Nông hộ còn e dè với vacxin dịch tả heo Châu Phi

Bình luận · 620 Lượt xem

Nông hộ còn e dè chưa muốn tiêm vacxin dịch tả heo Châu Phi nên các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng.

Chưa hiểu đúng về vacxin dịch tả heo Châu Phi

Tại Vĩnh Long, tỉnh có tổng đàn heo với khoảng 183.000 con, người nuôi đang gặp khó không chỉ vì giá heo sụt giảm mà còn vì dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp.

 

Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã ghi nhận 9 ổ dịch tại các huyện Trà Ôn, Long Hồ và Tam Bình. Đã có khoảng 7 tấn heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

 

Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết, đa số hộ nuôi heo trên địa bàn tỉnh với quy mô nhỏ lẻ, nhận thức về an toàn sinh học và phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi còn hạn chế. Ngoài ra, thời tiết nắng mưa thất thường, cộng thủy triều dâng tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan tại các hộ nuôi không đảm bảo vệ sinh chuồng trại.

 

Ông Tùng cũng khuyến cáo, người dân vì ham giá rẻ nên mua heo giống qua mạng xã hội mà không quan tâm đến nguồn gốc đã vô tình mang mầm bệnh từ địa phương khác về. Người nuôi heo chưa chủ động tiêm phòng, thông qua số liệu từ đại lý và các trạm thú y trong tỉnh cho thấy số lượng vacxin dịch tả heo Châu Phi bán ra còn rất ít.

 

Qua ghi nhận thực tế tại xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, nơi có đàn heo lớn của tỉnh bởi đa số người dân sống chủ yếu bằng nghề nuôi heo nấu rượu.

 

Ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp 5, chủ trại heo với khoảng 100 con vừa nái vừa thịt. Ông thực hiện vệ sinh chuồng trại, phun xịt tiêu độc khử trùng thường xuyên cũng như không cho người lạ vào trại heo để tránh dịch bệnh. Tuy nhiên, khi được hỏi về tiêm phòng dịch tả heo Châu Phi cho đàn vật nuôi, ông giải thích: "Trước đây, tôi thấy một số hộ đã tiêm nhưng kết quả không như kỳ vọng, với lại giá vacxin rất cao, hơn 50.000 đồng/mũi nên tôi chưa tiêm".

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Hai ở ấp Thanh Hưng, có kinh nghiệm nuôi heo hơn 30 năm cho biết, đàn heo của bà hiện có khoảng 60 con và khoảng 1 tháng nữa có thể xuất bán. Tuy nhiên, giá bán heo hơi hiện tại khá thấp, dao động từ 45-50.000 đồng/kg. Nếu tiếp tục nuôi và cho ăn thức ăn phải bù lỗ khoảng 100.000 đồng cho mỗi con heo, nên bà không muốn tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

 

Tương tự, tại tỉnh Trà Vinh, dịch tả heo Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi địa phương. Chỉ từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, ngành chức năng tỉnh đã tiêu hủy hơn 86.000 con heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi của 3.900 hộ, với tổng trọng lượng gần 4.000 tấn. Tỉnh Trà Vinh đã cấp kinh phí hơn 140 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo Châu Phi để phục hồi sản xuất.

 

Trong quý 1 năm nay, dịch tả heo Châu Phi đã tái phát tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Để ngăn chặn dịch bệnh, tỉnh Trà Vinh đã triển khai chương trình "Tháng tổng vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường".

 

Cán bộ thú y đã phun xịt hóa chất khử trùng vào hơn 260.000 hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh cũng như tăng cường công tác tiêm phòng. Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, đến cuối tháng 9, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt thấp; chỉ có 752 con heo được tiêm phòng vacxin DTHCP, trong khi tổng đàn heo toàn tỉnh trên 272.000 con.

 

Chị Nguyễn Thị Diễm, cộng tác viên thú y xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh chia sẻ, công tác tiêm phòng dịch tả heo Châu Phi đang gặp khó khăn bởi nhận thức của người dân về phòng bệnh cho vật nuôi vẫn còn hạn chế. Khi cán bộ thú y đến từng hộ để tiêm phòng, nhiều trường hợp từ chối vì cho rằng việc tiêm phòng có thể làm cho heo chậm phát triển và nhiễm bệnh từ người tiêm phòng.

 

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Theo ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, các loại vacxin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi đang lưu hành đã được cơ quan chuyên môn kiểm định để đảm bảo hiệu quả và an toàn, đồng thời đã được Bộ NN-PTNT cấp phép đã chứng minh độ an toàn rất cao. Do đó, ông Tùng khuyến cáo người chăn nuôi nên mạnh dạn tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe của đàn vật nuôi.

 

“Chúng tôi đang tăng cường công tác giám sát và theo dõi tình hình dịch tả heo Châu Phi trên toàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đang xây dựng và tái cấp lại 10 cơ sở chăn nuôi an toàn để ứng phó với dịch tả heo Châu Phi. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người chăn nuôi heo các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

 

Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất thành công và xuất khẩu vacxin dịch tả heo Châu Phi sang nhiều nước, bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để giảm thiểu rủi ro thiệt hại kinh tế, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, bao gồm tiêm vacxin phòng dịch tả heo Châu Phi”, ông Tùng cho biết thêm.

 

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho rằng, không chỉ cơ quan thú y mà các doanh nghiệp sản xuất vacxin cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người nuôi hiểu đúng về vacxin phòng dịch tả heo Châu Phi.

 

 

 

Hồ Thảo

 

Bình luận