Nông nghiệp tuần hoàn xoay quanh con bò thịt

Bình luận · 212 Lượt xem

Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi, phát triển đàn bò, sau đó dùng phân bò để bón cây ăn trái, một nông dân thu lợi nhuận gấp đôi bình thường.

Giữa trưa, ông Phùng Trọng Điềm (50 tuổi, ngụ thôn 12, xã Cư K’nia, huyện Cư Jút, Đắk Nông) vẫn tất bật với công việc xử lý thân cây ngô để làm thức ăn dự trữ cho đàn bò 25 con trong vài tháng tới.

 

Ông Điềm cho biết, những ngày này, tranh thủ người dân địa phương thu hoạch bắp nên gia đình đến xin toàn bộ thân cây về sơ chế, cắt nhỏ. Sau đó, thân cây sẽ được ủ chua bằng cách lên men với bột ngô, men vi sinh và muối… làm thức ăn dinh dưỡng cho bò.

 

“Mấy năm trước tôi có vay ngân hàng chính sách vốn để mua bò, phát triển sản xuất. Thời gian đầu, việc chăn nuôi theo phương pháp truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao. Có một lần tình cơ xem tivi thấy người ta chế biến thức ăn cho bò bằng thân cây ngô nên tôi cũng mày mò làm theo. Sau hơn 5 năm áp dụng, đàn bò nhà tôi đã phát triển rất tốt, mỗi năm xuất bán được khoảng 18-20 con bê thịt”, ông Điềm chia sẻ.

 

Cũng theo ông Điềm, thân cây ngô hàm lượng dinh dưỡng rất cao, được dùng làm thức ăn cho các loại động vật như trâu, bò, hươu… Vào vụ thu hoạch, vì trâu bò ăn không hết nên thân cây thường bị bỏ đi hoặc dùng làm chất đốt rất lãng phí, không tận dụng được hết công dụng của nó.

 

Sau khi tìm hiểu phương pháp ủ chua, lên men thân cây bắp, ông Điềm đã tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương làm thức ăn cho bò. Đặc biệt, nhờ nguồn thức ăn này mà đàn bò nhà ông Điềm phát triển tốt, giảm bớt chi phí chăn nuôi và bảo đảm nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất cho gia đình.

 

“Ngoài cỏ tươi, mỗi ngày tôi đều cho bò ăn thân cây ngô ủ chua. Đàn bò ăn thức ăn ủ chua không thấy có dấu hiệu đau bụng, không bị tiêu chảy, ít xảy ra dịch bệnh. Chế biến thân cây ngô cũng rất đơn giản, tuy nhiên điều quan trọng nhất là quá trình ủ phải bảo đảm vệ sinh, không để không khí và nước vào bên trong túi ủ”, ông Điềm nói thêm.

 

Đặc biệt, thổ nhưỡng tại khu vực ông Điềm sinh sống chủ yếu là đất pha sỏi cơm. Cũng giống như nhiều nông hộ khác trong vùng, trước đây gia đình ông Điềm đầu tư số tiền lớn để trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, do hồ tiêu nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt, từ đó ông Điềm đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

 

 

“Sau khi tìm hiểu và tham khảo ý kiến của nhiều người, gia đình quyết định trồng nhãn, bởi vùng đất này thường xuyên thiếu nước. Trong trường hợp mưa lớn, nước cũng thoát nhanh nên không ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây. Gia đình trồng 1ha nhãn. Đến nay nhãn được 4 năm tuổi và đã cho thu hoạch. Vừa rồi tôi thu được hơn 7 tấn quả, với giá mua tại vườn là 17.000 đồng/kg. So với trồng hồ tiêu thì trồng nhãn đỡ tốn công chăm sóc hơn nhiều”, ông Điều cho hay.

 

Ông Điềm nhấn mạnh, nguồn phân bón cho vườn nhãn được lấy từ việc việc chăn nuôi bò và hoàn toàn là hữu cơ. Với số lượng đàn bò được duy trì khoảng 20 - 25 con mỗi năm, nguồn phân bón thừa bón cho 1ha nhãn.

 

Đến nay, mỗi năm gia đình ông Điềm thu gần 400 triệu đồng từ việc chăn nuôi bò và trồng nhãn. Hiện gia đình đã trả được số tiền vay vốn ngân hàng, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài vườn nhãn, ông Điềm còn trồng xen canh đu đủ đực để thu hoạch hoa, bán cho các thương lái làm dược liệu.

 

"Qua một thời gian ngắn triển khai, cây đu đủ đực mang lại hiệu quả kinh tế. Đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã Cư K’nia. Việc trồng các loại cây đều tận dụng nguồn phân từ việc nuôi bò nên giúp giảm được các chi phí từ đó giúp gia đình có thu nhập tốt hơn”, ông Điềm nói.

 

Đánh giá về mô hình sản xuất của ông Điềm, bà Nguyễn Thị Út, Phó Chủ tịch UBND xã Cư K’nia cho hay: “Ông Điềm là một trong số nông dân của địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, ông Điềm đã vận dụng tốt các chương trình, mô hình kinh tế trang trại, từ đó mang lại hiệu quả cao. Điều đáng khích lệ là trong quá trình sản xuất, ông Điềm con nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân trong thôn làm ăn, góp phần thúc đẩy thay đổi diện mạo, đời sống của người dân vùng đất khó thôn 12”.

 

 

Minh Quý

 

 

Bình luận