Làm kinh tế từ thứ bỏ đi của làng
Trang trại trồng nấm kết hợp với điện mặt trời áp mái của anh Trần Văn Thuần, ở thôn Thường Liễu, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội được thiết kế khá quy củ, thu lợi nhuận đều đặn qua nhiều năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động. Anh chia sẻ, trước đây mình làm hàng mây tre đan xuất khẩu nhưng đến năm 2007 thì quyết định thuê hơn 4.000m2 quỹ đất công của địa phương để đầu tư trang trại nấm. Một khu vực đất rộng 360m2 cũng được anh tổ chức thành nhà xưởng sản xuất giá thể đóng bịch, thanh trùng rồi chuyển ra ngoài trang trại để cấy giống, nuôi tơ, chăm sóc và thu hái. Tổng đầu tư hết khoảng hơn 1 tỉ đồng.
“Xuất phát từ địa phương có làng nghề mộc truyền thống, phụ phẩm là mùn cưa rất nhiều, người dân thường chỉ đem đốt hoặc đổ ra ngoài đồng ruộng, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Từ đó trong tôi nảy ra suy nghĩ, tận dụng mùn cưa để trồng nấm, vừa có kinh tế vừa đỡ gây ô nhiễm môi trường. Lúc đầu, tôi mới chỉ làm kiểu thủ công, trộn nguyên liệu bằng chân tay, hấp thanh trùng bằng lò tự chế, trồng trong những lán tạm, che bằng bạt và chọn giống là mộc nhĩ bởi kỹ thuật dễ hơn các loại nấm khác, thứ nữa là tận dụng được nguồn mùn cưa, cuối cùng là bán khô nên không bị áp lực như các hàng nấm tươi, bán hàng ngày.
Về sau, tôi nghiên cứu thị trường thấy nhu cầu nấm ăn lớn, giá cao, hiệu quả kinh tế khá nên chuyển sang sản xuất nấm linh chi và nấm sò, năm nay mở thêm mấy phòng trồng nấm rơm trong nhà kính kín, chủ động được nhiệt độ. Tôi muốn phát triển thêm một hai sản phẩm nấm mới nữa để đảm bảo yêu cầu của khách hàng, họ yêu cầu nhiều chủng loại mà mình chỉ có một hai loại thì rất khó. Hơn thế nữa, tôi còn muốn tăng doanh thu cho trang trại và tạo thêm công ăn việc làm cho bà con.
Về bán hàng, một số khách hàng quen, ở gần thì đến tận trang trại để lấy, còn một số thì tôi phải đi giao cho người ta ở huyện Thanh Trì, huyện Thường Tín, quận Hà Đông…Sản lượng nấm hàng ngày khoảng 70-80 kg nhưng có những ngày phải lứa đạt 1-2 tạ. Bán lẻ thì 40.000đ/kg, bán buôn 35.000đ/kg, tùy thời điểm. Tổng lãi của việc bán nấm và bán điện của trang trại đạt khoảng hơn 400 triệu/năm”.
“Nấm rơm có nhiều chủng loại, chất lượng khác nhau cũng như giống gia cầm vậy, cùng là gà nhưng gà ri khác với gà Đông Tảo. Ngoài ra còn liên quan đến chế độ chăm sóc, nguyên liệu nuôi cấy khác nhau nên chất lượng càng khác. Hiện chủ yếu nấm rơm được trồng trên giá thể là bông hạt”, anh Trần Văn Thuần chia sẻ.
Học từ thành công, học cả trong thất bại
Trong quá trình sản xuất, anh Thuần được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Phú Xuyên tập huấn cho một lớp trồng nấm rơm. Trước đó, anh chủ yếu tự mày mò và học qua thực tế những chuyến đi đến các trang trại trồng nấm. Cứ nghe ở đâu có trang trại nấm nào quy mô, hiệu quả là anh tìm đến, thậm chí cả những trang trại vỡ nợ, không sản xuất nấm nữa anh cũng tìm đến. Có người giấu nghề, nhưng cũng có nhiều người chia sẻ thật về nghề. Chính tìm đến những nơi thất bại người ta mới chia sẻ thật lý do vì sao, từ đó anh rút ra kinh nghiệm.
Những kinh nghiệm thất bại đó như sau: Thứ nhất là thiết kế trang trại không hợp với thời tiết, khí hậu cũng như chủng loại nấm đang trồng nên không đạt hiệu quả. Thứ hai là tổ chức từ người phụ trách kỹ thuật đến quản lý lao động. Nhiều trại to nhưng ông chủ không nắm bắt được kỹ thuật mà giao phó hết cho lao động, hết ngày công họ lại về nên tỷ lệ hỏng nhiều, thua lỗ một hai năm là giải thể.
