Sơn La đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản

Bình luận · 217 Lượt xem

Được đánh giá là một trong những vựa nông sản, rau quả lớn nhất Việt Nam, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh chế biến sâu và nâng cao giá trị nông sản.

Đẩy mạnh chế biến sâu rau quả

Với diện tích hơn 84.000 ha cây ăn quả cho sản lượng mỗi năm bình quân 450.000 tấn, Sơn La được biết đến là "vựa" quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước. Những năm qua, sản phẩm quả của Sơn La được tiêu thụ cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu; trong đó, khối lượng xuất khẩu bình quân hàng năm khoảng 23.000 tấn, chiếm 5-7% sản lượng quả của tỉnh trong năm.

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, chủ trương của tỉnh trong thời gian tới sẽ không mở rộng diện tích cây ăn quả, tập trung thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần tăng giá trị trên 1 diện tích canh tác, tránh tình trạng phát triển nhanh, “nóng” dẫn đến bà con được mùa nhưng không tiêu thụ được sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào chế biến sâu nông sản.

Hiện nay, Sơn La đã mời gọi, tạo cơ chế chính sách cũng như tạo điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới xây dựng tỉnh Sơn La thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.

Đơn cử, tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Sơn La.

Trung tâm là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại được xây dựng trên diện tích gần 9 ha, với tổng công suất máy móc là 52.000 tấn sản phẩm/năm. Toàn bộ hệ thống máy móc được sản xuất theo công nghệ hiện đại của Italy, Nhật Bản và Trung Quốc.

Các dây chuyền này khi hoạt động sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, hoàn thiện về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất trên toàn thế giới.

Ưu tiên hàng đầu của Doveco Sơn La là tiêu thụ tối đa nguyên liệu sẵn có của địa phương như xoài, ngô, nhãn, rau chân vịt, đậu tương rau và các loại rau quả khác, bảo đảm thị trường đầu ra bền vững cho rau quả Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La sẽ mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, bền vững trong tương lai, trước hết là tạo ra vùng nguyên liệu chục nghìn ha, áp dụng công nghệ cao, dần thay đổi tập quán canh tác của bà con từ phương thức truyền thống, thô sơ sang áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến, mang lại hiệu quả cao, từ đó góp phần thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Sơn La đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La.

Trung tâm cũng sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, bán hàng, vận tải; góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nơi đây.

Khi hoạt động hết công suất, Doveco Sơn La ước đạt doanh thu từ 1.800 đến 2.000 tỷ, đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ 150 đến 200 tỷ đồng/năm, đồng thời tiếp tục khẳng định được vị thế, thương hiệu của các sản phẩm rau, quả tươi; rau quả chế biến của tỉnh Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung không chỉ trên thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế.

Nâng tầm cà phê Sơn La

Bên cạnh rau quả, Sơn La cũng được biết đến với thế mạnh lớn ở cây cà phê. Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có hơn 20.000 ha cây cà phê Arabica (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước). Trong đó, gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương như RA, 4C, VietGAP, sản lượng trên 200.000 tấn quả tươi. Sơn La được công nhận 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê với diện tích 1.039,5 ha và 1.560 hộ gia đình tham gia; xây dựng duy trì, phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn.

Sơn La đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản

Toàn tỉnh Sơn La có diện tích cà phê đạt gần 17.000 ha.

Đáng chú ý, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La, đến nay, tỉnh đã có 4 sản phẩm cà phê được cấp quyết định công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao. Toàn tỉnh có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê, tạo công ăn việc làm cho đông đảo bà con đồng bào dân tộc địa phương. Đồng thời, tạo nguồn cà phê chất lượng để phục vụ thị trường.

Hơn 30 năm gắn bó với cây cà phê, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La luôn trăn trở tìm giải pháp nâng cao giá trị cho cây trồng này. Ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đồng thời, đơn vị đã đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ. Cà phê bột nguyên chất của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao là sản phẩm duy nhất của tỉnh Sơn La thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Thao cho biết: “Chúng tôi đã định hướng chuyển sang trồng cà phê hữu cơ từ năm 2018, sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chuyển giao giống mới. Đến nay, đã trồng 150 ha cà phê đặc sản giống Eakmat. Giống cà phê này này kháng được bệnh, thích nghi môi trường hiện tại, năng suất, giá trị cao hơn”.

Sơn La đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản

Sản phẩm cà phê Sơn La đã được các nhà máy đưa vào chế biến.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cà phê Sơn La, ngày 21/10, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Sơn La năm 2023, Nhà máy chế biến cà phê Sơn La đã được khánh thành.

Nhà máy chế biến cà phê Sơn La do Công ty Cổ phần chế biến cà phê Sơn La đầu tư xây dựng tại bản Thống Nhất, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm; gồm dây chuyền xát ướt tiết kiệm nước tuần hoàn và dây chuyền xát khô kín không phát bụi. Công suất tương đương 12.500 tấn cà phê nhân/năm.

Nhà máy được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 4,1 ha, gồm các hạng mục: Nhà xưởng chế biến, nhà kho thành phẩm, nhà lưới phơi cà phê, nhà văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng, nhà điều hành khu xử lý nước thải, hệ thống bể xử lý nước thải, sân phơi cà phê, đường giao thông nội bộ, cây xanh và các công trình phụ trợ... Đặc biệt, với quy trình sản xuất tuần hoàn, toàn bộ vỏ cà phê và các phụ phẩm trong quá trình chế biến được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ của Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc.

Toàn tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 25.000 ha, sản lượng cà phê nhân 40.000 tấn; thực hiện tái canh 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 18.000 ha. Đặc biệt, hình thành và phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu xuất khẩu 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường: Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước Nam Mỹ…

Bình luận