Hòa Bình là vựa sản xuất cây có múi của miền Bắc. Do được thiên nhiên ưu đãi nên sản phẩm cây có múi trồng ở các huyện như Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy đều cho hương vị rất ngon. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất trên đất Hòa Bình cũng được người tiêu dùng đón nhận. Mấy năm gần đây, nhiều nông sản Hòa Bình như nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi), bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn (Yên Thủy), mía tím… đã đáp ứng tiêu chuẩn và được xuất khẩu đến nhiều thị trường. Đây là những bước đi đầu tiên mở cửa cho nhiều nông sản khác của đất Mường như cam, bưởi... lên đường xuất ngoại.
Mía ngọt đất Mường "bay" sang trời Tây
Gia đình ông Bùi Văn Thông (ở xóm Đon, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc), là một trong những hộ dân đầu tiên có vườn mía được lựa chọn xuất khẩu sang châu Âu. Ông Thông năm nay đã hơn 50 tuổi, đầu đã hai thứ tóc mới cảm nhận được niềm hạnh phúc của người nông dân. Bao đời nay, bà con trồng mía chỉ bán cho tư thương, việc làm ăn được hay mất phụ thuộc vào thị trường, nên thu nhập của gia đình ông Thông cũng bấp bênh.
Năm 2021, vườn mía trắng tươi tốt của gia đình ông có vinh dự được lựa chọn xuất khẩu, ông vui lắm. "Làm mía vất vả và cực nhọc, mà suốt mấy năm liền, mía bán không được giá. Nhưng khi chúng tôi bán sản phẩm cho HTX Tùng Dương (đơn vị thu mía của bà con cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu), giá mía luôn giữ ở mức ổn định. Cây to, đẹp giá bán 9.000 đồng/cây, cây vừa 6.000 đồng/cây. Với mức giá như hiện tại, người trồng mía sẽ có thu nhập tốt" - ông Thông cho biết.
Ngoài hộ ông Thông, vườn mía của nhiều hộ dân khác của xã Mỹ Hòa cũng được chọn để xuất khẩu. Theo anh Bùi Thanh Long - Trưởng xóm Đon kiêm Phó Giám đốc HTX Tùng Dương đang phụ trách việc thu mua mía, để đảm bảo cây mía đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, anh Long được đi tập huấn trước cả nửa năm trời về sản xuất. Về xóm, anh hướng dẫn bà con chăm sóc mía và những yêu cầu về sản phẩm. Nhờ vậy, mấy chục hộ dân trồng mía đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu. Đến nay, HTX đã bán được cả trăm tấn mía với mức giá ổn định.
Tân Lạc là vựa mía của tỉnh Hòa Bình, nguồn nguyên liệu mía để phục vụ cho xuất khẩu còn rất lớn. Công ty TNHH Thương mại Tiến Ngân (phường Dân Chủ, TP.Hòa Bình) là đơn vị đầu tiên đưa cây mía xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Lê Điệp - Giám đốc công ty, niên vụ 2020 - 2021 là năm đầu tiên công ty xuất khẩu mía, dù còn nhiều khó khăn nhưng đã xuất được gần 80 tấn mía sang thị trường Hàn Quốc và châu Âu. Dự kiến trong các niên vụ 2021 - 2023, công ty sẽ xuất khẩu từ 300-500 tấn mía sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài cây mía, Hòa Bình còn có 3 sản phẩm khác đã vượt qua được những "cửa ải" khắt khe để xuất khẩu là cây chè sông Bôi, nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) và bưởi đỏ Tân Lạc. Tuy số lượng ban đầu chưa lớn, nhưng đã mở ra những cơ hội lớn cho sản phẩm đất Mường bay xa hơn. Cuối tháng 8/2022, Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA tổ chức xuất khẩu lô hàng 1 tấn quả nhãn tươi Sơn Thủy đầu tiên sang thị trường EU.
Đánh thức tiềm năng nông sản đất Mường
Ngoài cây mía, cây nhãn, cây chè, Hòa Bình còn 2 mặt hàng chủ lực nữa là cam, bưởi. Ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở NNPTNT cho hay, việc đẩy mạnh phát nhiều loại hình sản phẩm nông sản chất lượng cao của tỉnh không chỉ góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản hiệu quả mà còn tạo ra sự đa dạng trong danh sách các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Từ đó, giúp sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, từng bước tìm kiếm thị trường xuất khẩu và nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân.
Ngoài cây mía, Tân Lạc còn là thủ phủ của cây bưởi đỏ. Theo ông Bùi Đức Hiển - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Lạc, trong những năm vừa qua, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp như: Thực hiện liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người dân, HTX, tổ hợp tác tiếp cận các nguồn vốn tín dụng… "Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, UBND huyện đã phối hợp ký thỏa thuận hợp tác phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ với Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA; ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP dược phẩm Lovefarm Organic về triển khai quy hoạch vùng trồng dược liệu và xây dựng khu sơ chế dược liệu" - ông Hiển cho biết.
Tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Hòa Bình còn rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm gì để nâng cao chất lượng và số lượng nông sản xuất khẩu. Anh Bùi Thanh Long - Phó Giám đốc HTX Tùng Dương chia sẻ, đơn hàng đặt mua mặt hàng mía kéo dài trong cả năm. Hiện tại, HTX mới chỉ cung ứng hàng được nửa năm. Cây mía mà bà con đang trồng vẫn là giống cũ. Sau nhiều năm, mía trắng cũng đã thoái hóa, nên chất lượng và sản lượng không tăng lên. "Cây mía tím đã làm được cây phôi, chỉ có giống mía trắng chưa làm được cây phôi nên bà con vẫn sản xuất giống theo phương pháp truyền thống là dâm cành. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi đồng đều cả về hình thức lẫn chất lượng. Chúng tôi mong muốn chính quyền hỗ trợ mạnh hơn nữa trong việc tạo giống mía có chất lượng. Có như vậy, bà con mới toàn tâm, toàn ý cho cây mía" - anh Long cho biết.
Hòa Bình còn có nhiều sản phẩm có khả năng xuất khẩu như: Cam, bưởi, chuối, chè, củ quả muối, măng... sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Thúc đẩy xuất khẩu nông sản luôn được UBND tỉnh Hòa Bình quan tâm. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng phát triển đa dạng các hình thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, quan tâm phát triển các thị trường lớn trong nước, nhất là xuất khẩu... Theo đó, ngành nông nghiệp đã tập trung xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm trồng trọt chủ lực, quy mô lớn theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với xuất khẩu hàng hóa. Ưu tiên cấp mã số vùng trồng cho các vùng trồng cây chủ lực, lợi thế, có tiềm năng xuất khẩu như bưởi, nhãn, chuối, thanh long và hướng tới các cây trồng khác như: Chè, mía tím, mía trắng, cây họ bầu bí...