Quản lý mã số vùng trồng còn buông lỏng
Hội nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu diễn ra tại Lạng Sơn ngày 24/8 thu hút hàng trăm doanh nghiệp, nhiều địa phương tham dự.
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tại các địa phương hiện nay đã có bước thuận lợi, đó là Bộ NN-PTNT đã phân cấp về Chi cục Trồng trọt và BVTV tại các tỉnh quản lý. Đây là chiến lược rất đúng giúp các địa phương chủ động, tự chịu trách nhiệm về mã số vùng trồng và chủ động quản lý hồ sơ để tránh sai sót và thúc đẩy công tác này.
Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề cần lưu ý, thứ nhất là thời gian khi nộp hồ sơ và chờ phía Trung Quốc kiểm định, kiểm tra thực tế thường rất lâu, ví dụ khi gửi danh sách đợt tháng 3/2023 nhưng đến tháng 8/2023 vẫn mới có lịch hẹn chứ chưa thể kiểm tra, trong khi các mã sản phẩm này đã thu hoạch xong.
Thứ hai là việc quản lý mã số vùng trồng hiện nay còn bị buông lỏng khiến một số doanh nghiệp lợi dụng làm ảnh hưởng đến mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Ví dụ, một mã số vùng trồng sầu riêng ở Tây Nguyên sau khi đã hết mùa vụ thì doanh nghiệp vẫn lấy sản phẩm ở ĐBSCL gắn vào mã ở Tây Nguyên và tương tự với mã số ở ĐBSCL cho sản phẩm ở Đông Nam bộ hay Nam Trung bộ. Điều này gây ra nhiều thiệt thòi cho chủ sở hữu mã số vùng trồng, thường là những nông dân đã giao toàn quyền cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, đại diện tỉnh Tiền Giang cho biết, hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chậm được phê duyệt bởi các nước nhập khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu trái cây tươi trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Tiền Giang cũng nêu thực trạng thiếu thông tin sản lượng của các cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu đối với các loại trái cây xuất khẩu nên công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc truy xuất sản lượng và nguồn gốc sản phẩm của các cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, chưa có văn bản quy định xử phạt hành chính đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói không tuân thủ các quy định về xuất khẩu cũng như gian lận trong việc sử dụng mã số; chưa có quy định cụ thể và độ chín, kích thước, mẫu mã và chất lượng trái đối với từng loại trái cây xuất khẩu, đặc biệt trên sầu riêng.
Các vùng trồng đã được cấp mã số chưa thực hiện đầy đủ việc cập nhật nhật ký điện tử trên hệ thống phần mềm theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV dẫn đến các vùng trồng này có nguy cơ bị thu hồi mã số.
Các vùng trồng cũng chưa chủ động đề nghị giám sát trước mỗi vụ thu hoạch theo quy định. Công tác giám sát việc liên kết thu mua nông sản trong vùng trồng chưa được chính quyền cấp xã quan tâm. Liên kết tiêu thụ giữa vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa chặt chẽ, chưa thỏa thuận được về giá cả dẫn đến sản lượng vùng trồng được cấp mã số bán cho cơ sở đóng gói còn hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp xin cấp mã số vùng trồng, đặc biệt các doanh nghiệp ngoài tỉnh chưa có sự gắn kết chặt chẽ với nông dân trong vùng trồng. Vẫn còn nhiều vùng trồng, cơ sở đóng gói không duy trì các điều kiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là đối với thị trường Trung Quốc.
Về giải pháp, thời gian tới, TS Hải cho rằng cần nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân về xây dựng mã vùng trồng cho tất cả các sản phẩm, tất cả các địa phương trong nước. Từ các mã này, có thể phát triển ra hệ thống mã vùng trồng cho nhiều quốc gia khác nhau.