Về thành công, đầu tiên thiết kế trại phải làm sao đảm bảo độ thông thoáng, tránh được những dịch bệnh, tránh được các hướng gió nóng trong mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Thứ hai là tổ chức từ người phụ trách kỹ thuật đến lao động phải chặt chẽ. Ông chủ không được giao phó tất cho lao động mà phải luôn giám sát các khâu trong quá trình sản xuất bởi tư duy của họ rất đơn giản, đến làm lấy công, hết ngày, hết giờ lại về, hiệu quả thế nào không cần quan tâm.
Ông chủ không được “chỉ tay năm ngón” mà phải tham gia lao động cùng công nhân, từ đó quản lý được các công đoạn, đảm bảo đúng quy trình, đúng kỹ thuật. Trong trồng nấm, chỉ cần sơ suất một chút thôi đã gây ra một hậu quả lớn rồi.
Tuy nhiên, thực tế trồng nấm rất khó nên cũng đôi lúc anh Thuần gặp phải thất bại với nhiều nguyên nhân: thứ nhất là do thời tiết, khí hậu, môi trường có năm rất khắc nghiệt. Thứ hai là có nhiều nguồn dịch bệnh, làm cho giá thể bị hỏng, không đạt năng suất. Bởi thế, ngay từ đầu anh phải chọn lựa nguyên liệu đầu vào rất kỹ, đảm bảo chất lượng.
Không phải loại mùn cưa nào cũng có thể trồng nấm được mà hợp nhất là mùn cưa gỗ tạp như keo, gạo, bồ đề. Tuyệt đối tránh các loại mùn cưa cứng của các loại gỗ có dầu khi lẫn vào sẽ làm hỏng mất giá thể. Mùn cưa mua về được anh sàng lọc, loại bỏ tạp chất, ủ với vôi bột với tỷ lệ nhất định trong vòng 3 - 4 tháng rồi mới phối trộn với các nguyên liệu khác như bông hạt, cám ngô, cám gạo để đóng bịch giá thể.
Yếu tố môi trường đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành công của việc trồng nấm. Xung quanh trang trại phải không có nguồn gây ô nhiễm hay nhiều ruồi muỗi. Bởi thế, anh Thuần trồng một hàng rào cây lớn, nhỏ đan xen nhau để khi có gió to sẽ cản bớt, tạo ra độ ẩm tự nhiên, giúp cho lán nấm mát hơn. Về nguyên lý trồng nấm không sử dụng bất kỳ hóa chất nào nên thực tế nó gần như là hữu cơ rồi. Tiến tới hữu cơ thì chỉ cần một số bước nhỏ đã đạt được như nguyên liệu đầu vào, nguồn nước tưới phải kiểm nghiệm an toàn, trong quá trình sản xuất chỉ bổ sung cám ngô, cám gạo để bổ sung dinh dưỡng cho giá thể.
Như trang trại đang dùng nguồn nước mặt từ giếng làng, không bị nhiễm sắt, asen như nước giếng khoan nên rất thích hợp cho cây nấm phát triển. Sản phẩm nấm sò của trang trại đã đạt OCOP 4 sao năm 2020, từ đó cũng được nhiều người biết đến, đặt hàng hơn. Định hướng trong năm 2024, trang trại sẽ phát triển nấm sò theo hướng hữu cơ để tiếp cận với các khách hàng yêu cầu cao về an toàn thực phẩm.
Anh Thuần giải thích chuyện trang trại kết hợp với điện mặt trời áp mái xuất phát từ nhu cầu vừa làm mát cho nấm vừa thu được điện để phục vụ sản xuất nấm, giảm giá thành, dư thừa thì đem bán. Qua tìm hiểu các công nghệ mới về năng lượng mặt trời, anh thấy năm 2019 Chính phủ khuyến khích mô hình năng lượng mặt trời áp mái nên đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để mua 125 tấm với tổng công suất 50 Kw cùng hệ thống dây dẫn, thiết bị đấu nối.
Mỗi năm hệ thống ấy cho 4 tháng công suất cao, mỗi ngày thu được khoảng hơn 400.000đ. Mỗi năm hệ thống ấy cho 4 tháng công suất trung bình, mỗi ngày thu được khoảng 270-300.000đ. Mỗi năm hệ thống ấy cho 4 tháng công suất thấp, mỗi ngày thu được khoảng 200.000đ. Như năm ngoái anh được ngành điện lực thanh toán 110 triệu đồng tiền bán điện mặt trời áp mái. Nhờ đó, đầu tư hệ thống từ năm 2020, chỉ khoảng 4 năm là anh đã hòa vốn.
Nguyễn Thị Thắm