Sẽ áp dụng biện pháp mạnh để quản lý mã vùng trồng, cơ sở đóng gói

Bình luận · 217 Lượt xem

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để siết chặt công tác quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ NN-PTNT trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Ảnh: Duy Thái.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ NN-PTNT trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Ảnh: Duy Thái.

Tỉ lệ mã số được giám sát sau khi cấp rất thấp 

“Tôi xin nhắc lại con số gần 7.000 vùng trồng và gần 2.000 cơ sở đóng gói là điểm nhấn về những kết quả đã đạt được. Các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này đều đã được các nước nhập khẩu, trong đó có những thị trường có yêu cầu cao như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… chấp nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng mới chỉ đạt 40,8%, cơ sở đóng gói là 17%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hàng năm”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh tại hội nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, diễn ra tại Lạng Sơn ngày 24/8.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết thời gian qua, Bộ NN-PTNT và các địa phương vẫn nhận được những thông báo không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các lô hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường EU, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Ông đề nghị các ngành, địa phương cần quán triệt với doanh nghiệp về việc "không phải cứ cấp mã số xong là xong", mà khâu kiểm tra, giám sát cần thực hiện thường xuyên.

Số lượng lớn các thông báo vi phạm của nước nhập khẩu cũng như tình trạng các lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm đang cảnh báo về công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Nếu tình trạng vi phạm này kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Đến nay, số lượng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được cấp phép khá lớn, song tỉ lệ kiểm tra giám sát còn thấp. Ảnh: TL.

Đến nay, số lượng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đã được cấp phép khá lớn, song tỉ lệ kiểm tra giám sát còn thấp. Ảnh: TL.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này.

Trong quá trình kiểm hoá, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía nước bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã có mặt hàng quả ớt của Việt Nam.

Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết tại toàn bộ các cửa khẩu, đều đã chỉ đạo bố trí đầy đủ các lực lượng chức năng để thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá, trong đó có các trạm kiểm dịch thực vật (KDTV) cửa khẩu trực thuộc Chi cục KDTV vùng VII (Cục BVTV) trực tiếp làm công tác chuyên môn nghiệp vụ và đều được bố trí địa điểm thuận lợi để thực hiện công tác kiểm tra, giám định KDTV…

Khi nhận được thông báo của các trạm KDTV về việc phát hiện thấy đối tượng KDTV của Trung Quốc cần phải xử lý (như chọn lọc, thải loại, yêu cầu quay về tiêu thụ nội địa), Trung tâm Quản lý cửa khẩu (đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn) là đầu mối phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tạm dừng thông quan lô hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu thực hiện tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Việc không tuân thủ các quy định trong hoạt động của các vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với hoạt động xuất khẩu. Ảnh: TL.

Việc không tuân thủ các quy định trong hoạt động của các vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với hoạt động xuất khẩu. Ảnh: TL.

Khi có các lô hàng bị Trung Quốc trả về (nguyên nhân có thể do không có sự thống nhất giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc hoặc không đạt tiêu chuẩn yêu cầu xuất khẩu hoặc các lô hàng bị Trung Quốc thông báo vi phạm trả về), Trung tâm Quản lý cửa khẩu là đầu mối thông báo kịp thời đến các lực lượng chức năng cửa khẩu để phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp cách xử lý, đồng thời tuyên truyền để các doanh nghiệp khắc phục và hạn chế vi phạm đối với các lô hàng tiếp theo.

Bình luận