Bên cạnh đó, hiện nay bà con nông dân và cơ quan chức năng các địa phương chỉ mới tập trung phát triển mã số vùng trồng cho các nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc mà chưa quan tâm đến các thị trường khác như Mỹ, Châu Âu…, đây có thể xem là sự ngộ nhận về mã số vùng trồng.
Vấn đề thứ ba là đối với những hộ dân, HTX được cấp mã số vùng trồng vẫn nghĩ có được mã số là có được tất cả nên không chú trọng đến việc duy trì, bảo vệ tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nên gây ra nhiều rủi ro cho những mã số đã được cấp.
Chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa mã vùng trồng
Tỉnh Sóc Trăng cho biết trong vụ vừa rồi, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu không thuộc mã số vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu. Vì vậy, địa phương rất cần thông tin kịp thời từ cơ quan quản lý xuất nhập khẩu phản hồi về để có hướng quản lý chặt.
Tỉnh Trà Vinh nêu thực trạng hầu hết các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp, người dân chưa hiểu đầy đủ về ý nghĩa của việc sử dụng mã số vùng trồng trong hoạt động nông nghiệp. Khó khăn lớn nhất mà họ đang đối mặt hiện nay là sự thiếu thông tin về quy trình và thủ tục để đạt được mã số vùng trồng.
Điều này phần lớn xuất phát từ việc công tác tuyên truyền hiện còn hạn chế trong việc giới thiệu về tầm quan trọng của mã số vùng trồng. Về khía cạnh cơ sở đóng gói, HTX vẫn đang gặp khó khăn vì họ chưa đủ điều kiện về trang thiết bị và máy móc để thực hiện quá trình đóng gói, thường phải thuê gia công từ các đối tác bên ngoài, điều này gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và tạo ra sự phụ thuộc không mong muốn.
Tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương hiện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn trên 400.000ha, với đa dạng cây trồng, trong đó cây lúa chiếm diện tích lớn nhất, gieo trồng hơn 700.000ha/năm. Tuy nhiên đến nay, diện tích được cấp mã số vùng trồng mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ, gồm 165 mã đã được cấp với tổng diện tích 7.072ha cho 13 loại cây trồng khác nhau. Riêng cây lúa được cấp 118 mã vùng trồng, diện tích 6.043ha.
Có thời gian, công tác xây dựng tiêu chuẩn mã vùng trồng ở Kiên Giang bị đình trệ trong thời gian dài do chậm có hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh còn 400 hồ sơ đang chờ cấp mã số vùng trồng nhưng theo quy định, chủ thể được cấp mã số vùng trồng phải được tập huấn trước khi cấp, do đó cần thời gian để mở các lớp tập huấn nhằm đủ điều kiện cấp.
Tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc xây dựng mã vùng trồng để đủ điều kiện cấp cần nhiều thời gian. Mã vùng trồng nhằm đáp ứng điều kiện xuất khẩu hiện nay, tuy nhiên nông dân nhiều nơi vẫn chưa thực hiện tốt việc ghi sổ nhật ký sản xuất, chưa chú trọng đến công tác phòng chống sinh vật gây hại theo quy định, dẫn đến có nguy cơ bị rút mã số vùng trồng do không duy trì các quy trình sản xuất và các điều kiện theo quy định.
Cần đồng bộ dữ liệu cấp mã số
Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, doanh nghiệp cho rằng, cần tích hợp, đồng bộ hai chiều cơ sở dữ liệu cấp mã số vùng trồng từ cấp tỉnh đến trung ương cùng một cơ sở dữ liệu quốc gia (giữa Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật) nhằm tạo thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia để thông tin về sản lượng sản phẩm xuất khẩu/mã số vùng trồng được doanh nghiệp xuất khẩu cho địa phương nắm nhằm đối chiếu và giám sát chặt chẽ giữa sản lượng thu mua và sản lượng xuất khẩu, qua đó hạn chế tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, tăng cường minh bạch thông tin sản lượng xuất khẩu theo quy định.