Nông dân không biết đến liên kết
Những ngày đầu tháng 11, phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã có nhiều chuyến đi đến các địa phương trọng điểm trồng chanh leo của tỉnh Gia Lai. Một điều chúng tôi ghi nhận được là những vườn chanh leo cách đây không lâu còn mượt mà xanh tốt, mang về khoản lợi nhuận không nhỏ cho người dân, giờ bỗng nhiên xác xơ, héo úa. Không ít chủ vườn đã bỏ mặc, không tiếp tục chăm sóc. Có vườn người dân tận dụng đất trồng các loại cây ngắn ngày phía dưới giàn chanh leo như ngô, đậu...
Ia Grai là một trong những huyện trọng điểm về cây chanh leo của tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 1.000ha. Cách đây khoảng nửa năm, những vườn chanh leo ở huyện này luôn tấp nập người dân tập trung tỉa lá, bón phân, tưới nước. Đến vụ thu hoạch càng nhộn nhịp hơn bởi chanh leo được thu mua với mức giá 20.000 đồng/kg, thậm chí còn cao hơn nữa. Từng tốp người miệng cười nói rộn rã, tay không ngừng chọn những quả chanh to tròn để thu hoạch. Từng đoàn xe nối đuôi nhau chở chanh về điểm tập kết…
Còn bây giờ, từ trung tâm huyện Ia Grai xuyên qua các xã trọng điểm trồng chanh leo của huyện như Ia H’rung, Ia Bă… vẫn là bạt ngàn những vườn chanh leo, nhưng không khí lại hết sức ảm đạm. Những vườn chanh leo héo rũ, thậm chí khô quắt, dưới gốc cỏ mọc um tùm. Nhiều vườn chanh leo bà con tranh thủ đất, trồng xen một vài loại cây ngắn ngày khác. Có vườn chanh leo chỉ có… đàn bò đứng gặm cỏ.
Đi gần hết buổi sáng mới gặp được một nông dân đang làm việc trên đồng là anh Võ Thanh Sơn (thôn Chư Hầu 6, xã Ia Bă). Anh Sơn đang cặm cụi gieo đậu phụng (lạc) xuống khoảng đất bằng phẳng rộng mênh mông. Ngừng tay, bước lên bờ, anh nói: “Khu đất này trước kia gia đình tôi trồng chanh leo. Thu hoạch chưa được hai vụ thì giá chanh rớt thảm, chỉ còn 2.000 đồng/kg. Giá bán không đủ trả công thu hoạch nên tôi đành phá bỏ cây chanh leo để trồng đậu phụng”.
Cũng theo anh Sơn, hồi đó gia đình phá cà phê già cỗi, trong khi chờ tái canh thì trồng chanh leo. Thời gian trước chanh leo được giá, gia đình tiếp tục đầu tư mà “quên” luôn việc tái canh lại vườn cà phê. Thời gian qua, do giá chanh leo giảm sâu nên anh đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng đậu phụng, còn lại một vườn chanh leo đã đầu tư hơn 30 triệu đồng gia đình vẫn tiếp tục chăm sóc cầm chừng, hi vọng thời gian tới giá chanh leo sẽ lên trở lại.
Khi được hỏi về câu chuyện liên kết trong việc trồng chanh leo, anh Sơn lắc đầu: “Chúng tôi chỉ đến HTX hoặc điểm phân phối mua giống, mua phân về trồng. Đến khi thu hoạch thì đã có thương lái đến mua. Tôi không nghe ai nhắc đến chuyện liên kết sản xuất cả”.
Chúng tôi đi tiếp sang huyện Chư Păh, cũng là huyện có diện tích chanh leo lớn của tỉnh Gia Lai. Tại làng Pang (xã Ia Nhin), vợ chồng chị Rơ Châm K’rết đang làm cỏ cho vườn chanh leo hơn 4 sào (sào 1.000m2). Chỉ vào những cây cà phê cao không quá hai gang tay dưới tán chanh leo, chị Rơ Châm K’rết cho biết: “Tranh thủ vườn cà phê tái canh chưa khép tán, gia đình tôi trồng chanh leo. Cũng mới trồng từ đầu năm thôi”.
Theo chị Rơ Châm K’rết, mặc dù giá chanh leo đang xuống, song gia đình vẫn không ngừng làm cỏ, bón phân, bởi thực ra chăm sóc vườn cà phê mới tái canh là chính, chanh leo cũng chỉ là "ăn theo".
