Ngành gỗ hồi phục, gỗ rừng trồng tăng giá

Bình luận · 166 Lượt xem

Những tháng cuối năm, ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định có tín hiệu vui vì các doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng mới, theo đó, gỗ rừng trồng cũng tăng giá.

 

Đầu năm 2023, do đa số khách hàng nước ngoài vẫn còn tồn kho lượng hàng đồ gỗ rất lớn và giảm đặt hàng nên bức tranh của ngành gỗ Bình Định trở nên ảm đạm. Tuy nhiên, từ tháng 7/2023 đến nay, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định cho biết bắt đầu có đơn hàng mới, tuy không nhiều như thời hưng thịnh nhưng đây là tín hiệu vui cho những tháng cuối năm.

 

“Từ tháng 7/2023 đến nay, doanh nghiệp chúng tôi bắt đầu có đơn hàng mới, tuy chỉ bằng khoảng 70% so với trước đây nhưng đây là điều rất phấn khởi vì chúng tôi có thể duy trì sản xuất ổn định đến đầu năm sau. Sau khi nhận được đơn hàng mới, chúng tôi đã gọi 210 công nhân làm việc trở lại. Do thời gian dừng sản xuất khá lâu nên một số công nhân có tay nghề cao đã chuyển sang làm việc khác hoặc đã đi kiếm việc ở nơi xa nên chúng tôi phải đào tạo thêm công nhân mới để đáp ứng yêu cầu sản xuất”, lãnh đạo Công ty TNHH Tân Phước ở Khu công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ.

 

Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành (TP Quy Nhơn) cho biết thời gian qua, tình hình sản xuất của doanh nghiệp này cũng tươi sáng sáng trở lại. Nhiều khách hàng đã quay lại với những dự định đặt lượng hàng cụ thể trong tương lai gần.

 

“Đây là tín hiệu vui của ngành chế biến gỗ Bình Định, nhưng chúng tôi vẫn rất thận trọng vì sức tiêu thụ của các thị trường lớn về đồ gỗ chưa phục hồi như những năm trước đây. Chúng tôi không ngừng thăm dò, khảo sát và được biết người tiêu dùng đồ gỗ ở những thị trường lớn vẫn chưa mở rộng “hầu bao” khi kinh tế vẫn còn khó khăn. Hi vọng khi kinh tế thế giới phục hồi, ngành chế biến gỗ của Bình Định sẽ trở lại thời hưng thịnh”, ông Lương nói.

 

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong số 130 doanh nghiệp sản xuất gỗ ở tỉnh này, có nhiều doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đó là các công ty như Phú Tài, Tiến Đạt, Đại Thành, Hoàng Hưng, Đức Hải, Đức Toàn, Nghĩa Tín, Năng lượng sinh học Phú Tài, Gia Hân…

 

“Các doanh nghiệp nói trên thu hút hầu hết các tập đoàn mua sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Anh, Úc như: Ashley, Masterbrand Cabinet, Noble House, Walmart, Target, HomeDepot, Kingfisher, JP, OBI… Đơn hàng đang trở lại với ngành chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định, nhưng lượng đơn hàng chưa nhiều, lại yêu cầu nghiêm ngặt là rút ngắn thời gian giao hàng, thay đổi mẫu mã”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho hay.

 

Gỗ rừng trồng tăng giá

Nếu như trong năm 2022, giá gỗ rừng trồng ở Bình Định được các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu và viên nén thu mua (tại nhà máy) từ 1,8 - 1,9 triệu đồng/tấn thì bước sang những tháng đầu năm 2023 đã giảm mạnh, chỉ còn 1,2 triệu đồng/tấn. Giá gỗ rừng trồng được các thương lái thu mua tại rừng càng thê thảm hơn, có nơi chỉ 900.000đ/tấn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá gỗ nguyên liệu rừng trồng ở Bình Định đã tăng trở lại, hiện đang ở mức gần 1,5 triệu đồng/tấn (giá thu mua tại nhà máy), người trồng rừng đã có lại niềm vui.

 

Huyện miền núi Vân Canh là địa phương có phong trào trồng rừng sản xuất mạnh nhất tỉnh Bình Định với diện tích rừng trồng hơn 13.500ha. Nnhững tháng gần đây, người trồng rừng vui mừng vì giá gỗ nguyên liệu tăng trở lại, tuy chưa bằng đỉnh giá năm 2022 nhưng cũng đã rất phấn khởi.

 

Theo anh Lê Minh Tiến, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, thu nhập chính của người dân huyện miền núi này là trồng rừng và chăn nuôi bò. Trong thời gian giá gỗ rừng trồng hạ thấp, người trồng rừng ở Vân Canh rất lo lắng vì mất nguồn thu nhập. Những tháng gần đây, giá gỗ rừng trồng tăng trở lại, người dân có động lực bước vào vụ trồng rừng mới.

 

 

Chị Nguyễn Thị Trang ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) chuyên đi mua gỗ nguyên liệu tại rừng về bán lại cho các nhà máy chế biến dăm chia sẻ: “Vợ chồng em không có vốn nên chỉ mua bán nhỏ lẻ. Sắm được chiếc xe ba gác máy hơn 20 triệu đồng và máy cưa khoảng 6 triệu đồng nữa, hàng ngày hai vợ chồng chở nhau đi mua những diện tích trồng keo và bạch đàn nhỏ. Chồng cưa, vợ lột vỏ, đủ chuyến xe ba gác là chở bán cho nhà máy lấy tiền liền. Hết ngày hai vợ chồng kiếm đủ ngày công là vui rồi”.

 

“Do giá gỗ nguyên liệu hạ thấp nên nhiều hộ trồng rừng hiện nay đã chuyển sang trồng bạch đàn thay vì trồng keo như trước đây, bởi gỗ keo có trọng lượng nhẹ hơn gỗ bạch đàn và sau khi thu hoạch bạch đàn có thể tự tái sinh”, anh Nguyễn Văn Chất ở thôn Quy Hội, xã Phước An (huyện Tuy Phước, Bình Định) - thương lái chuyên thu mua gỗ rừng trồng bán lại cho các nhà máy cho biết.

Bình luận