Bảo vệ môi trường, nhiệm vụ sống còn của người chăn nuôi lợn

Bình luận · 194 Lượt xem

Hiệu quả sản xuất nhiều năm âm nặng nhưng trang trại của anh Nguyễn Thái Huy chưa bao giờ cắt giảm chi phí cho công tác bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh.

Gần 7 năm vật lộn trong “bão giá” và dịch bệnh

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nổi tiếng chịu thương chịu khó xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, năm 18 tuổi, sau khi học xong cấp 3, anh Nguyễn Thái Huy (49 tuổi) theo mẹ đánh hàng từ TP Vinh, tỉnh Nghệ An về Đức Thọ buôn bán. Suốt quá trình ấy, người đàn ông da nâu, nhỏ thó kinh doanh thập cẩm từ vải vóc, quần áo cho đến nông sản như lúa, lạc, đậu...

 

Ba năm sau anh nên duyên vợ chồng với chị Phạm Thị Lưu, người con gái ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Có gia đình nhỏ, anh Huy chuyển hướng sang làm đậu phụ, chăn nuôi lợn nông hộ. Ban đầu nuôi 5 - 10 con/lứa, sau đó đàn lợn tăng dần lên 100 con/lứa.

 

Theo ông Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, thời điểm đó, gia đình anh Huy chăn nuôi ở thôn Sơn Quang, gần khu dân cư nên ô nhiễm môi trường. Được sự vận động của chính quyền huyện, xã, năm 2008 anh Huy thuê đất ở Tân Quang chuyển hướng sang chăn nuôi lợn trang trại.

 

“Anh Huy thuê 3,9ha đất của xã với thời hạn 50 năm để xây dựng chuồng trại. Giai đoạn năm 2012 - 2014 nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn trong xây dựng nông thôn mới ra đời, anh Huy là hộ được thụ hưởng chính sách khá nhiều nên mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng chăn nuôi 350 con lợn nái”, ông Chiểu thông tin.

 

Cùng thời điểm năm 2012, thung lũng thôn Tân Quang được huyện Đức Thọ quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, với tổng diện tích 45ha. Thừa thắng xông lên, anh Nguyễn Thái Huy bỏ vốn khoảng 30 tỷ đồng nâng quy mô chăn nuôi thời điểm cao nhất (năm 2016) lên đạt 650 nái.

 

“Lúc ấy, mô hình chăn nuôi lợn phát triển nóng quá nên cung vượt cầu. Đến năm 2017 lợn hơi xuất chuồng chỉ còn 16.000 đồng/kg, càng nuôi càng lỗ nặng. “Bão giá” qua đi, giá lợn tăng trở lại. Song, chưa kịp vui vì có lãi thì dịch dịch tả lợn Châu Phi tấn công, rồi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chúng tôi thêm nhiều lần lao đao”, anh Huy nhớ lại.

 

Theo anh, từ nuôi 650 nái, năm 2019 anh phải giảm tổng đàn xuống còn 350 con. Tháng 4/2023, trang trại bị dịch tả lợn Châu Phi “hỏi thăm”, anh thiệt hại một khoản lớn và phải treo chuồng hơn 4 tháng. Mới đây trang trại đã tái đàn trở lại nhưng chỉ duy trì 350 con lợn nái.

 

Khi được hỏi vì sao sau nhiều biến cố anh vẫn kiên định bám trụ với nghề chăn nuôi lợn, anh Huy bảo, sản xuất, kinh doanh có lúc này lúc khác, năm này lỗ thì năm khác lời. Quan trọng từ việc cung cấp con giống và hỗ trợ kỹ thuật, anh đã giúp được rất nhiều hộ chăn nuôi tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

 

“Hơn 15 năm nuôi lợn trang trại, bình quân mỗi năm chúng tôi cung ứng từ 5 – 10 nghìn con lợn giống/năm. Có những thời điểm lợn giống khó bán, chúng tôi để nuôi thịt, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 500 con, góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường”, anh Nguyễn Thái Huy chia sẻ.

 

Đồng thời anh Huy nhẩm tính, doanh thu bình quân những năm cao điểm của trang trại lên đến hơn 35 tỷ đồng/năm; tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân với mức lương sau khi đóng bảo hiểm đạt 9 triệu đồng/người/tháng.

