Vất vả như thú y miền núi [Bài cuối]: Vào tận vùng sâu vùng xa

Bình luận · 77 Lượt xem

Mùa mưa bão, đồng bào vùng cao thường lùa đàn gia súc về các vùng sâu, xa để giữ ấm qua mùa giá rét, cán bộ thú y tiêm phòng phải tìm đến nơi…

Nâng cao ý thức người chăn nuôi để thú y đỡ vất vả

Huyện vùng cao An Lão (Bình Định) có 10 xã, thị trấn với 57 thôn, làng. Thực hiện Quyết định số 52/2023/UBND của UBND tỉnh Bình Định, hiện toàn bộ 10 xã, thị trấn ở An Lão đều có cán bộ thú y phụ trách địa bàn.

 

Theo anh Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Lão, tổng đàn gia súc của huyện này có gần 25.300 con, trong đó, đàn trâu ước đạt 2.800 con, đàn bò 7.600 con. Ngoài ra, An Lão còn có đàn heo 14.800 con, đàn vịt 93.740 con, đàn gà hơn 50.380 con.

 

Hàng năm, ngành chức năng huyện An Lão thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng vacxin cúm gia cầm trên địa bàn huyện An Lão đạt 93%, tiêm phòng vacxin tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò đạt hơn 87%, tiêm phòng vacxin lở mồm long móng cho đàn gia súc đạt gần 89%.

 

Theo anh Nguyễn Thanh Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Lão, đường đi đến những xã vùng cao của huyện An Lão rất xa xôi cách trở, nhất là các xã An Toàn, An Nghĩa và An Vinh. Ngoài cách trở về giao thông, các địa phương nói trên đều có điều kiện khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chăn nuôi.

 

Cũng theo anh Lưu, trình độ dân trí của bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, do đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của người dân các xã vùng cao cũng hạn chế theo. Để khắc phục tình trạng nói trên, ngành chức năng huyện An Lão phải phối hợp với các Hội, đoàn thể và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhất là tiêm vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

 

“Chúng tôi phải tuyên truyền làm sao để bà con hiểu là hợp tác với lực lượng thú y trong công tác tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm chính là bảo vệ tài sản của gia đình. Công tác tuyên truyền phải thực hiện theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để bà con thay đổi dần dần, nên lực lượng thú y từ cấp huyện đến cấp xã ở An Lão phải kiên trì, nhất là phải yêu nghề để toàn tâm toàn ý với công việc”, anh Nguyễn Thanh Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Lão chia sẻ.

 

Vất vả của lực lượng thú y xã ở huyện An Lão là do tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số là không chăn nuôi trong chuồng trại, mà chăn nuôi theo kiểu thả rông theo nhóm, theo cụm. Do đó, đến đợt tiêm phòng, bắt buộc cán bộ thú y xã phải đến tận các khu vực chăn nuôi từng nhóm, từng cụm để mới có thể tiêm phòng phủ kín đàn vật nuôi trên địa bàn.

 

Lặn lội vào tận thung lũng để tiêm phòng

Theo anh Đinh Văn Khánh, cán bộ thú y xã An Vinh (huyện An Lão), với phương thức chăn nuôi theo kiểu thả rông, đến đợt tiêm phòng dù đã được ngành chức năng thông báo, nhưng bà con không thể đưa gia súc về làng được, nhất là trong mùa mưa bão. Bởi, đến mùa mưa bão là bà con lùa hết trâu, bò xuống những vùng thung lũng kín gió để giữ ấm cho đàn vật nuôi, nên cán bộ thú y muốn tiêm phòng phải lặn lội đến các thung lũng nằm sâu trong rừng.

 

Anh Nguyễn Thanh Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Lão khẳng định: Theo văn bản của ngành nông nghệp tỉnh là đến đợt tiêm phòng các địa phương phải yêu cầu người chăn nuôi ở miền núi tập trung gia súc về làng để cán bộ thú y tiêm phòng, thế nhưng trên thực tế, yêu cầu này là bất khả thi. Vì làng thường nằm trên núi cao, mà trên núi cao thì hứng hết giá rét. Do vậy, nếu đưa gia súc về làng thì trâu, bò sẽ bị chết vì lạnh. Vả lại, vào mùa mưa bão, gia súc ở các vùng thung lũng ngoài được giữ ấm còn có thức ăn, nước uống, trâu bò sẽ đảm bảo được sức khỏe.

 

Theo anh Đinh Văn Khánh, cán bộ thú y xã An Vinh, đoạn đường đi đến các thôn, làng vùng sâu, vùng xa của xã này để tiêm phòng cho đàn vật nuôi, cán bộ thú y phải đi bộ hàng chục cây số đường mòn nằm sâu trong rừng núi.

 

“Đường đi đến những khu chăn nuôi của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện công tác tiêm phòng vất vả là vậy, mức hỗ trợ của cán bộ thú y xã dù đã được tăng cao hơn so với trước đây nhưng vẫn không đủ chi phí xăng xe đi lại để theo dõi tình hình chăn nuôi tại các thôn, làng và thực hiện nhiệm vụ trong những đợt tiêm phòng. Biết vậy, nhưng đã học ngành thú y thì phải làm công tác thú y để giúp đỡ bà con. Trâu, bò bà con nuôi được an toàn là cuộc sống của bà con được no đủ”, anh Đinh Văn Khánh, cán bộ thú y xã An Vinh tâm tư.

 

 

Vũ Đình Thung

 

Bình luận