Nhóm bạn trẻ kiên trì 'truyền lửa' làm nông nghiệp hữu cơ

Bình luận · 218 Lượt xem

BÌNH PHƯỚC Nhóm bạn trẻ cùng một Việt kiều Mỹ dù mới chập chững lập nghiệp với nghề nông nhưng đã kiên trì truyền cảm hứng thành công về nông nghiệp hữu cơ cho nhiều nông dân.

Đó là chị Trần Mạc Vân Anh, sinh năm 1994 ở thị xã Chơn Thành (Bình Phước), cử nhân chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng và chàng Việt kiều Trần Mai Anh (Mike Trần), một kỹ sư máy tính sinh năm 1982. Cả 2 đều vô tình rẽ hướng trở thành nông dân, làm công việc không liên quan đến chuyên môn đã học.

Bắt đầu từ con số 0

Tôi đã từng gặp Vân Anh và Mike Trần khi họ đang thực hiện quy trình 5 năm cải tạo đất để chuẩn bị cho một dự án trồng cây thuốc nam và cây nông nghiệp theo quy trình hữu cơ với diện tích 5ha ở thị xã Chơn Thành. Khi đó, họ đã chứng minh cho tôi thấy tận mắt lợi ích của canh tác hữu cơ và những hiệu quả bước đầu của quá trình cải tạo đất. Và nay, khi gặp lại, họ đã thành công hơn. Ngoài hơn chục mô hình nông nghiệp hữu cơ đã tư vấn, hỗ trợ thành công cho người dân chuyển đổi, họ còn có một nhà máy sản xuất bánh cốm gạo, loại bánh ăn vặt “bình dân” nhưng được họ nghiên cứu, thay đổi công thức chế biến với nguyên liệu sạch, mẫu mã bao bì bắt mắt để xuất đi Mỹ với giá cao hơn 20 lần.

Mike Trần (bìa phải) và Vân Anh (thứ 2 từ phải qua) đang kiểm tra phân hữu cơ được ủ theo công thức do chính Mike Trần lập ra. Ảnh: Hồng Thủy. 

Mike Trần (bìa phải) và Vân Anh (thứ 2 từ phải qua) đang kiểm tra phân hữu cơ được ủ theo công thức do chính Mike Trần lập ra. Ảnh: Hồng Thủy. 

Ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM), Vân Anh đã có thu nhập ổn định từ công việc kinh doanh thiết bị năng lượng mặt trời, thiết kế website. Nhưng ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, cô đã có ý tưởng sẽ làm nông nghiệp sạch. Đó là sau những chuyến đi về các tỉnh miền Tây tham gia một dự án nước sạch, tận mắt thấy cách bà con nông dân canh tác trên đồng ruộng không an toàn, các sản phẩm chất lượng thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Cô rất muốn “làm cái gì đó” để góp phần thay đổi những tập quán xấu này, rồi bén duyên với nông nghiệp lúc nào không hay. Khi nghe cô chia sẻ ý tưởng, nhiều bạn trong nhóm đã đồng tình, cùng tham gia.

Năm 2016, Vân Anh cùng nhóm bạn lập một nhóm chuyên tư vấn về canh tác nông nghiệp “sạch”, lấy tên Medifood.IO. Nhiệm vụ của nhóm là tư vấn cho các nhà vườn canh tác truyền thống chuyển đổi sang hữu cơ và sau đó hỗ trợ họ xây dựng thương hiệu nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Vân Anh kể, có thời điểm, một ngày cô chạy xe máy qua 3 tỉnh, thành khác nhau để theo sát từng dự án. Khi đó, nhóm tình nguyện có khoảng 100 người gồm sinh viên khoa nông nghiệp các trường đại học và những người có cùng đam mê chia nhóm thay nhau trực tiếp đến tận vườn, hỗ trợ nông dân chăm sóc, làm cỏ, trồng thêm một số loại cây ngắn ngày, tự ủ phân trùn quế để bón cho cây... Đến nay, nhóm đã hỗ trợ thành công cho hơn chục nhà vườn chuyên canh tác rau, củ, quả ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Lâm Đồng...

Cây trúc đào, một trong những nguyên liệu chính được Mike Trần dùng để chế thuốc trừ sâu bệnh cho rau và cây ăn quả có múi. Ảnh: Hồng Thủy.