 

Đánh giá về đóng góp của trang trại này, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh: “Trang trại hộ anh Nguyễn Thái Huy không chỉ là “đầu kéo” lĩnh vực chăn nuôi lợn của xã Đức Lạng mà còn đảm bảo nguồn cung con giống cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện Đức Thọ và các địa phương lân cận.

 

Mấy năm gần đây, mặc dù hiệu quả sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng cơ sở này luôn tiên phong đóng góp kinh phí cho phong trào xây dựng nông thôn mới và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của xã. Đặc biệt là giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trên địa bàn. Chúng tôi ghi nhận rất cao sự hỗ trợ tích cực của cơ sở chăn nuôi này”.

 

Môi trường đảm bảo, chăn nuôi mới hạn chế được dịch bệnh

Trong bối cảnh càng nuôi nhiều càng lỗ nặng, hầu hết trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Tĩnh đều cắt giảm những chi phí không quá cần thiết. Thậm chí, có những trại giảm lượng thức ăn của lợn chỉ để duy trì đàn lợn sống qua ngày.

 

Đứng trước bối cảnh chung đó, anh Nguyễn Thái Huy lựa chọn giảm tổng đàn để dồn nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh. Theo đó, trang trại đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, mua máy ép phân và chuẩn bị trồng cây xanh điều hòa không khí trong khu vực.

 

Theo anh, toàn bộ chất thải chăn nuôi của trang trại sau khi tách lọc bằng máy ép phân được đưa vào bể biogas, rồi chuyển sang khu vực bể lắng sử dụng hệ thống vi sinh xử lý các độc tố và mùi hôi. Nước thải khi đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường được tái sử dụng để vệ sinh chuồng trại nhằm tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả phòng dịch bởi trong nước thải này có chứa một lượng lớn men vi sinh, giảm thiểu mùi hôi rất hiệu quả.

 

“Với việc phun men vi sinh hàng ngày trong chuồng trại và lắp đặt hệ thống phun nước tự động tại các khu vực cánh quạt để giảm thiểu mùi hôi, bình quân mỗi tháng chúng tôi chi khoảng 30 triệu đồng cho công tác phòng dịch bệnh và bảo vệ môi trường”, anh Huy nhẩm tính.

 

 

Quan điểm của chủ cơ sở này, môi trường có đảm bảo chăn nuôi mới hạn chế được dịch bệnh nên toàn bộ khuôn viên trang trại được xây kín cổng cao tường, các khu vực đất trống bê tông hóa để thuận tiện cho công tác vệ sinh. Đặc biệt, phân lợn sau khi ép khô trang trại thu gom sau đó cho người dân sử dụng ủ làm phân hữu cơ phục vụ trồng trọt.

 

Liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của trang trại, ông Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng thông tin, trong các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất của huyện, xã đều chưa phát hiện hành vi xả nước thải chưa đảm bảo ra môi trường của trang trại anh Nguyễn Thái Huy.

 

Về mùi hôi, do tồn tại của công tác quy hoạch, nên khoảng cách từ nhà dân đến trang trại có hộ khá gần nên khó tránh khỏi ảnh hưởng mùi.

 

“Chúng tôi xác định sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, nhưng muốn phát triển kinh tế thì cũng phải có mô hình sản xuất lớn. Vùng Tân Quang đã được quy hoạch thành khu chăn nuôi tập trung, hơn nữa các trang trại đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào đó nên việc di dời trang trại đi nơi khác là bất khả thi.

 

Theo tôi, chính quyền cấp trên cần có phương án quy hoạch lại khu dân cư ở thôn Tân Quang ra khỏi khu vực chăn nuôi tập trung để đảm bảo khoảng cách giữa nhà dân với các trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi. Như vậy sẽ hài hòa lợi ích của người dân và cơ sở chăn nuôi trên địa bàn”, ông Chiểu kiến nghị giải pháp lâu dài.

 

Kết quả quan trắc và phân tích môi trường đợt 2 năm 2023 do Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT Hà Tĩnh) công bố ngày 24/10 cho thấy, nước thải của trang trại anh Nguyễn Thái Huy so sánh với giá trị giới hạn cột B - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải chăn nuôi đều nằm trong giá trị giới hạn cho phép.

 

 

 

 

Thanh Nga

 

Bình luận