Thúc đẩy đa dạng sinh học ở các vùng cao su

Bình luận · 187 Lượt xem

Bảo tồn diện tích rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng xen canh cây bản địa… là những giải pháp mà các công ty cao su đang thực hiện để tăng đa dạng sinh học.

Trong khu vực quản lý của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long đang có một khu rừng tự nhiên ở khu vực thác số 4 với diện tích 24,8ha. Kết quả kiểm kê cho thấy khu rừng này có 188 loài thực vật, trong đó cây gỗ là nhóm có số lượng loài lớn nhất với 74 loài, tiếp đó là nhóm cây bụi với 41 loài. Đặc biệt có 3 loài trong Sách Đỏ Việt Nam, 4 loài trong Sách Đỏ thế giới. Ngoài ra, ở khu rừng này hiện có 100 loài động vật có xương sống trên cạn (17 loài thú, 60 loài chim, 15 loài bò sát và 8 loài lưỡng cư), trong đó có 18 loài thuộc diện nguy cấp, quý hiếm.

Khu rừng tự nhiên ở thác số 4 được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong việc tạo sinh cảnh phong phú, cải thiện khí hậu cho khu vực dân cư lân cận, là nơi để người dân tới tham quan, giải trí và trẻ em có điều kiện trải nghiệm về đa dạng động thực vật rừng. Chính vì vậy, Cao su Bình Long đã quy hoạch khu rừng này cho mục đích bảo tồn, kết hợp với du lịch sinh thái và giáo dục môi trường.

Các hoạt động bảo vệ, bảo tồn diện tích rừng tự nhiên luôn được công ty quan tâm, thực hiện trong nhiều năm qua, với những giải pháp như định danh lại các loài cây gỗ chính hiện có; công khai kế hoạch, nhân sự thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên, các chính sách hỗ trợ cộng đồng trong bảo vệ rừng để chính quyền địa phương và cộng đồng có cơ hội góp ý và tham gia thực hiện.

Bên cạnh đó, Cao su Bình Long phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến cho cộng đồng dân cư sống xung quanh về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; vận động chính quyền địa phương và cộng đồng đưa ra các sáng kiến phối hợp với công ty thực hiện và giám sát thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng.

Ông Lê Văn Vui, Tổng Giám đốc Cao su Bình Long, cho biết, ngoài việc đẩy mạnh quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học khu rừng tự nhiên ở khu vực thác số 4, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025, công ty sẽ trồng thêm 150ha rừng tự nhiên.

Ngoài Cao su Bình Long, nhiều công ty cao su là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cũng đang đẩy mạnh bảo tồn diện tích rừng tự nhiên trong phạm vi quản lý của đơn vị.

Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (Bình Phước) hiện có gần 106ha rừng tự nhiên phân bố chủ yếu ở Nông Lâm trường Tuy Đức. Rừng tự nhiên phân bố xen kẽ trong các lô rừng cao su, nằm ở những khu vực ven khe suối, hoặc đất dốc. Lồ ô chiếm phần lớn trong hệ sinh thái, ngoài ra có một số loài cây gỗ mọc cùng chiếm tỉ lệ nhỏ như chò sót, dẻ gai, ngõa lông, bưởi bung, nhội...

Công nhân cạo mủ cao su tại một nông trường của Cao su Phú Riềng. Ảnh: Thanh Sơn.

Công nhân cạo mủ cao su tại một nông trường của Cao su Phú Riềng. Ảnh: Thanh Sơn.

Tuy diện tích rừng tự nhiên tại Nông lâm trường Tuy Đức không có giá trị bảo tồn cao, không tồn tại các loài thực vật quý hiếm, nhưng lại có chức năng trong việc duy trì nguồn nước, chống xói mòn tại những khu vực đất dốc, làm tăng sự đa dạng sinh học...