Cây trúc đào, một trong những nguyên liệu chính được Mike Trần dùng để chế thuốc trừ sâu bệnh cho rau và cây ăn quả có múi. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Hồ Thanh Thuận, nhà vườn rau ở xã Tân Lập (huyện Đồng Phú, Bình Phước) được nhóm của Vân Anh hỗ trợ chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ tâm sự: “Tôi cũng có kiến thức về canh tác hữu cơ. Nó không đơn giản là không dùng hóa chất, mà cả một quy trình từ giống, đất, nước, các chế phẩm sử dụng phải thế nào, việc chăm sóc với quá trình theo dõi sát sao từng ngày, rồi thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ...

Một cái khó nữa là canh tác thuận tự nhiên nên năng suất thấp hơn so với truyền thống, thời gian cho thu hoạch lâu hơn. Bên cạnh đó, sản phẩm không bắt mắt, trong khi người tiêu dùng chưa biết mình là ai, nói đây là sản phẩm sạch, hữu cơ họ có tin mình không?

Từ khi kết nối với nhóm tư vấn của Vân Anh, tôi đã giải tỏa được hết các vấn đề vướng mắc trên. Sản phẩm của tôi giờ đã được nhiều người sử dụng quen và rất thích. Giá không cao hơn sản phẩm canh tác cũ bao nhiêu, mà họ cảm nhận được chất lượng. Một trong những cái khác nhất là cùng một cách bảo quản, sản phẩm hữu cơ lâu hư hơn so với rau canh tác truyền thống”.

Các tình nguyện viên trong nhóm tư vấn Medifood.IO đang trực tiếp làm việc cho một nhà vườn ở Đồng Tháp. Ảnh: Vân Anh.

Các tình nguyện viên trong nhóm tư vấn Medifood.IO đang trực tiếp làm việc cho một nhà vườn ở Đồng Tháp. Ảnh: Vân Anh.

"Tụi em chọn giải pháp đồng hành cùng nông dân, trực tiếp làm cho họ thấy thì họ mới tin. Sau khi canh tác thành công, nếu họ không có đầu ra thì nhóm tiếp tục hỗ trợ, có thể thu mua luôn rồi chuyển về TP.HCM tiêu thụ qua kênh bán hàng của dự án”, Vân Anh kể.

Không có thất bại, chỉ có những bài học kinh nghiệm

Tương tự Vân Anh, chàng Việt kiều Mỹ Mike Trần cũng là một “tay ngang”, từ một chuyên gia công nghệ máy tính sang làm nông nghiệp. Nhưng khi trò chuyện, tôi rất ngạc nhiên về kiến thức nông nghiệp của anh.

Mike Trần, tên tiếng Việt là Trần Mai Anh, quê ở Lai Vung (Đồng Tháp), theo gia đình định cư tại Mỹ từ nhỏ. Sau đó, anh theo học ngành công nghệ máy tính, trở thành kỹ sư chuyên nghiên cứu, thiết kế phần quan trọng nhất trong một cỗ máy vi tính, đó là con chip. Công việc chuyên môn của anh cũng đã gặt hái khá nhiều thành công.

Mike Trần phân tích về chất lượng đất sau 4 năm 'dưỡng'. Ảnh: Hồng Thủy.

Mike Trần phân tích về chất lượng đất sau 4 năm "dưỡng". Ảnh: Hồng Thủy.

Năm 2015, Mike về Việt Nam thăm người thân, tình cờ gặp nhóm bạn trẻ của Vân Anh. Nghe những dự định về làm nông nghiệp sạch của Vân Anh, Mike rất đồng tình, bởi anh cũng muốn đóng góp cho quê hương. Vậy là những ngày ở Việt Nam, chàng Việt kiều đã cùng nhóm Vân Anh xắn quần lội ruộng, rồi “mê” nông nghiệp lúc nào không hay.

Tôi từng hỏi Mike: “Cậu mê nông nghiệp thật hay mê cô gái nhỏ Vân Anh kia?”. Mike cười, thật thà: “Cả hai. Nhưng nếu không có đam mê nông nghiệp thì không thể tích luỹ kiến thức của cả chục năm trong vòng 2 - 3 năm, có thể nói chuyên sâu về khoa học đất, cây trồng, về quy trình sản xuất hữu cơ được đâu. Anh thấy em làm, nghe em nói rồi mà”.

Tôi thừa nhận, Mike có thể thao thao về việc một diện tích cần bao nhiêu phân bón là đủ, thời điểm bón phù hợp để cây tiêu thụ hết dinh dưỡng mà không lãng phí. Rồi kỹ thuật pha chế thuốc trừ sâu bệnh bằng thảo dược, loại nào phù hợp trừ những loại sâu bệnh nào, công thức ủ phân hữu cơ

Lão nông Nguyễn Văn Tâm giới thiệu chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh được chế biến theo công thức của nhóm tư vấn Medifood.IO. Ảnh: Hồng Thủy.