Khi được hỏi, gia đình trồng chanh leo có liên kết với doanh nghiệp hay HTX nào không, Rơ Châm K’rết ngơ ngác hỏi lại: “Liên kết là gì?”.
Không liên kết với đơn vị nào, trồng chanh leo chỉ mang tính may rủi, do vậy khi chanh leo rớt giá thê thảm, nông dân một mình… tự gánh!
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, khâu liên kết hợp tác trong sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân trong phát triển ngành hàng chanh leo chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán. Trong đó, vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi gia trị còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, vai trò của các doanh nghiệp chế biến chanh leo trong việc xây dựng, duy trì và phát triển bền vững vùng nguyên liệu chanh leo còn nhiều hạn chế.
Doanh nghiệp cũng không mặn mà
Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ là một trong vài đơn vị tiên phong trong việc sản xuất giống chanh leo chất lượng cao. Tháng 5/2021, Công ty chính thức khởi công giai đoạn 1 Trung tâm Giống cây trồng chất lượng cao đặt tại huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai). Đến nay, quy mô Trung tâm này đã đạt công suất trên 20 triệu cây giống chanh leo/năm.
Tuy nhiên khi được hỏi về câu chuyện liên kết sản xuất, ông Lê Văn Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ cho biết: “Công ty chỉ cũng cấp giống canh leo chất lượng cao đến với bà con nông dân thông qua các HTX, thông qua các đầu mối ở các địa phương. Còn việc liên kết trực tiếp với bà con thì chưa”.
Là thành viên của tập đoàn đa quốc gia, Công ty TNHH Quicornac có nhà máy đặt tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP Pleiku, Gia Lai) với dây chuyền hiện đại, công suất chế biến 500 tấn quả tươi/ngày.
Tổng Giám đốc Công ty Quicornac Gia Lai, ông Lưu Quốc Thạnh cho biết, câu chuyện liên kết là hết sức nhạy cảm. Đối với chiến lược của Quicornac thì không có liên kết, nghĩa là không đầu tư, không ký bao tiêu sản phẩm. Bù lại, thế mạnh của Quicornac là quy trình về thu mua... rất minh bạch, sòng phẳng với nông dân.
“Quicornac luôn trả tiền rất nhanh và không thiếu nợ nông dân quá 3 ngày, nhìn chung thanh toán tiền hàng ngày ngay sau khi nhập hàng. Đối với các chương trình liên kết, cần phải cân nhắc, khi đã làm phải thật sự nghiêm túc bởi nhiều đơn vị tổ chức liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một giá nào đó, phải có quy định rõ ràng về chất lượng sản phẩm, tránh để thiệt hại cho nhà máy cũng như nông dân”, ông Thanh nêu quan điểm.
HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ và Du lịch Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là một trong số ít đơn vị có tổ chức liên kết trực tiếp với bà con nông dân trong việc trồng chanh leo. Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị có tổ chức liên kết với trên 100 hộ dân với quy mô diện tích khoảng 180- 200ha. Hình thức liên kết là nhận giống ở đơn vị sản xuất giống cung ứng cho bà con. Phân bón thì HTX có, bà con nào cần thì cung cấp. Đến khi thu hoạch, HTX thu mua và đưa về nhà máy chế biến, số tiền phân, giống bà con ứng từ đầu vụ sẽ được khấu trừ.
“Việc tổ chức liên kết trồng chanh leo với nông dân ít nhất mang lại một số hiệu quả tích cực như giúp đỡ một số hộ gặp khó khăn về vốn ban đầu bằng cách cung ứng giống, phân bón, được khấu trừ khi thu hoạch. Tiếp theo là bà con hoàn toàn yên tâm do có đầu ra ổn định”, ông Thanh chia sẻ.
Trong tháng 11/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu chanh leo và giải pháp phát triển ngành hàng chanh leo bền vững”. Trong khuôn khổ Diễn đàn, sẽ ra mắt Ban Vận động Hiệp hội Chanh leo tỉnh Gia Lai. Diễn đàn diễn ra trực tiếp tại tỉnh Gia Lai và trực tuyến đến khoảng 500 điểm cầu trong cả nước.
Đăng Lâm - Tuấn Anh