Long Phú là huyện thuần nông, có xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã “chuyển mình”, nhất là trong sản xuất lúa, từ đó giúp cho diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
Sản xuất lúa theo hướng hiện đại
Xác định cây chủ lực trong nông nghiệp vẫn là cây lúa, chính quyền huyện Long Phú khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản để canh tác, sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 5 xã đang triển khai mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích 1.388,99ha/1.246 hộ tham gia, trong đó có 2 cánh đồng lớn ở xã Trường Khánh là 630 ha/576 hộ và tại xã Long Đức là 609 ha/538 hộ.
Mô hình cánh đồng lớn với vai trò của HTX đã và đang giúp nông dân huyện Long Phú ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. |
Mô hình cánh đồng lớn với “bà đỡ” là HTX đã và đang giúp nông dân Long Phú ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa, chọn giống chất lượng, xuống giống đồng loạt, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…, từ đó giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận so với sản xuất nhỏ lẻ.
Là một thành viên của HTX Nông nghiệp Hưng Lợi ở ấp An Hưng, xã Long Đức (huyện Long Phú), ông Phạm Hoàng Trân cho biết với diện tích lúa canh tác 4ha của gia đình, nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng đúng quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” nên chi phí đầu vào giảm và năng suất lúa tăng, lợi nhuận sau thu hoạch cũng cao hơn so với các hộ bên ngoài HTX.
Một thành viên khác là ông Huỳnh Văn Dai chia sẻ, nông dân trồng lúa bên ngoài HTX chỉ có lợi nhuận 1 triệu đồng/công, còn gia đình ông có thêm từ 1 - 2 triệu đồng, nên hiệu quả rất rõ ràng. Đó là nhờ HTX áp dụng, nhân rộng mô hình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải 5 giảm", cánh đồng lớn trong sản xuất lúa.
Theo ông Dai, từ khi vào HTX, ông thường xuyên được tập huấn các quy trình canh tác lúa, giảm được lượng giống gieo sạ, giảm phân bón và số lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, vật tư đầu vào giảm, sản lượng lúa tăng, giá cả được đảm bảo.
“Nếu nông dân ở ngoài HTX sản xuất một vụ lúa, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận khoản 1 triệu đồng/công. Trong khi đó, các thành viên trong HTX có lợi nhuận từ trên 2 - 3 triệu đồng/công, không kể giá vật tư nông nghiệp đầu vào giảm từ 15 - 25% so với giá mua ở bên ngoài”, ông Dai khoe.
Hiện nay, HTX Nông nghiệp Hưng Lợi được xem là điểm sáng ở xã Long Đức và huyện Long Phú về sản xuất lúa theo hướng hiện đại với quy mô 609 ha. Từ việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ lúa…, HTX đã giúp cho thành viên nâng cao thu nhập, phấn khởi sản xuất.
Bước chuyển mô hình sản xuất hợp tác
HTX Nông nghiệp Hưng Lợi có 538 thành viên, sản xuất 2 vụ lúa/năm. Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, hơn 95% thành viên của HTX áp dụng tiến bộ kỹ thuật giúp chi phí sản xuất giảm, năng suất cao hơn 500 - 700kg/ha, lợi nhuận bình quân từ đó được nâng cao.
Hoạt động hiệu quả của các HTX sản xuất lúa ở Long Phú đã tạo bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác. |
Theo ông Hùng, thời gian tới HTX tiếp tục mở rộng địa bàn đầu tư và tiêu thụ lúa cho các thành viên, kể cả các hộ ngoài HTX. Đồng thời, HTX thực hiện đăng ký bảo hộ logo HTX và triển khai thực hiện các hợp phần theo danh mục đầu tư thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với HTX Hưng Lợi, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Long Đức tiếp tục có sự phát triển, xã quan tâm chỉ đạo trồng các giống lúa có năng suất và chất lượng, tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt trên 17.409tấn.
Nhờ đó đã đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cách đây 4 năm, xã Long Đức được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay xã đang phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao và tính đến tháng 9/2023 đã đạt 12/19 tiêu chí.
