Trong năm 2023, phía Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã sôi động trở lại, lượng hàng hóa có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
10 tháng đầu năm 2023, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản các loại (thủy hải sản tươi sống và đông lạnh; hoa quả tươi và sấy khô, tinh bột sắn, hạt điều, hạt tiêu, chè khô…) xuất khẩu qua Lối mở Cầu phao Km3+4 Móng Cái tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng sản lượng xuất khẩu đạt 653,8 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.1 tỷ USD; tăng gần 2,7 lần về sản lượng (tăng 245 nghìn tấn) và tăng gần 3,9 lần về kim ngạch (tăng 868 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba đối với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản.
Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong số 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc; nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, thanh long, vải, hạt điều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu.
Theo bà Ngọc, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập"; tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu; đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn.
Thông tin thêm về thương mại thủy sản Việt Nam - Quảng Tây, theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản qua địa bàn một cách hiệu quả và bền vững, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã tham mưu với UBND TP Móng Cái kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền TP Đông Hưng, Trung Quốc sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động của 12 cơ sở kiểm tra hàng hóa mở rộng nhằm nâng cao hiệu suất thông quan đối với mặt hàng hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sớm thúc đẩy tiến độ xây dựng cầu Sắt, cầu Phao thứ 2 tại Km3+4, Hải Yên (Móng Cái, Việt Nam) - Cặp chợ Biên mậu Đông Hưng. Cho phép tất cả xe ô tô tải có chiều dài trên 13m, chiều cao 4,8m và có trọng dưới 60 tấn được phép chở hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam và mở rộng lên 08 luồng thông quan tại Lối mở Cầu phao Km3+4.
Chính quyền Móng Cái cũng đề nghị lực lượng Hải quan phía Trung Quốc có cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc, có chính sách ưu tiên thông quan trước, thông quan nhanh, thông quan trong ngày đối với nông thủy sản tươi sống, hoa quả của Việt Nam và cung cấp thông tin kịp thời các cơ chế chính sách quản lý tức thời đối với mặt hàng nông lâm, thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam trước khi áp dụng.
Cường Vũ