Chính vì vậy, việc bảo vệ và duy trì hệ sinh thái rừng tự nhiên đã được Cao su Phú Riềng quan tâm, thực hiện trong những năm qua thông qua những giải pháp thiết thực như thống kê, xây dựng bản đồ phân bố cho các kiểu rừng tự nhiên trên khu vực quản lý, nghiêm cấm phá rừng, khai thác lâm sản tại các khu rừng tự nhiên hoặc hướng dẫn cho cộng đồng người dân địa phương khai thác lâm sản bền vững, ngăn chặn chăn thả gia súc tự do…

Không chỉ bảo tồn diện tích rừng tự nhiên hiện có ở các công ty trong nước, VRG cũng đang triển khai hoạt động bảo tồn rừng tự nhiên ở Campuchia. Cụ thể, Tập đoàn đã giao Công ty Cổ phần Cao su Krông Búk Ratanakiri phối hợp với tổ chức NatureLife và Oxfam Campuchia, thực hiện dự án bảo tồn rừng tự nhiên Phnom Tuntang với diện tích là 1.056ha. Dự án gồm 7 bước, hiện Cao su Krông Buk Ratanakiri đã triển khai đến bước 5 là cắm mốc ranh giới rừng cộng đồng và tham gia lập bản đồ rừng cộng đồng. Dự kiến đến hết quý II/2024 sẽ ký lập thỏa ước thành lập rừng cộng đồng.

Các công ty thành viên của VRG ở Campuchia cũng đã tiến hành khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên và bảo tồn rừng được hơn 3.300ha đạt 66,5% trên tổng diện tích thực hiện theo kế hoạch là 5.000ha.

Trồng xen cây lâm nghiệp

Ở những công ty không có điểu kiện đất đai để phát triển rừng tự nhiên, việc làm tăng sự đa dạng sinh học cũng đang được chú trọng bằng cách trồng xen cây lâm nghiệp, cây bản địa.

Ở Công ty TMHH MTV Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) hiện có 8 nông trường với tổng diện tích cao su gần 28 nghìn ha. Ông Nguyễn Đức Hiền, Tổng Giám đốc Cao su Dầu Tiếng, cho biết, kết quả điều tra, đánh giá đa dạng sinh học năm 2023 cho thấy, trên diện tích cao su của công ty, hiện có 16 loài thực vật thuộc 16 chi, 11 họ của 2 ngành thực vật. Về động vật, có 1 loài thú, 4 loài chim, 1 loài bò sát và 1 loài lưỡng cư. Do là rừng trồng sản xuất nên tính đa dạng sinh học trên diện tích cao su của Cao su Dầu Tiếng phải nói là rất nghèo, không có động, thực vật quý hiếm, không có loài đặc hữu nào phân bố trong rừng cao su.

Một số cây gỗ tại khu rừng tự nhiên ở thác số 4 của Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Một số cây gỗ tại khu rừng tự nhiên ở thác số 4 của Cao su Bình Long. Ảnh: Thanh Sơn.

Để gia tăng sự đa dạng sinh học, trong thời gian qua, Cao su Dầu Tiếng đã tiến hành trồng xen hoặc trồng thuần với tỷ lệ diện tích thích hợp những cây rừng bản địa hoặc cây lấy gỗ tại các khu vực hành lang bảo vệ để làm tăng tính đa dạng sinh học. Đến nay, diện tích đã trồng xen cây lâm nghiệp lâu năm tại Cao su Dầu Tiếng là hơn 382ha.

Ngay tại các công ty đang có diện tích rừng tự nhiên, việc trồng xen cây lâm nghiệp tại các lô cao su, cũng vẫn được chú trọng. Như ở Cao su Bình Long, mỗi năm công ty đều tiến hành trồng cây gỗ bản địa (sao, dầu…) và các loại cây gỗ có giá trị, có tác dụng phòng hộ bảo vệ rừng cao su, với diện tích bình quân 10 - 15 ha/năm.

Cao su Phú Riềng đang đa dạng hóa loài cây trồng ở rừng cao su bằng các loài cây gỗ có giá trị ven khe suối, nơi có độ dốc cao và trồng xung quanh lô bảo vệ rừng cao su. Mục đích trồng cây bản địa là nhằm tăng sự đa dạng sinh học, nâng cao khả năng phòng hộ, bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước, đồng thời tạo ra cảnh quan rừng đẹp, sinh cảnh cho động vật hoang dã. Diện tích trồng cây bản địa hàng năm mà công ty thực hiện từ 15 - 20ha.

Bình luận