt đến 20 tấn/ha. Một lợi ích nữa là khi áp dụng kỹ thuật bao trái để không bị côn trùng gây hại nên trái xoài rất đẹp và bán được giá cao. Xoài sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg và luôn hút hàng, trong khi xoài không đạt chuẩn có khi không tiêu thụ được, nhất là ở thời điểm thu hoạch rộ.

 

Theo tính toán của những nhà vườn nơi đây, trồng xoài có thể thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài cho thu hoạch khoảng 100 – 200kg, sau khi trừ hết các chi phí người trồng lãi từ 250 - 300 triệu đồng/ha/vụ.

 

295 vùng trồng xoài được cấp mã số

Cấp mã số vùng trồng là giai đoạn rất quan trọng để có thể tiến đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, gắn chặt với quy trình sản xuất đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản hiện nay.

 

Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng tương ứng 8.300ha tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Trung Quốc là thị trường lớn đã được cấp 252 mã số vùng trồng (trên 7.000 ha). Ngoài ra, xoài Đồng Tháp còn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các nước phát triển đã góp phần đẩy mạnh việc hình thành và mở rộng vùng chuyên canh xoài.

 

Bên cạnh đó, hiện đã có 5 doanh nghiệp đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói xoài trên địa bàn tỉnh, 1 mã số đang hoạt động và 4 mã số đang chờ phê duyệt. Việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ được khuyến khích. Tuy nhiên, diện tích thực hiện còn khá khiêm tốn. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 486ha đạt chứng nhận VietGAP (33 cơ sở) và 2 ha đạt chứng nhận hữu cơ (Công ty TNHH Chú Chín).

 

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng tương ứng 8.300ha tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 295 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng tương ứng 8.300ha tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 

“Hiện nhiều thị trường nhập khẩu yêu cầu nông sản phải được truy xuất nguồn gốc, mà để truy xuất được nguồn gốc thì phải được cấp mã số vùng trồng. Thị trường Trung Quốc lâu nay được cho là dễ tính nhưng nay cũng đã có nhiều rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu từ nước ta. Vì vậy, muốn tăng xuất khẩu nông sản thì quá trình sản xuất cần phải thay đổi để thích ứng và vượt qua các rào cản đó.

 

Tại vùng trồng xoài Đồng Tháp đến nay đã có hàng ngàn hecta được cấp mã số vùng trồng, đa phần những vùng này phục vụ cho xuất khẩu, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc khá thuận lợi”, ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp khẳng định

 

Lê Hoàng Vũ

Bình luận