Có thể nói, hoạt động hiệu quả của những HTX nông nghiệp gắn với cây lúa như trường hợp của HTX Hưng Lợi đã đóng vai trò quan trọng, góp sức tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở huyện Long Phú. Rõ nét nhất là bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô lớn hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân khi tham gia HTX.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Long Phú, trong 9 tháng đầu năm 2023, ước diện tích lúa xuống giống tại huyện đạt hơn 36.000ha, đạt trên 113% kế hoạch, tăng 1.912ha so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích lúa đặc sản, lúa thơm, chất lượng cao hơn 35.671ha, đạt 123% kế hoạch. Diện tích thu hoạch hơn 35.916ha, ước năng suất hơn 6 tấn/ha, tổng sản lượng 218.502 tấn, đạt 117% kế hoạch.
Riêng HTX Nông nghiệp Hưng Lợi hiện đang ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học trong canh tác lúa như: áp dụng gieo sạ hàng đạt 100% diện tích; áp dụng quy trình canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; sử dụng máy bay không người lái phun thuốc; thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp... Ngoài ra, sản lượng lúa sau thu hoạch trong HTX được công ty, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Hiện tại, HTX đã và đang chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông - Xuân (2023 - 2024), với giống lúa chủ lực là ST25.
Đem lại thu nhập cao cho nông dân
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đánh giá huyện Long Phú triển khai rất tốt Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản. Để dự án phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện cũng như tại các HTX sản xuất lúa, huyện Long Phú cần tiếp tục cơ cấu mùa vụ sản xuất các giống lúa thơm, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện.
Từ sự chuyển mình của cây lúa với dấu ấn của kinh tế hợp tác đã giúp chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Long Phú có sự chuyển biến mạnh mẽ. |
Cùng với đó, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân duy trì và mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, nhằm có thị trường tiêu thụ tốt.
Riêng với HTX Nông nghiệp Hưng Lợi cần giữ vững ổn định diện tích sản xuất lúa đặc sản, lúa thơm, lúa chất lượng cao; luôn giữ chữ tín khi đã ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa sau thu hoạch với các công ty, doanh nghiệp…
Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Long Phú cũng đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện: vụ Hè - Thu 2022, tổng diện tích thực hiện 1.048ha/505 hộ, trong đó diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ 934 ha/431 hộ, đạt tiêu chuẩn VietGAP 114ha/74 hộ. Mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Theo tính toán của các thành viên HTX và tổ hợp tác, nhờ thay đổi hình thức canh tác từ truyền thống sang hướng hữu cơ mà chi phí đầu tư thấp hơn khoảng 4 triệu đồng/ha và năng suất cao hơn bình quân từ 1.000 – 1.500kg/ha, lợi nhuận chênh lệch từ 4 triệu đồng trở lên/ha. Do giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, nên nông dân sản xuất lúa có lợi nhuận cao hơn.
Huyện Long Phú hiện có 47 tổ hợp tác và 26 HTX nông nghiệp, diện tích canh tác trên 3.400ha, với hơn 2.200 thành viên tham gia. Nhờ sản xuất tập trung, đúng thời vụ, lựa chọn những giống lúa chất lượng cao, các tổ hợp tác và HTX trên địa bàn huyện đã tạo được đầu ra ổn định, dần khẳng định thương hiệu trên thị trường, giúp các thành viên tăng thu nhập.
Từ sự chuyển mình của cây lúa với dấu ấn của kinh tế hợp tác đã giúp cho huyện Long Phú hiện chỉ còn 797 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,83% và 1.550 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,5%. Tính đến tháng 8/2023, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 2 xã nông thôn mới và 1 xã nông thôn mới nâng cao.
Có thể thấy việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Long Phú đang chuyển biến mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”. Do vậy, việc giữ vững các tiêu chí đã thực hiện được trong quá trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các xã nông thôn mới. Và các tổ hợp tác, HTX sản xuất lúa với hoạt động hiệu quả của mình sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho việc này.