Thiên đường xanh ngập nước
Tỉnh An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp là 16.868ha, trong đó diện tích đất có rừng 13.860ha. Rừng và đất rừng của An Giang không lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước nhưng lại rất phong phú về loại hình, gồm rừng tràm ngập nước, rừng vùng đồi núi và rừng trên núi đá. Rừng An Giang có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với phát triển du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 9 khu đất ngập nước có rừng tràm với tổng diện tích là 4.311ha, chiếm hơn 35% diện tích rừng hiện có trên toàn tỉnh. Trong đó, rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) có diện tích 845ha, được mệnh danh là “Thiên đường xanh ngập nước” và là địa điểm du lịch sinh thái rừng nổi tiếng của tỉnh An Giang.
Đặc điểm sinh cảnh của các khu rừng tràm với cảnh quan thiên nhiên của hệ sinh thái đất ngập nước, rừng tràm ngập nước, kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo, sinh cảnh đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa, các loài chim nước, thủy sản và động vật hoang dã vùng đất ngập nước.
Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, rừng tràm Trà Sư là khu rừng đặc dụng với đầy đủ hệ sinh vật và cảnh quan phong phú, tạo một vùng tiểu khí hậu ôn hòa và bầu không khí trong lành. Đây là những lợi thế thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch sinh thái.
Để rừng phát triển rừng bền vững, đồng thời khai thác tốt tiềm năng du lịch nơi này, Chi cục Kiểm lâm An Giang và Ban quản lý rừng đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư giai đoạn 2019 - 2030. Đồng thời, xây dựng Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư giai đoạn 2021 - 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện.
Công ty CP Du lịch An Giang là đơn vị được UBND tỉnh quyết định cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái tại phân khu dịch vụ hành chính Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Với sự đầu tư mạnh mẽ của Công ty từ bên ngoài rừng và cầu tre bên trong rừng, cùng với cảnh sắc thiên nhiên hoang dã, hệ sinh thái đa dạng đã giúp cho du khách đến tham quan ngày càng đông hơn.
Bên cạnh đó, năm 2020 khu du lịch Trà Sư tự hào khi đón nhận 2 kỷ lục Việt Nam. Đó là kỷ lục “Rừng tràm đẹp nhất Việt Nam vào mùa nước nổi” và kỷ lục “Cầu tre xuyên rừng dài nhất Việt Nam”. Đó là một tín hiệu khả quan cho việc thu hút khách du lịch của rừng tràm Trà Sư. Điều này đã khẳng định được rằng: Hiện tại, xu hướng tham quan của khách du lịch là tìm về thiên nhiên hoang dã, được sống hòa mình với thiên nhiên.
Tạo sinh kế cho người dân địa phương
Với vẻ đẹp và tiềm lực là thiên nhiên hoang dã, khu du lịch rừng tràm Trà Sư đã sử dụng nguồn lao động tại địa phương để phục vụ cho du khách, mang đậm tính cách thân thiện, hiền hòa của con người vùng sông nước ĐBSCL. Việc tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch tại đây không những mang lại lợi ích cho họ mà còn nâng cao được chất lượng du lịch. Người dân địa phương, với môi trường, lối sống, phương thức sản xuất và truyền thống văn hóa bản địa cũng mang lại những sản phẩm du lịch có sức hút rất lớn đối với du khách.
Các sản phẩm được bày bán tại khu vực tham quan của rừng tràm Trà Sư là những sản phẩm mang tính địa phương. Các sản phẩm đa phần đã và đang được đăng ký sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng và uy tín như mật ong rừng tràm Trà Sư và các sản phẩm trên địa bàn huyện Tịnh Biên như rượu cà na, rượu thốt nốt…
Phối hợp tổ chức WWF Việt Nam triển khai dự án “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của ĐBSCL tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư”. Tăng cường thực hiện các giải pháp tuyên truyền vận động trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Với thành công bước đầu của du lịch sinh thái Trà Sư, tỉnh An Giang có chính sách thu hút đầu tư vào du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng nhằm phát triển bền vững gắn bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Đến Trà Sư vào thời điểm này, du khách sẽ cảm nhận được cả sự hiện đại cùng với sự hoang dã tồn tại song hành, như cầu Kiều bắc qua kênh Trà Sư tráng lệ nhưng khi đi sâu vào rừng tràm Trà Sư thì lại dân dã với xuồng ba lá, với các loại cá đồng, với những phần quà đặc sản địa phương.
Đ.T.Chánh