Lão nông Nguyễn Văn Tâm giới thiệu chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh được chế biến theo công thức của nhóm tư vấn Medifood.IO. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Nguyễn Văn Tâm, lão nông có vườn bưởi ở thị xã Chơn Thành (Bình Phước) được nhóm của Vân Anh hỗ trợ chuyển đổi vườn bưởi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ, kể: “Nhà tôi cách chỗ mấy đứa trẻ làm nông trại chỉ vài trăm mét. Tôi thấy tụi nhỏ ngày ngày cứ mò mẫm ngoài đám cỏ dại, chẳng thấy trồng trọt gì nên ngạc nhiên lắm. Đến khi sang hỏi thăm thì chúng nó bảo đang “rửa đất”.

Thấy tôi tròn mắt chưa hiểu, tụi nó mới giải thích cặn kẽ. Tôi bảo, đúng là làm hữu cơ nhiêu khê quá, bỏ đất không mấy năm, rồi chăm bón cho cỏ dại nó lên, lãng phí quá. Nhưng sau khi tụi nhỏ giải thích kỹ hơn, thì tôi cũng hiểu. Rồi khi nghe tôi nói có vườn bưởi da xanh gần chục tuổi, tụi nhỏ nói muốn tư vấn cho tôi quy trình canh tác lại theo hướng hữu cơ, tôi bảo các cháu muốn làm sao thì làm, nhưng đừng làm đổ chén cơm của tôi là được.

Tụi nó cười rồi sau đó kéo một nhóm sang tận vườn, bắt đầu thay đổi mọi thứ. Mang phân hữu cơ do chính tay Mike tự ủ sang bón, rồi chế thuốc phun xịt côn trùng gây hại bằng thảo dược…

Trần Mạc Vân Anh tại nhà máy mang tên Simple Snacks chuyên sản xuất bánh cốm gạo ở thị xã Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Hồng Thủy.

Trần Mạc Vân Anh tại nhà máy mang tên Simple Snacks chuyên sản xuất bánh cốm gạo ở thị xã Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Hồng Thủy.

Năm đầu tiên làm theo quy trình của tụi nhỏ, cây bưởi vẫn vậy, trái ít hơn, nhỏ hơn, nhưng trong vườn thấy ong bướm, kiến nhiều hơn. Đến năm thứ 2, nhìn cây mỡ màng hơn, trái vẫn vậy, thậm chí là mẫu mã không đẹp bằng, nhưng ăn thấy múi nhiều nước hơn, vị ngọt đậm hơn. Tôi bắt đầu thích, nên cứ theo hướng dẫn của mấy cháu làm thôi. Đến giờ, sau 4 năm chăm sóc theo quy trình hữu cơ, chỉ dùng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh đến dinh dưỡng theo tư vấn, đất trong vườn ngày càng nhiều mùn, mềm, xốp hơn, thọc tay xuống đất thấy mát.

Còn cây bưởi nhìn khỏe hơn. Vì không tốn chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, chỉ dùng phân chuồng ủ hữu cơ với giá rẻ hơn nhiều nên chi phí cũng giảm nhiều. Thích nhất là cảm giác mình làm ra những trái bưởi sạch. Dù giá bán chưa cao, chưa nhiều người biết, nhưng bán chạy hơn, không bị ế như trước”.

Từ một loại bánh bình dân, đôi bạn trẻ Mike Trần và Vân Anh đã biến chúng thành sản phẩm giá trị cao, được thị trường Mỹ rất ưa chuộng. Ảnh: Hồng Thủy.

Từ một loại bánh bình dân, đôi bạn trẻ Mike Trần và Vân Anh đã biến chúng thành sản phẩm giá trị cao, được thị trường Mỹ rất ưa chuộng. Ảnh: Hồng Thủy.

“Lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ luôn tiềm ẩn những rủi ro, đôi khi có thể khiến mình trắng tay. Tụi em khi bắt tay vào làm cũng đã đặt ra những tình huống xấu nhất, và thực tế là đã trải qua không ít khó khăn. Ví dụ năm 2017, đối mặt với nhiều khó khăn, Medifood.IO đã phải tạm dừng hoạt động. Nhưng dừng lại để suy ngẫm, đánh giá lại mọi thứ và chuẩn bị thêm vốn, lên những kế hoạch dài hạn để đi tiếp chứ không phải thất bại. Quan điểm của em là không có thất bại, chỉ có những bài học kinh nghiệm rút ra để điều chỉnh và làm tốt hơn thôi”, Mike tâm sự.

Hồng Thủy
Bình luận